DHKT

Công khai luận án của NCS Trần Thị Thu Dung

Thực hiện quy chế đào tạo tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tiến hành công khai luận án của NCS Trần Thị Thu Dung:

    1. Tên đề tài luận án: Nghiên cứu ý định tiếp tục sử dụng của du khách đối với các ứng dụng di động trong du lịch: trường hợp ứng dụng trên thiết bị di động của các đại lý du lịch trực tuyến.

    2. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh                       

    3. Mã số: 934.01.01

    4. Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Thu Dung

    5. Khoá: 38
    6. Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Văn Huy

    7. Cơ sở đào tạo: Đại học Đà Nẵng – Trường Đại học Kinh tế


    8. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

    8.1 Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận:

    Luận án đã mở rộng khái niệm “sự xác nhận” trong lĩnh vực hệ thống thông tin bằng cách đặt khái niệm này vào trong bối cảnh nghiên cứu về ứng dụng du lịch và chỉ rõ các yếu tố cấu thành. Khái niệm này là một đóng góp đáng kể cho lý thuyết nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch, vì khái niệm này giúp giải quyết những hạn chế của mô hình lý thuyết: mô hình xác nhận - kỳ vọng (ECM) và mô hình sự phù hợp giữa khả năng đáp ứng của ứng dụng di động - tiếp tục sử dụng (UCMF) trong bối cảnh cụ thể của ngành du lịch.

    Luận án thực hiện nghiên cứu mối quan hệ giữa các khía cạnh thể hiện sự xác nhận khả năng đáp ứng của ứng dụng du lịch và ý định tiếp tục sử dụng ứng dụng du lịch theo tiến trình hành vi tiêu dùng: nhận thức - tình cảm - hành vi. Trong đó, nghiên cứu làm phong phú thêm thành phần nhận thức bằng cách kết hợp hai khái niệm – “sự xác nhận” và “khả năng đáp ứng của ứng dụng di động” để tạo nên một khái niệm mới “sự xác nhận về khả năng đáp ứng của ứng dụng du lịch”.

    Nghiên cứu kiểm tra vai trò trung gian của sự hài lòng và nhận thức sự hữu ích trong mối quan hệ giữa sự xác nhận về khả năng đáp ứng của ứng dụng du lịch và ý định tiếp tục sử dụng của du khách với ứng dụng du lịch. Việc tập trung xem xét vai trò trung gian, nghiên cứu này đã hưởng ứng đề xuất hướng nghiên cứu tương lai về việc thực hiện nghiên cứu thêm để xem xét vai trò trung gian nhằm hiểu rõ vai trò của nó trong mối quan hệ giữa sự xác nhận khả năng đáp ứng của ứng dụng di động và ý định tiếp tục sử dụng (Hoehle & Venkatesh, 2015; Ozturk & cộng sự, 2016; Tarute & cộng sự, 2017). Điều này giúp mở rộng sự hiểu biết về thành phần tình cảm trong tiến trình hành vi.

    Luận án đưa ra các đề xuất về hàm ý quản trị thiết thực và quan trọng cho các nhà phát triển ứng dụng, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, đặc biệt là các OTA, và các nhà hoạch định chính sách để khuyến khích ý định tiếp tục sử dụng của du khách đối với ứng dụng du lịch.

    8.2 Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu:

    Luận án đã khẳng định khái niệm sự xác nhận về khả năng đáp ứng của ứng dụng di động trong bối cảnh ứng dụng du lịch là một cấu trúc đa chiều gồm 30 chỉ báo thể hiện qua 07 khía cạnh: sự xác nhận về thiết kế ứng dụng, sự xác nhận về tiện ích ứng dụng, sự xác nhận về đồ họa giao diện, sự xác nhận về cấu trúc ứng dụng, sự xác nhận về giao diện đầu vào, sự xác nhận về giao diện đầu ra, sự xác nhận về độ ổn định của ứng dụng.

    Luận án cho thấy 06 khía cạnh thuộc sự xác nhận về khả năng đáp ứng của ứng dụng du lịch tác động trực tiếp đến nhận thức của du khách về sự hữu ích của ứng dụng và sự hài lòng của du khách về việc sử dụng ứng dụng du lịch. Trong đó, tác động mạnh nhất đến nhận thức sự hữu ích là sự xác nhận về độ ổn định của ứng dụng và khía cạnh sự xác nhận về thiết kế ứng dụng không tác động trực tiếp đến nhận thức sự hữu ích; yếu tố tác động mạnh nhất đến sự hài lòng là sự xác nhận về thiết kế ứng dụng và yếu tố sự xác nhận về đồ họa giao diện không tác động trực tiếp đến sự hài lòng của du khách về việc sử dụng ứng dụng

    Luận án khẳng định 02 nhân tố là nhận thức của du khách về sự hữu ích của ứng dụng và sự hài lòng của du khách về việc sử dụng ứng dụng có tác động trực tiếp đến ý định tiếp tục sử dụng ứng dụng du lịch của du khách. Trong đó, luận án cũng chỉ ra yếu tố sự hài lòng có tác động mạnh hơn đến ý định tiếp tục sử dụng của du khách so với yếu tố nhận thức sự hữu ích.

    Luận án đã chứng minh vai trò trung gian của từng nhân tố nhận thức sự hữu íchsự hài lòng trong mối quan hệ giữa các khía cạnh thể hiện khả năng đáp ứng của ứng dụng du lịch và ý định tiếp tục sử dụng.

    Trước hết, các đại lý du lịch trực tuyến nói riêng và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nói chung sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của khả năng đáp ứng của ứng dụng du lịch, nhận thức sự hữu ích và sự hài lòng của du khách khi sử dụng ứng dụng. Các đơn vị cũng nắm bắt được các khía cạnh thể hiện khả năng đáp ứng của ứng dụng du lịch tác động đến nhận thức sự hữu ích, sự hài lòng và ý định tiếp tục sử dụng. Từ đó, các đơn vị sẽ có các chiến lược phù hợp nhằm cải thiện và nâng cao khả năng đáp ứng của ứng dụng du lịch, gia tăng nhận thức sự hữu ích, sự hài lòng và ý định tiếp tục sử dụng của du khách.

    Luận án đề xuất 05 nhóm giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, tình cảm và ý định hành vi sau khi sử dụng của du khách: (1) Cải thiện sự xác nhận về khả năng đáp ứng của ứng dụng du lịch thông qua từng khía cạnh cấu thành; (2) Nâng cao nhận thức của du khách về sự hữu ích của ứng dụng du lịch; (3) Nâng cao sự hài lòng của du khách về việc sử dụng các ứng dụng du lịch; (4) Thiết lập các chiến lược quản lý theo sự khác biệt về đặc điểm người dùng; (5) Sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan: nhà phát triển ứng dụng du lịch, các đơn vị hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch, các đại lý du lịch trực tuyến và các cơ quan quản lý du lịch.

    9. Thời gian và địa điểm: Thông báo sau

    10. Toàn văn luận án: xem tại đây ( https://drive.google.com/file/d/153NeEq-dzYdpNJ9immT7l7BfwBwdVdg_/view?usp=sharing )