DHKT

Tọa đàm “trí tuệ nhân tạo: cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học”: Nâng cao chất lượng giáo dục hướng đến sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

05/04/2024

Chiều ngày 5/4, tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN diễn ra Tọa đàm “trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu đến từ 11 trường thuộc khối thi đua các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.


Tọa đàm thu hút đông đảo đại biểu tham dự


TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN - Khối trưởng Khối thi đua các trường đại học tại TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN - Khối trưởng Khối thi đua các trường đại học tại TP. Đà Nẵng cho biết: “Trong bối cảnh AI ngày càng được sử dụng rộng rãi, lĩnh vực giáo dục đang đối mặt với các thách thức và cơ hội mới, đòi hỏi sự trang bị về những kỹ năng, kiến thức và hiểu biết mới liên quan tới AI. Chính vì thế, Tọa đàm này một trong những hoạt động trong năm học 2023-2024 của khối thi đua các trường đại học trên địa bàn TP. Đà Nẵng được tổ chức với mong muốn đây là cơ hội để chia sẻ thông tin, nhận diện những cơ hội cũng như thách thức, tiêu cực của AI đối với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chia sẻ các kinh nghiệm trong việc ứng dụng hiệu quả AI từ thực tiễn, đồng thời thúc đẩy giao lưu, trao đổi gắn kết giữa các trường trong Khối”.


Tọa đàm có sự tham dự và trình bày báo cáo tham luận từ 4 thầy cô giáo, đều là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin:

Tham luận 1: “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đổi mới giáo dục đại học” của TS. Nguyễn Thị Khánh Hồng - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - ĐHĐN. Ở tham luận này, tác giả đã phân tích 4 nội dung cơ bản: Tổng quan giáo dục thông minh; AI trong giáo dục đại học; Đổi mới học tập/giảng dạy dựa trên AI; Cơ hội, thách thức.


TS. Nguyễn Thị Khánh Hồng trình bày tham luận

Đặc biệt, TS. Nguyễn Thị Khánh Hồng đã đề xuất dựa trên AI đối với giáo dục đại học như: Ý nghĩa của AI đối với giáo dục đại học; Nghiên cứu hiệu quả ứng dụng AI trong dạy và học; Tác động của AI đến việc đánh giá học tập; Tiềm năng của công nghệ AI trong việc nâng cao việc dạy và học; Tác động của AI đến vai trò của giáo viên ở trường đại học; Các vấn đề xã hội và/hoặc đạo đức trong việc sử dụng AI cho việc dạy và học; Chi phí và lợi ích của việc sử dụng AI trong dạy và học; Tác động của AI đến công tác quản lý, điều hành dạy và học.


Tham luận 2: “Đào tạo và nghiên cứu ứng dụng AI cho sinh viên: Trường hợp tại VKU-ĐHĐN” của TS. Nguyễn Hữu Nhật Minh - Trường Đại học CNTT&TT Việt Hàn - ĐHĐN.


Tham luận 3: “Trí tuệ nhân tạo và giải pháp ứng dụng trong đào tạo giáo viên tại Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN của TS. Trần Văn Hưng - Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN.

Đối với Tham luận 4: “Tích hợp AI vào giảng dạy đại học” của TS. Phan Đình Vấn - Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN đã phân tích những thành tựu nổi bật của AI là phát triển và ảnh hưởng vượt bật qua những thành công và tầm ảnh hưởng của ChatGPT (30/11/2022); Thị trường AI dự kiến đạt 407 tỷ USD vào năm 2027 (Forbes, 25/4/2023), đến 2030 đạt 740 tỷ USD (Satista, 2024). Bên cạnh đó, TS. Phan Đình Vấn đã trình bày về tích hợp AI trong giáo dục đại học như: Giảng viên ảo, Cá nhân hóa, Nghiên cứu dự đoán, Tích hợp AI, Đổi mới trải nghiệm học tập, Mạng lưới kiến thức thông minh, Chấm bài tự động, Phân loại người học, và Hỗ trợ học sinh khuyến nghị chương trình học. Tuy nhiên, khi tích hợp AI cũng xảy ra những thách thức về Vi phạm bản quyền; Rò rỉ thông tin cá nhân; Đạo văn; Giảm sự tương tác con người trong quá trình học tập; Tích hợp AI cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; AI tạo sinh: tạo ra văn bản, hình ảnh. Và giảng viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, hướng tới tận dụng tối đa công nghệ AI để hỗ trợ và tạo ra trải nghiệm học tập mới cho sinh viên. Đối với sinh viên phải chủ động, tiếp nhận và hòa nhập với công nghệ AI trong quá trình học tập, phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo và sử dụng công nghệ.


TS. Phan Đình Vấn - Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN phân tích những thành tựu nổi bật của AI 

Cuối cùng, tác giả đã đưa ra những triển vọng của AI là: AI sẽ tiếp tục mang lại những cơ hội và thay đổi tích cực cho giáo dục đại học; AI cần được tích hợp một cách cân nhắc và bền vững để đảm bảo hiệu quả và tính phù hợp trong giáo dục  đại học; Sự phát triển của AI sẽ thúc đẩy sự hiện đại hóa toàn diện và tăng cường chất lượng giáo dục.



Báo cáo tham luận của các diễn giả đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi chia sẻ của các đại biểu tham dự xung quanh chủ đề trí tuệ nhân tạo tác động đến giáo dục đại học



Chủ đề tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học” là một trong những chủ đề đang nhận được sự quan tâm nhất hiện nay trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Không thể phủ nhận, Trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tế cho thấy, giáo dục là một trong những lĩnh vực thụ hưởng thành quả của AI và AI cũng góp phần trực tiếp đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục hướng đến sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới thông qua việc tự động hóa và thực hiện các hoạt động chuyên môn của giảng viên, mang lại một phương pháp học trực tuyến hiệu quả, giảm thời gian và công sức của giảng viên trong việc hành chính, giảng bài, chấm bài… AI có thể biết được năng lực tiếp thu của từng sinh viên và đưa ra chiến lược dạy học cá nhân hóa phù hợp nhận thức của từng sinh viên. Tuy nhiên để có thể sử dụng các công cụ có sự hỗ trợ của AI một cách hiệu quả, giảng viên và người học cần có nhiều kỹ năng mới nhất là hiểu rõ về cách mà các hệ thống với sự hỗ trợ AI có thể tạo điều kiện và làm cho quá trình dạy học trở nên hiệu quả hơn cũng như sẽ phải thay đổi, điều chỉnh để giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của AI mang lại lạm dụng để viết bài luận, giải toán, đạo văn, hay có thể mang đến các kiến thức sai lệch do nguồn thông tin không phải khi nào cũng chính xác.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trung tâm CNTT&TT