DHKT

Sống có giá trị... Cũng là một giá trị sống

02/04/2016

Edison đã “thắp sáng” cho cả nhân loại, Bill Gates đã thay đổi phương thức làm việc của hàng triệu người, Bác Hồ kính yêu đã khai mở một chương sáng cho nền độc lập của cả dân tộc, một nhạc sĩ để lại cho đời những tình khúc bất hủ, một học giả để lại kinh nghiệm và trí tuệ của mình trong một quyển sách... Còn bạn, bạn sẽ để lại gì cho cuộc đời này?

Ta sống để làm gì?

Câu hỏi lớn nhất trong đời người là: “Mình sống để làm gì?”. Con người nhất thiết phải trả lời được câu hỏi này, vì nó chỉ ra mục đích cho đời sống. Diderot đã nói: “Nếu không có mục đích, anh không làm được điều gì cả. Anh cũng không làm được điều gì vĩ đại nếu mục đích của anh tầm thường”. Khi có mục đích sống, cuộc sống sẽ có một ý nghĩa rõ ràng, từ đó mới vẽ nên một hướng đi rõ ràng. Nếu không biết sống để làm gì thì cuộc sống rơi vào bế tắc, chán chường và nhạt nhẽo.

Hơn nữa, khi có một mục đích ý nghĩa để theo đuổi, con người cần phải đi bằng thực chất, bằng con đường có ý nghĩa. Một sinh viên muốn học hỏi để có kỹ năng chế tạo robot, giải phóng con người khỏi sự lao động nặng nhọc, thì việc quay cóp trong các kì thi cử là vô nghĩa. Thế thì có mục đích ý nghĩa để theo đuổi sẽ làm cho người ta sống thực chất hơn, sống thật sự giá trị hơn.

Một cái cây còn ra hoa để làm đẹp cho đời, một con kiến cũng sống vì đàn vì tổ. Khi chúng ta chọn một cuộc đời ý nghĩa, nghĩa là chúng ta cũng đang góp phần xây dựng nên một xã hội có ý nghĩa.  Nếu mỗi người sống hời hợt sẽ tạo nên một xã hội hời hợt, nếu mỗi người sống sâu sẽ tạo nên một xã hội sâu sắc. Xây dựng xã hội đi lên phải xây dựng từ từng con người, vì một tòa nhà phải được cấu thành từ từng viên gạch. Hãy ngẫm nghĩ lại xem, những người đã đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời họ đã để lại cho nhân loại những thứ lớn lao như thế nào.

Đừng sống nhạt, hãy sống sâu

Thực tế các bạn trẻ ngày nay, ngoài những người sống rất sâu, sống rất ý nghĩa thì còn lại sống khá vô định, mặc cho “dòng đời xô đẩy”. Đó là những người để cuộc đời làm chủ mình chứ không phải mình làm chủ cuộc đời. Bởi không có mục tiêu trong tâm trí để định hướng, chúng ta sẽ sống theo sự đưa đẩy của dòng đời. Giống như một chiếc thuyền, một khi không biết cái bến của mình ở đâu thì chiếc thuyền ắt sẽ đi lạc, đi lẩn quẩn, gió thổi chiều nào thì trôi theo chiều ấy. Không ít bạn trẻ đã sống lông bông như thế.

Có ba lý do dẫn đến tình trạng này:

Một là, cuộc sống vội vã, học hành mệt mỏi khiến cho bạn trẻ sống sống nhanh, sống vội, thiếu đi những phút để vẽ nên tấm bản đồ của cuộc đời mình. Tính cách trưởng thành trong bão táp, còn trí tuệ thường trưởng thành trong tĩnh lặng. Ngày nay giới trẻ mải chạy đua với bài vở, công việc mà ít có những khoảng lặng cần thiết ấy.

Hai là, không có ai chỉ dẫn, không có ai “thức tỉnh” các bạn để ý thức rằng mình cần phải có mục đích sống. Đôi khi chỉ cần một câu nói, một buổi tâm sự, một câu chuyện kể có thể giúp bạn trẻ “ngộ” ra câu hỏi lớn đó.

Lý do thứ ba, cũng là quan trọng nhất, là bạn trẻ chưa đủ cọ xát để đủ hiểu về mình, đủ hiểu về cuộc đời. Khi đủ hai từ “hiểu” đó, ta mới có thể biết mình nên đi đâu, về đâu. Học hành quá nhiều nhưng không trải nghiệm cuộc sống là một thiệt thòi lớn. Đôi khi qua một bộ phim, một chuyến đi tình nguyện, một công việc làm thêm, một cuộc thi, một quyển sách… là nhân tố tạo nên bước ngoặt cuộc đời.

Vì mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống

Tôi vẫn nhớ một cô điều dưỡng trong viện dưỡng lão đã chia sẻ rằng: một trong những điều nuối tiếc nhiều nhất của người ông cụ, bà cụ khi họ gần đất xa trời là họ chuẩn bị ra đi mà chưa kịp sống. Họ đã dành cả đời để quần quật kiếm tiền, cuối cùng thì dùng số tiền ấy để nuôi dưỡng cuộc sống già nua của mình. Điều ấy không sai, nhưng họ cảm thấy mình sống như vậy là vô nghĩa. Ngày nay, sự giàu có là mục tiêu của đại đa số mọi người. Thực chất đó chỉ là phương tiện để làm điều chúng ta muốn. Vì vậy có nhiều người sống vì tiền và cuối cùng cũng khổ sở ra đi vì đống tiền ấy. Họ đã nhầm giữa mục đích và phương tiện.

Những mục đích tốt đẹp của mỗi người không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình trải nghiệm lâu dài. Bạn trẻ phải sống trải nghiệm ở nhiều ngõ ngách của cuộc đời, càng gặp nhiều biến cố thì càng mau nhận ra mục đích sống của mình. Thế nên, đừng từ chối cơ hội được thử mình, đừng quá sợ hãi thất bại, hãy sống dấn thân.

Cuộc sống cần phải có lý tưởng dẫn đường. Mỗi người chúng ta có thể xuất phát từ nhiều nơi, đi theo những lối khác nhau, nhưng cuối cùng mỗi người phải lựa chọn cho mình một cái đích để hướng đến. Ta cho thể sống cho ta, cho những người thân, cho bạn bè và cho cả mọi người. Khi đó, cuộc đời sẽ trở nên viên mãn.

Nhiều người có thể lập kế hoạch tổ chức một sự kiện, lập kế hoạch phát triển cho một công ty, nhưng cuộc đời của chính họ thì chưa bao giờ họ lập kế hoạch. Còn bạn? Không chỉ trả lời hiện tượng thiên nhiên kia có nghĩa là gì, sự kiện xã hội này có nghĩa là gì, cũng hãy trả lời: mình sống để làm gì?

Có thể bạn sẽ mất một ngày, một tuần, một tháng hoặc thậm chí một năm để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, đó là khoảng đầu tư xứng đáng để khỏi phải phí cả một quãng đời còn lại. Hãy sống sao để đến đoạn cuối cuộc sống, ta không hối tiếc về cuộc đời duy nhất của mình.

Ths. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh)

Nguồn: nguyenhoangkhachieu.vn