DHKT

Sinh viên Kinh tế tham gia buổi tập huấn nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác

23/04/2015

Gần 200 sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã đến Hội trường A vào chiều 22/4 để cùng tham gia Buổi tập huấn nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác. Chương trình do tổ chức Human Society International, Cơ quan quản lý CITES VN phối hợp với Nhà trường tổ chức.

Đến tham dự chương trình có ông Adam Paymen – Đại diện tổ chức Human Society International; Ông Nguyễn Văn Đoàn – Đại diện Cơ quan quản lý CITES – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; PGS.TS Đào Hữu Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế; ThS Trần quốc Hùng – Trưởng Phòng CTSV; ThS Bùi Trung Hiệp – Phó Trưởng Phòng CTSV, Phó Bí thư Đoàn Trường.

Phó Hiệu trưởng Nhà trường tặng hoa cho đại diện tổ chức Human Society International, Cơ quan quản lý CITES VN 

 

Tại buổi tập huấn, các sinh viên đã được xem các đoạn phim ngắn nói về cuộc sống đang bị đe dọa của loài tê giác, theo đó khả năng sinh tồn của loài này đang ở mức báo động bởi tình trạng săn bắt lấy sừng để buôn bán trái pháp luật. Bên cạnh đó, thông qua phần nói chuyện của ông Adam Paymen và ông Nguyễn Văn Đoàn, toàn thể sinh viên tham dự buổi tập huấn đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng không sử dụng sừng tê giác bởi nó không phải là thuốc, hoàn toàn không có tác dụng y học và việc sử dụng sừng tê giác là lãng phí và đẩy loài động vật hoang dã này đến bờ tuyệt chủng. Hiện nay, cả thế giới và Việt Nam đang cùng nỗ lực chung tay lên án việc sử dụng sừng tê giác và kêu gọi mọi người, nhất là các nhà khoa học, các doanh nhân, thế hệ trẻ cùng lên tiếng để loài động vật quý hiếm này được quyền sống như bao loài sinh vật khác.

Sinh viên Lê Thị Ngân Xuân, lớp 40k13 Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế cho biết : “ Em nghĩ rằng việc sử dụng sừng tê giác là một việc làm cổ hủ, bởi khoa học ngày nay đã chứng minh sừng tê giác không thể chữa bách bệnh như một số lời đồn. Việc cùng nhau nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác là hành động thiết thực. Xã hội, nhất là thể hệ trẻ nên cùng chung tay ngay từ bây giờ để ngăn chặn nguy cơ biến mất của tê giác. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền như thế này, em nghĩ các tổ chức có thể mở rộng quy mô truyền thông trên các trang web, mạng xã hội bởi đó là kênh thông tin có sức lan tỏa nhanh và hiệu quả trong thời đại Internet.”

Sinh viên tham gia trả lời câu hỏi và nhận những phần quà từ BTC

Cũng tại chương trình, các sinh viên đã tham gia các trò chơi và nhận được những phần quà hấp dẫn. Bên cạnh đó, BTC cũng đã phát động Cuộc thi thiết kế ý tưởng tuyên truyền nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác kéo dài đến 30/5/2015 dành riêng cho sinh viên 5 Trường thuộc ĐH Đà Nẵng với giá trị giải thưởng lên đến 100.000.000 đồng.

Bằng việc phối hợp tổ chức Buổi tập huấn tuyên truyền lần này, Nhà trường mong muốn bên cạnh việc trau dồi tri thức, rèn luyện các kỹ năng cá nhân, sinh viên Trường ĐH Kinh tế hãy quan tâm đến các hoạt động mang ý nghĩa xã hội, hướng đến cộng đồng để chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

                                                                                       Xuân Tân