DHKT

  • Lịch sử hình thành và phát triển

    45 NĂM TRUYỀN CẢM HỨNG – VỮNG TƯƠNG LAI

    Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tiền thân là Khoa Kinh tế thuộc Viện Đại học Đà Nẵng (sau đổi tên thành Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) được thành lập vào tháng 7 năm 1975. Đến năm 1985, Khoa Kinh tế được tách ra thành Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng (trực thuộc Bộ). Năm 1988, Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng lại sáp nhập với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và trở thành 02 khoa của Trường. Ngày 04.4.1994, cùng với Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh được thành lập theo Nghị định số 32/CP của Chính phủ. Đến năm 2004, theo Quyết định số 129/CP-KG của Chính phủ về việc đổi tên trường đại học, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh chính thức được đổi tên thành Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng và phát triển cho đến ngày nay.

    Thế hệ các Thầy, Cô giáo đầu tiên của Nhà trường

    Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, từ ban đầu chỉ là 01 khoa trực thuộc có chưa tới 20 cán bộ, giảng viên với 02 chuyên ngành đào tạo, mỗi năm chỉ tuyển sinh trên dưới 100 sinh viên đại học, đến nay Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã là một cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa cấp; một trung tâm nghiên cứu, tư vấn chuyển giao khoa học kinh tế và quản lý hàng đầu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

    Trường hiện có 12 khoa chuyên môn, 08 phòng chức năng, 8 trung tâm, 01 thư viện và 01 bộ môn trực thuộc. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường hiện nay là gần 500 người, trong đó có 406 cán bộ giảng dạy gồm: 04 giáo sư, 22 phó giáo sư, 81 tiến sĩ, 182 thạc sĩ, 03 giảng viên cao cấp, 03 nhà giáo ưu tú, 65 giảng viên chính và trên 50 cán bộ giảng dạy đang làm nghiên cứu sinh, học cao học ở nước ngoài. Tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên của Trường hiện đã đạt 99%, trong đó chủ yếu là được đào tạo từ nước ngoài.

    Số chuyên ngành đào tạo hiện nay của Trường là 28 chuyên ngành đào tạo đại học, tất cả các chuyên ngành đều được đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng cao; 7 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ và 4 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ.

    Quy mô tuyển sinh hàng năm hiện nay của Trường là trên 3.000 sinh viên đại học hệ chính quy, 1.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học, trên 600 học viên cao học và hàng chục nghiên cứu sinh chiếm trên 30% tổng số tuyển sinh sau đại học của toàn Đại học Đà Nẵng. Ngoài ra, tại Trường còn có các chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học với các trường đại học uy tín trên thế giới như: Đại học Towson, Đại học Keuka (Hoa Kỳ); Đại học Conventry, Đại học Sunderland; Đại học Stirling (Anh); Học viện Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc) với quy mô tuyển sinh mỗi năm gần 200 sinh viên các hệ. Hiện nay tổng số sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học tại Trường là hơn 14.000 người.

    Trong 45 năm qua, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã cung cấp cho đất nước trên 70.000 cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế. Những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp từ Trường hiện đang có mặt trên mọi miền của Tổ quốc, trong đó có rất nhiều người thành đạt, nhiều người hiện đang nắm giữ các trọng trách cao nhất tại các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức khác ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

    Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế cũng luôn được quan tâm đẩy mạnh nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà trường trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu. Các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tri thức khoa học kinh tế và quản lý cho cộng đồng đã không ngừng được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng. Trường hiện là một địa chỉ đáng tin cậy của cộng đồng các doanh nghiệp, của các địa phương trong khu vực khi có nhu cầu cần tư vấn giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh, quản lý.

    Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, trong những năm qua Trường đã chủ động thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học với các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn trong nước như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (VAPEC)… Đặc biệt trong những năm gần đây, ngoài các đối tác quốc tế truyền thống như: Hiệp hội các trường đại học Pháp ngữ (AUF), Viện nghiên cứu Quản lí Lille, Đại học Marne-la-Vallée, Học viện Công nghệ Châu Á (Thái Lan), Đại học Québec (Canada), Đại học California (Mỹ)… Trường đã tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học khác của Nhật, Úc, Anh, Mỹ, Hà Lan, Phần Lan, Thái Lan ... thông qua các hội thảo khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên và nhiều hoạt động hợp tác phong phú khác. Chính nhờ nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế như vậy, đến nay học hiệu Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã bắt đầu từng bước vươn ra tầm quốc tế.

     

    Lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Ba năm 2001

    Vì sự đóng góp cho sự phát triển của khu vực và đất nước trong suốt 45 năm qua, Nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì (2005), Huân chương Lao động hạng Nhất (2015) cùng nhiều Bằng khen và cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục & Đào tạo, của các Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong Trường như Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội sinh viên cũng luôn là những tổ chức trong sạch, vững mạnh, tiên phong và đã nhận được rất nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và từ các tổ chức cấp trên.

    Những kết quả đạt được trong 50 năm qua, đặc biệt là 25 năm phát triển và hội nhập cùng Đại học Đà Nẵng chính là tiền đề, là bệ phóng quan trọng để Trường tiếp tục phát triển và gặt hái được những thành tựu lơn hơn trên con đường chinh phục những thử thách mới: Xây dựng Trường Đại học Kinh tế trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của cộng đồng ASEAN và tri thức nhân loại.

    Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2005

    CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG

    Giai đoạn 1975 - 1985:

    Khoa Kinh tế thuộc Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, gồm 03 bộ môn: Công - Nông - Thương; Thống - Kế - Tài và Thương phẩm. Đảm nhận đào tạo 06 chuyên ngành: Kế hoạch hóa kinh tế Quốc dân, Kinh tế Công nghiệp, Kinh tế Nông nghiệp, Kinh tế Thương nghiệp, Thống kê và Kế toán. Trong giai đoạn này, Khoa đã đào tạo cho đất nước 1.063 cử nhân, trong đó có 807 cử nhân hệ chính quy.

    Giai đoạn 1985 - 1988:

    Khoa Kinh tế được tách ra và nâng cấp thành Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng trực thuộc Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp với cơ cấu tổ chức gồm Khoa Thống - Kế - Tài, Khoa Công - Thương, Khoa Tại chức và các bộ môn trực thuộc gồm: Bộ môn Toán - Lý - Hóa, Bộ môn Cơ bản và Bộ môn Mác - Lenin. Trong giai đoạn này, Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã đào tạo được 531 cử nhân, trong đó có 250 cử nhân hệ chính quy.

    Giai đoạn 1988 - 1995:

    Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng được sát nhập với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và được tổ chức lại thành 02 khoa là Khoa Công - Thương và Khoa Kinh tế Nghiệp vụ. Trong giai đoạn này, khối ngành kinh tế đã đào tạo được 3.799 cử nhân, trong đó có 1.276 cử nhân hệ chính quy.

    Giai đoạn 1995 - 2005:

    Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh được thành lập theo Nghị định số 32/CP của Chính phủ và là đơn vị trực thuộc của Đại học Đà Nẵng. Đến năm 2004, theo Quyết định số 129/CP-KG của Chính phủ về việc đổi tên trường đại học, Trường chính thức được đổi tên thành Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng. Trong giai đoạn này, Trường được tổ chức thành 7 khoa chuyên môn bao gồm: Khoa Thương mại – Du lịch, Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Kinh tế, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Khoa Thống kê – Tin học, Khoa Kế toán và Khoa Mác – Lênin; 03 phòng chức năng bao gồm: Phòng Hành chính – Tổng hợp, Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Phòng Khoa học – Sau đại học và Hợp tác quốc tế; 01 tổ độc lập và các trung tâm trực thuộc. Với 12 chuyên ngành đào tạo của Trường, trong 10 năm đã có 18.387 cử nhân đã tốt nghiệp, trong đó có 7.546 cử nhân hệ chính qui, 7.703 cử nhân hệ tại chức, 1.771 cử nhân hệ mở rộng, 438 cử nhân hệ không chính qui tập trung, 92 cử nhân hệ cử tuyển và 737 cử nhân bằng đại học thứ hai.

    Giai đoạn 2005 - 2015:

    Đây là giai đoạn đánh dấu những bước phát triển đột phá của Trường Đại học Kinh tế, đặc biệt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng với nhu cầu xã hội. Cùng với các cơ sở giáo dục đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, từ năm học 2006-2007, Trường đã chuyển từ đào tạo theo hình thức niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ và có những bước đột phá trong đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Từ tháng 11 năm 2014, thực hiện chủ trương tái cấu trúc cơ cấu tổ chức Trường theo Quy chế Đại học vùng, đến nay, Trường đã có 12 khoa chuyên môn, 08 phòng chức năng, 08 trung tâm, 01 thư viện,  01 bộ môn trực thuộc. Hiện nay Trường có 28 chuyên ngành đào tạo đại học, trong đó có 07 chuyên ngành đào tạo chất lượng cao; 06 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; 05 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Trong 10 năm qua, Trường đã đào tạo cho đất nước được 35.507 cử nhân, trong đó có 18.276 cử nhân hệ chính quy, hơn 15.000 cử nhân hệ vừa học vừa làm và hơn 1000 thạc sĩ, tiến sĩ.

    Giai đoạn 2015 - 2020:

    Trong giai đoạn 2015 - 2020, mục tiêu chiến lược là phát triển Nhà trường thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu; là trung tâm hàng đầu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), tư vấn chính sách và chuyển giao công nghệ quản lý kinh tế, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Trung - Tây Nguyên; từng bước đạt các tiêu chuẩn quốc tế để được xếp hạng trong nhóm các trường đại học thuộc lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh của khu vực Đông Nam Á. 

    Theo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn này được Đại học Đà Nẵng cũng như Đảng bộ Trường đánh giá là khá toàn diện. Trong đó, Nhà trường đã triển khai thí điểm tự chủ đại học trong bối cảnh hội nhập. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, tạo đà để nhà trường nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của mình. Qui mô và chất lượng tuyển sinh hệ chính qui được cải thiện liên tục trong 5 năm qua. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục là bước đột phá trong nhiệm kỳ vừa qua, khẳng định chất lượng đào đào của nhà trường đã được thừa nhận. Hoạt động NCKH và hợp tác quốc tế thực sự đã đi vào chiều sâu, nâng tầm thương hiệu của Trường Đại học Kinh tế (ĐHĐN) so với các trường đào tạo khối ngành kinh tế trong cả nước. Cơ sở vật chất được đầu tư mạnh mẽ, tạo điều kiện tốt cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu; công tác quản lý đào tạo đạt được trình độ tiên tiến trên nền tảng ứng dụng CNTT. Các mặt hoạt động của Nhà trường đã đi vào nền nếp, kỷ cương, kỷ luật. 

    Các đơn vị chuyên môn, chức năng của Trường từ tháng 07 năm 2021 cụ thể như sau:

    - 12 khoa chuyên môn bao gồm: Khoa Kinh doanh quốc tế, Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Kế toán, Khoa Kinh tế, Khoa Ngân hàng, Khoa Thống kê – Tin học, Khoa Thương mại điện tử, Khoa Lý luận chính trị, Khoa Du lịch, Khoa Luật, Khoa Tài chính và Khoa Marketing;

    - 08 phòng chức năng bao gồm: Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Phòng Công tác Sinh viên, Phòng Thanh tra – Pháp chế, Phòng Cơ sở vật chất, Phòng Kế hoạch - Tài chính;

    - 08 trung tâm bao gồm: Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Trung tâm CNTT & Truyền thông, Trung tâm Đào tạo quốc tế, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Quan hệ doanh nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn Du lịch, Trung tâm Thúc đẩy Động lực cá nhân, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quản trị và Tư vấn doanh nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Logistics;

    - Thư viện và 01 tổ bộ môn trực thuộc.


    Hội đồng Trường nhiệm kỳ 2020 - 2025