DHKT

TOẠ ĐÀM GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ CÁC CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP

Chất xám từ Trường Đại học cần phải được tận dụng!”
Nên chọn vấn đề cốt lõi để khơi thông, giá trị tăng thêm là do Doanh nghiệp”
“Thực tập không phải là một kỳ nghỉ mát!”
Hội chợ việc làm hay Hội chợ thực tập?”

Đó là những vấn đề được đặt ra tại buổi Toạ đàm sáng ngày 19/11/2015 giữa Nhà trường và các Cơ quan, Doanh nghiệp cùng Đại diện các Cơ quan, báo đài, Cơ quan Thông tín báo chí. Có thể thấy, các doanh nghiệp đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình trưởng thành và phát triển của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng suốt 40 năm qua.

Toạ đàm được chia làm 2 Phiên. Phiên 1 đã thảo luận về thực trạng giữa Đào tạo và nhu cầu Tuyển dụng lao động, đề xuất hướng đến quan hệ tốt đẹp giữa Nhà trường và các Tổ
chức sử dụng Lao động do PGS.TS. Đào Hữu Hoà – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn – Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh – Trường ĐHKT, ThS. Phan Hải – Giám đốc Công ty TNHH TM&SX BQ Đà Nẵng điều hành, ThS. Trương Thị Vân Anh – Giảng viên Khoa Marketing làm thư ký. Phiên 2 đề cập đến các vấn đề: Định hướng nghề; Đào tạo, bổ sung kỹ năng; Công tác Tuyển dụng Lao động; Các chương trình thực tập, kiến tập do GS.TS. Lê Thế Giới – Nguyên Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Ông Trịnh Bằng Có – Tổng GĐ Công ty Cổ phần Du lịch Phương Đông Việt điều hành, ThS. Phan Thị Phú Quyến – Giảng viên Khoa Marketing làm thư ký.

Về phương diện Phối hợp trong Tổ chức Đào tạo, Toạ đàm nêu sự cần thiết của việc cân đối giữa cung và cầu lao động. Trường cần điều tra tiêu chuẩn, kế hoạch tuyển dụng của Doanh nghiệp (DN), đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra (sinh viên) tại nơi sử dụng lao động, có thể mời DN, Lãnh đạo địa phương tham gia thẩm định đề tài của SV. Đào tạo phải đi đôi với thực hành ngay trong lòng Doanh nghiệp, đi liền với xu hướng nhưng không nhất thiết phải chạy theo xu hướng. Chính năng lực sinh viên thể hiện trong quá trình thực tập khiến DN phát sinh nhu cầu muốn giữ lại người có tố chất (dù không có trong kế hoạch nhân sự). Kỹ năng tin học, ngoại ngữ lâu nay vẫn được chú trọng nhưng cần chú ý để kỹ năng diễn đạt bằng Văn bản của sinh viên không bị mai một. Trong thời gian tới, Nhà trường cũng sẽ có chương trình thực tập linh hoạt, đồng bộ hơn, tăng cường trao đổi thông tin giữa hai bên.

Tại toạ đàm, Doanh nghiệp cũng có nhã ý mời Trường về, giúp phát hiện nhu cầu của DN trước cả khi DN nghĩ tới. Vai trò của Trường đối với sự phát triển của Khu vực cần được khẳng định chứ không chỉ đối với thành phố. Ý kiến đề xuất Trung tâm Nghiên cứu ngoài việc hợp tác Nghiên cứu Khoa học còn chuyên chắt lọc, đưa ra chính sách từ Nghiên cứu thực tế DN của sinh viên cũng được các Nhà Khoa học quan tâm.

Toạ đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí xây dựng, cởi mở. Hi vọng sự hợp tác giữa Nhà trường và Các cơ quan, Doanh nghiệp về Đào tạo, Nghiên cứu Khoa học, Chuyển giao công nghệ… sẽ ngày càng bền chặt!

Thực hiện: Trung tâm CNTT & Truyền thông