DHKT

Hơn 90% sinh viên Đại học Đà Nẵng đã có việc làm ổn định sau 1 năm tốt nghiệp

19/09/2017

Hơn 90% sinh viên Đại học Đà Nẵng được khảo sát đã có việc làm ổn định, phù hợp chuyên môn sau 1 năm tốt nghiệp là số liệu được công bố tại chương trình họp báo năm học 2017 - 2018 của Đại học Đà Nẵng vào ngày 19/9 vừa qua.

Tham dự chương trình có ông Vũ Hùng– Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, ông Đặng Hùng–Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng, ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng và hơn 30 đại diện của các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố.

GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐHĐN và hai Phó Giám đốc là PGS.TS Ngô Văn Dưỡng và PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ chủ trì chương trình họp báo

Mở đầu chương trình, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐHĐN đã trình bày những kết quả nổi bật trong tất cả các mặt hoạt động của ĐHĐN nói chung cũng như của các cơ sở giáo dục đại học thành viên (CSGDĐHTV) và các đơn vị trực thuộc nói riêng. Qua đó, cũng thông tin đến các cơ quan truyền thông về chương trình, kế hoạch năm học 2017-2018.

Dưới đây là một số vấn đề nổi bật được hỏi – đáp tại buổi họp báo.

Hơn 90% sinh viên Đại học Đà Nẵng được khảo sát đã có việc làm ổn định, phù hợp chuyên môn sau 1 năm tốt nghiệp

Đây là một tỉ lệ khá cao thu hút sự quan tâm của nhiều phóng viên. Lý giải cho vấn đề này, GS.TS Trần Văn Nam cho biết, tỉ lệ này là một tỉ lệ trung bình của toàn ĐHĐN, nó hoàn toàn hợp lý khi tỉ lệ có việc làm của sinh viên được khảo sát của các CSGDĐHTV là đều trên 90%, cụ thể: ĐH Bách khoa (96%), ĐH Kinh tế (>96%), ĐH Ngoại ngữ (100%), v.v… Tỉ  lệ này đã được các CSGDĐHTV tiến hành khảo sát với 2 đối tượng, đó là sinh viên mới vừa tốt nghiệp và sinh viên đã tốt nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm. Số sinh viên được khảo sát là ngẫu nhiên, đảm bảo tính bao phủ và số lượng hợp lý, chứ không phải tiến hành khảo sát 100%.

Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí để công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục ĐH, đó là tỉ lệ sinh viên có việc làm. Và để xác định được tỉ lệ này, các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục độc lập đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên và trực tiếp một tỉ lệ nhất định đối với các sinh viên tốt nghiệp của từng trường.

Nhà báo đặt câu hỏi

Công tác quản lý cán bộ, giảng viên đi học nước ngoài

Trong những năm qua, ĐHĐN và các cơ sở giáo dục thành viên không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. ĐHĐN không ngừng tăng số lượng và nâng cao chất lượng cán bộ thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường uy tín trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, cũng tồn tại một thực trạng là có một số ít cán bộ, giảng viên được đi học nước ngoài nhưng không trở về.

Trả lời phóng viên các báo về giải pháp đối với tình trạng này, GS.TS Trần Văn Nam cho biết: Các cán bộ, giảng viên của ĐHĐN được cử đi học nước ngoài theo các dự án, đề án là rất đông, nhưng tỉ lệ giảng viên đi học mà không quay về là thấp, đặc biệt là thấp hơn nhiều so với các trường khác. Bên cạnh đó, trước khi đi học nước ngoài, cán bộ, giảng viên cùng người nhà phải ký cam kết với nhà trường, nếu không thể quay về được thì cán bộ/giảng viên đó phải chấp nhận đền bù một khoản chi phí nhất định theo cam kết đã ký.

Một thực trạng khác liên quan đến công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài trở về, đó chính là mức thu nhập vẫn còn thấp, chưa tương xứng với năng lực chuyên môn và trình độ đào tạo. Giải pháp cho vấn đề này, GS.TS Trần Văn Nam chia sẻ, trong những năm qua, ĐHĐN không ngừng nỗ lực, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để tìm kiếm và đưa ra những chính sách hỗ trợ về nhà ở, các chính sách ưu đãi đối với các cán bộ, giảng viên học tập ở nước ngoài.

Ngoài ra, ĐHĐN cũng thu hút được nhiều cán bộ, giảng viên sau đào tạo ở nhiều nơi trên cả nước về để tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Tiến độ triển khai dự án làng đại học Đà Nẵng

Đây là vấn đề được phần đông các cơ quan báo chí quan tâm, ngay sau khi chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại ĐHĐN vào tháng 02/2017 về việc tái khởi động dự án này.

Thông tin với các phóng viên, biên tập viên, PGS.TS Ngô Văn Dưỡng cho biết, dựa trên kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ĐHĐN đã có cuộc họp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Đà Nẵng, đồng thời phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng) và UBND xã Điện Ngọc để tiến hành khảo sát hiện trạng, đánh giá sơ bộ và lập dự toán kinh phí chi tiết cho dự án. Theo đó, tổng kinh phí cho toàn dự án là 8.000 tỉ đồng, trong đó có 3.000 tỉ đồng là chi phí đền bù giải tỏa (2.200 tỉ đồng giải tỏa khu vực xã Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam và 800 tỉ giải tỏa khu vực thuộc Đà Nẵng); chi phí xây dựng cơ bản là khoảng 1.700 tỉ đồng và các chi phí xây dựng khác là khoảng hơn 3.000 tỉ đồng.

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng trả lời các cơ quan báo chí về dự án làng đại học Đà Nẵng

Hiện, đây là khó khăn lớn nhất mà dự án đang vướng phải vì kinh phí quá lớn và nằm ngoài khả năng của ĐHĐN. PGS.TS Ngô Văn Dưỡng thông tin thêm, ĐHĐN đã trình báo cáo với Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ĐHĐN đã và đang tiếp tục tìm kiếm các đơn vị tư vấn khảo sát khác để tiến hành quy hoạch lại toàn bộ khu đất của dự án.

Buổi họp báo đã diễn ra trong không khí cởi mở. ĐHĐN đã trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên, cung cấp các số liệu cần thiết, và quan trọng là thông qua truyền thông để chuyển tải những chương trình, kế hoạch lớn của ĐHĐN trong năm học 2017 – 2018.

Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn