DHKT

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên

10/01/2017

GD&TĐ - Các chuyên gia về khởi nghiệp cho rằng, để xã hội có nhiều công ty khởi nghiệp tốt, việc đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng SV là rất quan trọng.
Ngoài đưa chương trình khởi nghiệp vào đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục ĐH đã kiến tạo được môi trường giúp SV khởi nghiệp ngay trong quá trình học tập. Khởi nghiệp khi còn là SV có thể không phải là con đường của số đông SV, nhưng chính môi trường giáo dục khai phóng của trường học sẽ là nơi thúc đẩy cho những sáng tạo - yếu tố rất cần cho khởi nghiệp.
Bước đệm tới… doanh nhân
Dự án Nôi đa năng của nhóm SV gồm 8 thành viên đến từ Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và một số bạn SV vừa ra trường đang công tác tại TPHCM là một trong hai dự án của Chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng” được đưa vào Vườn ươm thành phố Đà Nẵng. Ngoài được hỗ trợ không gian làm việc, kết nối với các chuyên gia tư vấn giúp hoàn thiện dự án, nhóm còn được hỗ trợ kết nối mạng lưới các nhà đầu tư, hỗ trợ trong quá trình thương mại hóa sản phẩm và được Sở Khoa học và công nghệ hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ.
Với nôi Tob, các ông bố bà mẹ thay vì phải bỏ mất nhiều thời gian và tiền bạc để đi mua từng loại sản phẩm như nôi, ghế rung, ghế ăn, xe đẩy, xe tập đi trong khi mỗi sản phẩm chỉ dùng được trong vòng khoảng 3 - 5 tháng theo từng giai đoạn phát triển của trẻ thì nôi Tob đa năng là sự kết hợp tất cả trong một với chi phí phải bỏ ra chỉ bằng 30% số tiền cho tất cả các sản phẩm đó.
Trịnh Thị Như Phượng - thành viên của nhóm - cho biết: “Từ khi có ý tưởng cho đến việc xây dựng dự án, cho ra đời chiếc nôi Tob, nhóm em phải mất 2 năm cật lực làm việc với rất nhiều khó khăn vì thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm”. Ngoài số tiền thưởng mà nhóm có được thông qua các cuộc thi startup, các thành viên của nhóm phải dành dụm tiền ăn sáng để góp lại. “Từ những lần thất bại cũng như tan rã thành viên đã cho chúng em nhiều kinh nghiệm. Sau đó khi tham gia Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, bọn em đỡ được phần này vì nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn trước. Nút thắt gần như đã được mở, tạo động lực cho nhóm tiếp tục hoàn thành sản phẩm sau nhiều lần tưởng như hụt hơi” – Trịnh Thị Như Phượng, thành viên của nhóm - cho biết.
Khác với dự án Nôi đa năng cần phải huy động nhiều vốn để sản xuất sản phẩm, dự án Dịch vụ ScooTour của nhóm SV Huỳnh Khánh Linh, Trần Phương Thảo và Huỳnh Văn Khôi hướng đến việc cung cấp dịch vụ cho khách du lịch bụi trong nước và quốc tế thông qua chiến lược marketing truyền miệng, online marketing…
Theo đó, ứng dụng ScooTour được tích hợp trên điện thoại và có thể tải về qua Appstone hoặc Chplay được xem là dịch vụ môi giới du lịch của Công ty ScooTour. Dự án của nhóm đạt giải Nhì trong cuộc thi “Startup Run Way 2016” do Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) tổ chức. Đây được đánh giá là dịch vụ du lịch mang tính địa phương nhất, đồng thời, cũng góp phần tạo một môi trường du lịch thân thiện, giúp sinh viên đạt được những giá trị mang tính lâu dài như phát triển kỹ năng tiếng Anh, mở mang tầm nhìn ra quốc tế, học hỏi được nhiều điều hay từ bạn bè quốc tế và quan trọng nhất là góp phần tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam ra toàn thế giới.

3 đề tài xuất sắc nhất trong đêm chung kết Startup Runway 2016

Điều kiện cần và đủ cho SV khởi nghiệp
Anh Justin Lee, đến từ Công ty IBM Singapore, trong buổi hội thảo với chủ đề “Sinh viên khởi nghiệp, tự tin hay thần kinh” tổ chức vào cuối năm 2015 tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu SV muốn khởi nghiệp, thì nên bắt đầu bằng những môi trường gần nhất, như trường ĐH, ví dụ như Facebook của anh chàng Mark Zuckerberg là một ví dụ về khởi nghiệp xuất phát từ trường ĐH. Justin Lee nhấn mạnh: “Các bạn SV nên có suy nghĩ khởi nghiệp để lấy kinh nghiệm, chứ không phải làm ồ ạt theo đám đông. Và chỉ nên khởi nghiệp khi biết chắc mình sẽ thất bại mà vẫn quyết tâm làm, bởi 99% người khởi nghiệp sẽ thất bại, không riêng gì SV, vì vậy nên xem thất bại như một cách tăng kinh nghiệm”.
Như nhóm SV của dự án “Nông nghiệp sạch và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản” đến từ Trường ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm và ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), từ kinh nghiệm của những ngày lăn lộn trên đồng ruộng hỗ trợ nông dân tạo ra sản phẩm sạch, đưa rau sạch ra chợ bán, đến nay các bạn đã thành lập được chuỗi cung ứng rau sạch, giúp kết nối giữa nhà nông và người tiêu dùng.
Nhóm đã tìm hiểu, liên hệ với anh Mạc Trang (Hòa Vang, Đà Nẵng) để xây dựng trang trại mẫu rau “5 không” (không thuốc trừ sâu, không thuốc trừ bệnh, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng hạt giống biến đổi gen). Anh Mạc Trang cho biết: “Nhờ có sự giúp đỡ của các bạn SV mà vườn rau của tôi phát triển rất ổn định. Trước đây một luống bị sâu rầy là tôi phải bỏ cả vườn. Nay vấn đề sâu bệnh được giải quyết. Sau 6 tháng thử nghiệm, tôi đã quyết định nâng diện tích lên 5000m2”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng - đánh giá: “Khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là start - up (doanh nghiệp khởi nghiệp), tức là tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới mà suy cho cùng là tự tạo công ăn việc và thu nhập cho bản thân, nếu cao hơn nữa, có thể tạo được công ăn việc làm cho người khác hay còn gọi là nhân viên. Chính vì vậy, việc các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng nên tinh thần khởi nghiệp cho SV là rất quan trọng trong việc giúp SV kiến tạo tương lai”.

Hà Nguyên - Báo Giáo dục & Thời đại