DHKT

Công khai luận án tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Vongsila Pisa

10/04/2024

Thực hiện Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng công bố luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Vongsila Pisa trước khi bảo vệ cấp Trường

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Vongsila Pisa

2. Tên đề tài luận án: Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Nghiên cứu từ phía cung.

3. Ngành: Quản trị kinh doanh;          Khóa K39; Mã số: 934 01 01

4. Người hướng dẫn khoa học:        

1. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy

2. TS. Nguyễn Quốc Tuấn

5. Những đóng góp mới của luận án

  Nghiên cứu này đóng góp lý thuyết về năng lực cạnh tranh của một điểm đến và thực tiễn năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch cụ thể là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Về góc độ lý thuyết:

Kết quả của nghiên cứu này góp phần củng cố lý thuyết về mô hình thực nghiệm để đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch đối với nền kinh tế kém phát triển chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm. Trong một thị trường quốc tế ngày càng bão hòa, việc quản lý điểm đến thành công đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về cách thức đo lường có thể duy trì và cần được cải thiện (Goffi, 2013). Năng lực cạnh tranh của điểm đến đã được chứng minh là phức tạp, có tính tương đối và cần được xem xét nhiều khía cạnh với các thuộc tính quyết định không nhất quán. Không có bộ yếu tố cạnh tranh duy nhất nào có thể áp dụng chung cho tất cả các điểm đến mà nhiều loại chỉ số có ảnh hưởng trong các tình huống khác nhau nên cách tốt nhất để xác định các chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cụ thể là bổ sung các yếu tố xác định vào khung lý thuyết thống nhất và thực nghiệm kiểm định chúng. Do đó, cần thực hiện thêm nghiên cứu để cung cấp đánh giá thực nghiệm về các yếu tố xác định liên quan bối cảnh của các điểm đến (Crouch, 2011). Vì thế, trên giác độ tầm quan trọng và khó khăn của việc đánh giá một khái niệm phức tạp, đa phương diện (Crouch và Ritchie, 2003; Li và cộng sự, 2013), nghiên cứu này xem xét từ hệ thống các lý thuyết để lựa chọn và xác định mô hình năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch thể hiện được các đặc điểm địa lý, nhân khẩu học và kinh tế xã hội độc đáo của nước CHDCND Lào, một nền kinh tế đang kém phát triển. Mô hình dựa trên các khía cạnh đa chiều của năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch và được hiệu chỉnh dựa trên bối cảnh cụ thể của các địa phương nước CHDCND Lào này cũng có thể giúp xác định đặc điểm lợi thế cạnh tranh cho các điểm đến du lịch tương đồng về nền tảng du lịch trong khu vực đang hầu như chưa được nghiên cứu.

Ngoài ra, trong các nghiên cứu về năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, một số tác giả đã liên kết khái niệm năng lực cạnh tranh với khái niệm bền vững (Ritchie và Crouch, 2000; Hassan, 2000; Heath, 2002). Trong suốt thời gian dài, việc thảo luận đáng kể tập trung vào mối quan hệ giữa tính bền vững của du lịch và khả năng cạnh tranh đã diễn ra. Tính bền vững là một vấn đề quan trọng trong các tài liệu về năng lực cạnh tranh của điểm đến, nhưng các nghiên cứu hiện có chủ yếu là lý thuyết hơn là thực tiễn (Goffi, 2016). Mô hình đầu tiên nhằm kiểm tra vai trò của tính bền vững trong năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch là của Cucculelli và Goffi (2016); mô hình này đã được áp dụng ở Ý, một quốc gia phát triển và là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Nghiên cứu này góp phần xem xét vai trò của tính bền vững trong việc giải thích khả năng cạnh tranh của điểm đến ở các nước kém phát triển.

Về phương diện thực tiễn:

Nghiên cứu này có ý nghĩa đối với quản lý ngành du lịch của nước CHDCND Lào. Cho đến hiện nay các nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của điểm đến CHDCND Lào trong các tài liệu hầu như chưa có, trong khi chính phủ Lào đang định hướng phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và kết quả kinh doanh du lịch còn khiêm tốn. Để năng lực cạnh tranh của du lịch của CHDCND Lào hướng đến sự phát triển du lịch bền vững, ngày càng tạo được nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, trở thành nền kinh tế mũi nhọn, đóng góp to lớn vào phát triển nền kinh tế quốc dân trong thời gian tới thì các bên liên quan của ngành du lịch của nước CHDCND Lào phải hiểu biết nhiều hơn về chủ đề này, biết được năng lực cạnh tranh hiện tại của điểm đến này cũng như việc phân bổ nguồn lực hiện tại trong việc đạt được nó để xác định và lên kế hoạch những gì cần phải được ưu tiên nguồn lực tập trung cải thiện. Tuy nhiên, vẫn chưa có mô hình để đánh giá được năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch du lịch phù hợp với các đặc điểm địa lý, kinh tế xã hội độc đáo của CHDCND Lào. Mặt khác, cần phải có khuôn khổ cho năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch có tính bền vững, tức đòi hỏi một mặt phải xem xét đầy đủ các khía cạnh kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường sinh thái, mặt khác phải xem xét tất cả các bên liên quan tham gia vào quá trình du lịch để kết hợp tất cả nhằm cung cấp cơ sở hình thành một hệ thống du lịch tổng hợp. Thiếu những cân nhắc nói trên sẽ dẫn đến sự cân bằng bị xáo trộn và do đó, làm sụp đổ hệ thống du lịch và hậu quả là sự phát triển không bền vững. Để bền vững trong năng lực cạnh tranh du lịch, một điểm đến phải có năng lực thiết lập sự cân bằng hợp lý giữa các khía cạnh nêu trên trong khuôn khổ của chính sách và quản lý bền vững.

Nghiên cứu tiếp cận từ cung là những người hành nghề du lịch đảm bảo với kinh nghiệm, có kiến ​​thức, thông tin và sự quen thuộc của họ với các vấn đề liên quan đến quản lý điểm đến và chính sách du lịch, sẽ đánh giá tốt hơn các thuộc tính của năng lực cạnh tranh điểm đến. Việc sử dụng đánh giá của các bên liên quan về năng lực cạnh tranh của điểm đến sẽ cải thiện nhận thức của các nhà quản lý điểm đến đối với năng lực cạnh tranh. Các nhà điều hành có thể biết nhiều hơn về điều gì làm cho một điểm đến trở nên cạnh tranh nên với kết quả của nghiên cứu này có thể hỗ trợ các nhà hoạch định và quản lý du lịch của nước CHDCND Lào nhận thức sự cần thiết kết hợp mạng lưới tạo nên sản phẩm du lịch điểm đến để khai thác hiệu quả nguồn lực đáp ứng nhu cầu, thu hút và có được sự thỏa mãn, trung thành của du khách. Do đó, nghiên cứu này có năng lực đóng góp vào việc giám sát hiệu quả hơn và cải thiện mối quan hệ giữa các nhà quản lý điểm đến của các bên liên quan khác nhau. Ngoài ra, theo Stamenkovic và cộng sự (2018), rất cần thiết để phân bổ các nguồn lực khan hiếm của điểm đến và tập trung hoạt động của nó vào việc phát triển các thuộc tính có giá trị nhất đối với khách du lịch. Nghiên cứu này cũng nhận diện được sự hợp lý trong việc đầu tư nguồn lực cho năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch để từ đó hỗ trợ kế hoạch chiến lược phát triển du lịch của CHDCND Lào.

6. Thời gian, địa điểm đánh giá luận án: Sẽ công bố sau

7. Nội dung luận án: (file đính kèm)