DHKT

Hội nghị chuyên đề về du lịch bền vững và kinh tế số: Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch bền vững trong thời đại số

24/10/2023

Sáng ngày 24/10, tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN đã diễn ra Hội nghị chuyên đề về du lịch bền vững và kinh tế số. Đây là chương trình trong phiên họp toàn thể của Diễn đàn Ulysseus - DaNang: Hợp tác đào tạo - nghiên cứu - sáng tạo thành phố thông minh (UDERIF 2023) trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và Liên minh các trường đại học châu Âu.


Tham dự Hội nghị có các học giả nghiên cứu của Liên minh các trường đại học Châu Âu (ULYSSEUS), PGS. Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, lãnh đạo các khoa, phòng, trung tâm: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Khoa Du lịch, Khoa Thương mại điện tử, Khoa Quản trị kinh doanh, khoa Marketing cùng đông đảo các bạn sinh viên.



Sự kết hợp giữa tính bền vững của du lịch và tích hợp công nghệ kỹ thuật số trong cơ cấu kinh tế đã thể hiện sự thay đổi rõ rệt. Một sự thay đổi hứa hẹn không chỉ sự thịnh vượng về kinh tế mà còn là sự quản lý có trách nhiệm đối với các nguồn tài nguyên của thế giới. Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh chia sẻ: “Bản chất của Hội nghị lần này muốn nhấn mạnh niềm tin chung: Thông qua đổi mới, nghiên cứu và hợp tác, chúng ta có thể khai thác tiềm năng của thời đại số, đồng thời đảm bảo rằng các di sản văn hóa và thiên nhiên của chúng ta được bảo tồn cho các thế hệ mai sau”. Đó cũng là mục tiêu mà Đại học Đà Nẵng và Liên minh các trường đại học châu Âu đã ủng hộ và nhận thấy rằng, trong mối quan hệ giữa du lịch bền vững và nền kinh tế kỹ thuật số có rất nhiều cơ hội. Cơ hội nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và quan trọng nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và có ý thức về môi trường.


PGS. Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường phát biểu chào mừng

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe 05 đề xuất nghiên cứu:

(1) “Community based tourism development in Talang & Gianbi villages, DaNang City” (Tạm dịch: Phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Tà Lang & Giàn Bí, TP. Đà Nẵng) của TS. Cao Trí Dũng & Nhóm nghiên cứu;

(2) "Sustainability of socio-cultural impacts of volunteer tourism in vietnamese farm communities" (tạm dịch: Tính bền vững tác động văn hóa xã hội của du lịch tình nguyện tại cộng đồng nông nghiệp Việt Nam) của nhóm tác giả TS. Trần Niên Tuấn & Nhóm nghiên cứu;

(3) "Developing digital maturity models to foster digital transformation and participation in Vietnam's digital economy among smes" (tạm dịch: Phát triển các mô hình trưởng thành số để thúc đẩy chuyển đổi số và sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào nền kinh tế số của Việt Nam) của TS. Lê Thị Minh Hằng & Nhóm nghiên cứu;

(4) "Green MICE" (tạm dịch: Du lịch MICE) của PGS.TS. Lê Văn Huy và Nhóm nghiên cứu;

(5) “Does the digital divide matter? Some cross-sectional studies” (Tạm dịch: Sự phân chia kỹ thuật số có có quan trọng không? Một số nghiên cứu) của TS. Võ Quang Trí và Nhóm nghiên cứu.



Các diễn giả trình bày đề xuất nghiên cứu


Các đại biểu cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu mang tính đột phá và hình thành các mối quan hệ đối tác bền vững trước thử thách của thời gian. Đồng thời đã cùng nhau trao đổi học thuật và đề ra những mục tiêu và phương pháp, từ đó đánh giá những rủi ro và thách thức để đề xuất xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch bền vững trong thời đại số.


Chiều cùng ngày, các diễn giả tiếp tục thảo luận bàn tròn nhằm trao đổi ý tưởng, đánh giá về các đề xuất nghiên cứu được trình bày. Chính những ý kiến trình bày ngày hôm nay của các diễn giả sẽ gợi mở nhiều ý tưởng mới, độc đáo và thiết thực hơn trong tương lai nhằm xây dựng du lịch bền vững và nâng cao về mặt kỹ thuật số.


Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh tặng quà cảm ơn các nhà nghiên cứu nổi tiếng của Ulysseus


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trung tâm CNTT&TT