DHKT

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH QTKD TỔNG QUÁT ÁP DỤNG CHO KHÓA TUYỂN SINH NĂM 2021 TRỞ VỀ TRƯỚC

Bản đặc tả chương trình đào tạo quản trị kinh doanh tổng quát 2021-2022
ĐẶC TẢ CHƯƠNG TRÌNH

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Chương trình đại học Ngành Quản trị kinh doanh Chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng quát được thành lập năm 1992 với mục đích trang bị cho người học kiến ​​thức và kỹ năng để hiểu và tham gia vào thế giới kinh doanh & quản trị hiện đại.

Chương trình này được áp dụng bằng hệ thống đào tạo tín chỉ với 134 tín chỉ bao gồm các khối kiến thức đại cương, khối kiến thức ngành và khối kiến thức chuyên ngành. Chương trình giảng dạy được thiết kế theo một lộ trình linh hoạt cho phép sinh viên tự lên kế hoạch học tập và hoàn thành chương trình từ 3 đến 6 năm.

Bằng Cử nhân Ngành Quản trị kinh doanh Chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng quát đảm bảo cho người học đạt được một nền tảng vững chắc để họ có thể ra trường làm việc ở các vị trí nhà quản trị chức năng và nắm bắt được cơ hội thăng tiến đến vị trí quản trị cấp cao trong môi trường kinh doanh biến động nhanh chóng. Người đạt được bằng đại học chương trình này cũng đảm bảo có khả năng cần thiết cho mục tiêu khởi nghiệp và quản trị để phát triển bền vững doanh nghiệp mà họ đã tạo lập.

Chương trình đào tạo của chúng tôi nổi bật về tính cập nhật kiến thức hiện đại đối với các chức năng mà các nhà quản trị khác nhau thực hiện trong tiến trình quản trị. Thành công của chương trình đào tạo có được còn nhờ từ các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn để sinh viên thích nghi với môi trường kinh doanh biến động nhanh chóng. Ngoài ra, sinh viên ngành quản trị có những cơ hội lớn nhận được học bổng học trao đổi tới học tập tại các quốc gia phát triển như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ireland ....


MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH (POs)

Chương trình đào tạo Ngành Quản trị kinh doanh Chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng quát trang bị cho sinh viên những năng lực cần thiết để tham gia vào thế giới kinh doanh và quản trị hiện đại. Chương trình được thiết kế đạt được mục tiêu sau:

- Có kiến thức, kĩ năng cơ bản của một nhà quản trị liên quan đến Hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra (PO1).

- Có năng lực ra quyết định, triển khai và kiểm soát các kế hoạch trong các lĩnh vực chức năng: sản xuất, chất lượng, marketing, nhân sự, tài chính... của một doanh nghiệp từ cấp tác nghiệp đến cấp chiến lược một cách hữu hiệu và hiệu quả (PO2).

- Có năng lực khởi nghiệp và điều hành một doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực khác nhau (PO3).

- Thông hiểu về chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh trong kỷ nguyên số hoá và toàn cầu hoá (PLO4)

CHUẨN ĐẦU RA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (PLOs)

Chương trình được thiết kế nhằm thúc đẩy sinh viên phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng và thái độ trong xu thế toàn cầu hóa. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng:

Mã CĐR

Nội dung chuẩn đầu ra

PLO1

Áp dụng được các kiến thức cơ bản về kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật vào việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh và quản trị.

PLO2

Nhận diện được chiến lược kinh doanh và sự đóng góp của các chiến lược chức năng vào việc thực thi chiến lược kinh doanh của một tổ chức

PLO3

Phân tích được sự tích hợp của các chức năng quản trị cơ bản, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và vai trò của lãnh đạo trong việc tạo dựng văn hoá tổ chức và thực thi chiến lược

PLO4

Thực thi được các quyết định cơ bản trong quản trị doanh nghiệp, như quyết định về sản xuất, chất lượng, tài chính, nhân sự, marketing… .

PLO5

Nhận diện được cơ hội kinh doanh và Tạo lập được kế hoạch kinh doanh và dự án khởi nghiệp

PLO6

Giao tiếp hiệu quả (nói và viết) trong việc thương lượng, đàm phán và giải quyết các vấn đề quản trị kinh doanh.

PLO7

Giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh (nói và viết) trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa

PLO8

Ứng dụng được các kĩ thuật của CMCN lần thứ 4 trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

PLO9

Tuân thủ các chuẩn mực về đạo đức và thực thi trách nhiệm xã hội trong kinh doanh


CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Sinh viên tốt nghiệp Ngành Quản trị kinh doanh Chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng quát có thể làm việc trong các tổ chức kinh doanh ở mọi thành phần kinh tế, cơ quan chính quyền và các tổ chức phi lợi nhuận với các nhóm vị trí có thể đảm nhận:

Chuyên viên kinh doanh: Nhân viên kinh doanh, Trưởng cửa hàng bán lẻ, Giám đốc bán hàng vùng/khu vực

Chuyên viên phân tích và tư vấn quản trị kinh doanh: Trợ lý phân tích và tổng hợp báo cáo về môi trường kinh doanh; lập kế hoạch tài chính, sản xuất, nhân sự; trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh

Nhà quản trị cấp tác nghiệp ở các bộ phận chức năng khác nhau: Giám sát sản xuất; Quản đốc phân xưởng nhỏ; quản trị viên các phòng marketing, nhân sự, vật tư, chất lượng.

Nhà quản trị cấp cao: Giám đốc nhà máy; Giám đốc điều hành chi nhánh/khu vực, Giám đốc/Tổng giám đốc doanh nghiệp, tổ chức/tập đoàn.

Tự thành lập làm chủ doanh nghiệp và điều hành công ty

Tùy thuộc năng lực thực sự của mỗi cá nhân sau khi ra trường mà cử nhân QTKD sẽ đảm nhận vị trí công việc nào. Con đường thăng tiến nghề nghiệp về cơ bản là như sau:

Trong thời gian từ 0-4 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, cử nhân Quản trị kinh doanh có thể làm tại một vị trí công việc hoặc luân chuyển ở nhiều vị trí công việc về kinh doanh; trợ lý cho các nhà quản trị cấp trung; quản trị viên cấp tác nghiệp thuộc các lĩnh vực chức năng khác nhau và tự khởi sự kinh doanh. Cụ thể, họ có thể là:

•       Nhân viên kinh doanh

•       Nhân viên/quản trị viên tác nghiệp ở các bộ phận chức năng: marketing, sản xuất, bán hàng, nhân sự, dự án, chất lượng, cung ứng vật tư

•       Trợ lý trưởng bộ phận kinh doanh

•       Trợ lý dự án

•       Chuyên viên phân tích và tư vấn kinh doanh

•       Chủ doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở kinh doanh nhỏ

5-10 năm: cử nhân Quản trị kinh doanh có thể thăng tiến đến vị trí:

•       Trưởng một đơn vị trực thuộc: trưởng cửa hàng bán lẻ, trưởng chi nhánh, đại diện khu vực

•       Giám đốc điều hành vùng/khu vực

•       Chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Sau 10 năm, với các kiến thức và kỹ năng tích lũy được từ hoạt động quản trị điều hành nhiều chức năng khác nhau và quản lý điều hành tổng quát các đơn vị cấp nhỏ lẻ, đỉnh cao nghề nghiệp của một cử nhân Quản trị kinh doanh là:

•       Giám đốc doanh nghiệp

•       Tổng giám đốc tổng công ty/tập đoàn.

•       Chủ một doanh nghiệp phát triển bền vững

 

TIÊU CHÍ TUYỂN SINH, QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP

Đối tượng tuyển sinh

Theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Đề án tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Kinh tế.

Quá trình đào tạo

Chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại Quá trình đào tạo tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Kinh tế. Chương trình giảng dạy được xây dựng trên hệ thống đơn vị tín chỉ cho phép sinh viên linh hoạt trong kế hoạch học tập cá nhân. Thiết kế chương trình là 4 năm, tuỳ theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa lên đến 6 năm.

Chương trình đào tạo gồm 134 tín chỉ (không bao gồm các tín chỉ của học phần giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng. Mỗi năm học có hai học kỳ chính (bắt đầu từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 6) và một học kỳ hè (bắt đầu từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8). Theo lộ trình đào tạo, sinh viên sẽ học các học phần thuộc khối kiến thức đại cương (46 tín chỉ) trong 3 kì học đầu tiên; các học phần thuộc khối kiến thức khối ngành (30 tín chỉ) trong năm học thứ 2, đầu năm thứ 3; cuối cùng, các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành sẽ được học vào cuối năm thứ 2 trở đi. Sau đó, sinh viên sẽ đi thực tập kì học cuối cùng của chương trình và lựa chọn 1 trong 2 hình thức: Báo cáo thực tập tốt nghiệp và học bổ sung ít nhất 6 tín chỉ được chọn từ các học phần tự chọn hoặc Báo cáo khóa luận tốt nghiệp (với điều kiện sinh viên phải học học phần “Phương pháp nghiên cứu khoa học", có điểm trung bình chung tích lũy lớn hơn mức quy định của Trường và được Khoa chuyên ngành đồng ý cho làm khóa luận tốt nghiệp). 

Điều kiện tốt nghiệp

Sinh viên được Nhà trường xét và công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

- Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỉ luật ở mức đình chỉ học tập.

- Tích luỹ đủ số học phần và khối lượng chương trình đào tạo.

- Điểm trung bình chung tích luỹ của toàn khoá học đạt từ 2.00 trở lên.

- Thoả mãn một số yêu cầu về kết quả học tập đối với nhóm học phần thuộc ngành đào tạo chính và các điều kiện khác do hiệu trưởng qui định.

- Có chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh và hoàn thành học phần giáo dục thể chất.

- Có chứng chỉ ngoại ngữ (TOIEC 450 hoặc tương đương).

- Có chứng chỉ tin học (Tin học nâng cao hoặc tương đương).

- Có đơn gửi Phòng đào tạo đề nghị được xét tốt nghiệp trong trường hợp đủ điều kiện tốt nghiệp sớm hoặc muộn so với thời gian thiết kế của khoá học.

Điều kiện tốt nghiệp có thể được cập nhật theo Quy chế đào tạo hiện hành.

 

CHIẾN LƯỢC GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP

Chương trình này được triển khai giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực, với việc sử dụng đa dạng chiến lược dạy và học như Chiến lược kỹ năng tư duy (Thinking Skills Strategies), Chiến lược dựa trên hoạt động (Activity-Based Strategies), Chiến lược hợp tác (Cooperative Strategies) và Chiến lược học tập độc lập – tự học (Independent Learning Strategies). Nhiều môn học sử dụng các kĩ thuật của Chiến lược kỹ năng tư duy (Thinking Skills Strategies) như Tập lích não (Brainstorming) để thúc đẩy sinh viên phát triển ý tưởng sáng tạo, đặc biệt là phát triển ý tưởng sáng tạo trong ra quyết định, trong các giải pháp kinh doanh và khởi nghiệp. Phương pháp Nghiên cứu tình huống (Case Study) cũng được sử dụng mạnh mẽ, với đa dạng các tình huống (Cases) của các tập đoàn trong và ngoài nước, các tình huống được cập nhật hàng kì, thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của môi trường kinh doanh. Chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh cũng sử dụng mạnh mẽ hình thức Tham luận (Guest Speaker), với khách mời là các doanh nhân, nhà quản trị, là cựu sinh viên. Thông qua hình thức này, sinh viên có thể có những bài hoc thực tế.

Với đặc thù ngành nghề, nhà quản trị tương lai cần phát triển các năng lực về giao tiếp, truyền thông, phát huy khả năng linh hoạt, sáng tạo… Để hỗ trợ người học đạt được các năng lực này, Chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh đã sử dụng thường xuyên phương pháp Thuyết trình (Oral Presentation) và Tranh luận (Debates), nhằm tăng cường các kỹ năng cho sinh viên như giao tiếp, thương lượng, làm việc nhóm. Sinh viên của chương trình còn được tham gia đa dạng vào các hoạt động Đi thực tế (Field Trip), tới nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm hiểu nhiều nội dung đa dạng liên quan đến nội dung môn học.

Các phương pháp như Thảo luận (Discussion) và học nhóm (Teamwork Learning) cũng được sử dụng xuyên suốt trong nhiều môn học từ năm 1 tới năm cuối, nhằm thúc đẩy sinh viên tương tác với nhau, và sau đó đưa vào áp dụng trong công việc thực tế.

Đặc biệt, để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, Chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh còn phát triển các hoạt động dạy và học thông qua việc phát triển các dự án kinh doanh thử nghiệm, thúc đẩy người học có trải nghiệm thực tế với thị trường, với khác hàng. Người học còn được gặp gỡ các doanh nhân, chuyên gia khởi nghiệp thông qua các buổi Cố vấn (Mentoring) để trao đổi, học hỏi về ý tưởng và giải pháp kinh doanh.

Ứng dụng Công nghệ thông tin cũng là một phần không thể thiếu trong Chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh. Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là một nội dung giảng dạy được cập nhật liên tục trong chương trình mà nó còn là công cụ được sử dụng thường xuyên để hỗ trợ việc dạy và học, thúc đẩy người học phát triển năng lực tự học. Với chương trình đào tạo này, sinh viên tích cực sử dụng các công cụ, phần mềm trực tuyến hỗ trợ cho quá trình học (Elearning, Moodle, Facebook, Google Drive ...)

Việc sử dụng đa dạng phương pháp dạy và học sẽ hỗ trợ tích cực người học đạt được các PLOs.

 

PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

Song song với việc sử dụng đa dạng chiến lược dạy và học, Chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh cũng sử dụng các phương pháp đánh giá đa dạng tương ứng. Với mỗi môn học, người học được đánh giá xuyên suốt cả quá trình thông qua các hình thức như đánh giá bài tập, bài trắc nghiệm, đánh giá thông qua báo cáo cá nhân, thông qua làm việc và báo cáo bài tập nhóm. Kết quả cuối kì cũng được đánh giá với đa dạng hình thức như thi vấn đáp, báo cáo kết quả dự án nhóm. Đặc biệt một trong dự án kinh doanh và môn khởi sự kinh doanh, sinh viên được đánh giá thông qua Pitching với một hội đồng đánh giá gồm các doanh nhân hoặc chuyên gia khởi nghiệp.

Toàn bộ việc đánh giá được công bố cho sinh viên vào đầu học kì. Quy trình đánh giá được thực hiện chặt chẽ theo quy định chung của Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng