DHKT

Tạp chí Đông Nam Á: NCS Hàn Quốc đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng

18/12/2023

Đó là Tân Tiến sỹ (TS) Kim Tae Kyu, với đề tài “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc tranh chấp lao động – Trường hợp các doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc tại Việt Nam”. Trò chuyện cùng ASEAN News, TS. Kim cho hay, đây là đề tài nghiên cứu có gắn kết rất chặt chẽ với thực tiễn mà chính ông đã từng trải nghiệm, với tư cách “là người trong cuộc”. Qua đề tài nghiên cứu, ông muốn chia sẻ kinh nghiệm cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc, đã – đang hoặc có dự định đầu tư vào Việt Nam nói riêng, nhiều quốc gia khác và vùng lãnh thổ nói chung: Để đầu tư thành công, cần hiểu rõ nền văn hóa bản địa, đặc biệt hiểu về người lao động địa phương, những cộng sự đang cùng làm việc. Cán bộ quản lý kinh tế – Giảng viên đại học Kim Tae Kyu là Nghiên cứu sinh Hàn Quốc đầu tiên, bảo vệ thành công học vị TS của mình tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng.

Tân TS Kim Tae Kyu

Chia sẻ cách tiếp cận và giải quyết tốt nhất trong tranh chấp lao động xã hội hiện đại, đặc biệt là ở Việt Nam.
Đề tài “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc tranh chấp lao động – Trường hợp các doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc tại Việt Nam”, của Nghiên cứu sinh Kim Tae Kyu (có mã số: 62.34.01.02; Ngành: Quản trị kinh doanh) được GS. TS. Nguyễn Trường Sơn và PGS. TS. Nguyễn Phúc Nguyên hướng dẫn (lần lượt là Người hướng dẫn khoa học 1 và 2.
Những đóng góp mới của luận án nghiên cứu này, được các Giảng viên hướng dẫn, nhìn nhận: Sử dụng phương pháp phân tích các nhân tố liên quan bằng cách phân nhóm; sử dụng dữ liệu các cuộc khảo sát được thực hiện bởi nhân viên của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc ở các khu vực khác nhau, tác giả (Kim Tae Kyu), đã nhấn mạnh những khía cạnh mà nhân viên của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, coi là quan trọng. Và những điểm quan trọng này (thực sự đã) ảnh hưởng như thế nào đến việc xảy ra tranh chấp. Trong luận án, tác giả cũng cố gắng khảo sát đồng thời các câu hỏi giống nhau cho các vùng khác nhau để xác định sự khác biệt giữa các vùng.
Hầu hết các giải pháp (mà) tác giả xem xét trong các nghiên cứu khác, (đã) không trả lời câu hỏi “làm thế nào để giải quyết tranh chấp” trong tương lai. Do vậy, tác giả cố gắng đưa ra những giải pháp cụ thể và thiết thực trong việc giải quyết tranh chấp. Luận án đã đóng góp một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, trong thiết lập các chính sách quản lý nguồn nhân lực một cách thiết thực.

TS. Kim Tae Kyu (thứ hai, từ trái sang) đón nhận bằng tốt nghiệp và hoa chúc mừng từ lãnh đạo trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng. Người đứng ở bìa trái ảnh là GS. TS. Nguyễn Trường Sơn – Người hướng dẫn khoa học 1.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, vì sao, khi đã trả lương rất cao, sự quan tâm cũng rất bình đẳng, nhưng lại vẫn xảy ra tranh chấp. Và qua thời gian tìm hiểu, tôi muốn nói điều này, có những cái khác biệt. Và muốn đầu tư thành công, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc cần hiểu rõ hơn đặc thù của văn hóa bản địa, hiểu về tập quán, các quan niệm sống của người lao động địa phương. Tôi từng nhiều năm làm việc ở Khu Công nghiệp Dung Quất, miền Trung – Việt Nam. Tôi cho rằng, cần thấu hiểu hơn về người dân ở khu vực này. Với tôi, tôi rất thích người dân Miền Trung. Vì tôi đã có nhiều năm sống và làm việc cùng họ”, TS. Kim Tae Kyu bộc bạch.
Trong cuộc trò chuyện cởi mở cùng ASEAN News, TS. Kim Tae Kyu chân thành bày tỏ thêm rằng, chính công ty (nơi ông đã làm việc, ở Khu Công nghiệp Dung Quất – Quảng Ngãi), đã phải mất nhiều thời gian mới giải quyết xong các tranh chấp. Hẳn nhiên , để giải quyết ổn thỏa, phải tìm hiểu những nguyên nhân và yếu tố tác động rất sâu xa, các tác nhân cũng như hoàn cảnh.
TS. Kim Tae Kyu có nhiều kỷ niệm ở Việt Nam. Nhất là những nơi ông đã học tập và làm việc. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên ông đặt chân đến Việt Nam, và cũng là nơi ông đã làm việc và học Cao học (sau đó lấy bằng Thạc sỹ. Ông tự hào nói rằng: Tôi lấy bằng Cao học ở một đại học Thành phố Hồ Chí Minh). Ông gắn bó nhiều với Dung Quất – Quảng Ngãi, có thời gian là Chuyên viên quản lý nhân sự rồi Trưởng phòng Nhân sự. Chức vụ cao nhất ông đã trải qua khi làm việc tại Việt Nam là Giám đốc (một Công ty).
Khi tràn đầy quyết tâm làm nghiên cứu sinh, ông chọn Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng. Ông giải thích rằng, “dù tôi vẫn có khả năng (làm nghiên cứu sinh) ở một nơi khác, một trường khác nổi tiếng hơn, nhưng tôi lại chọn Trường này, vì uy tín của Trường và Trường rất “phù hợp với tôi nhiều điểm, đáp ứng được mục tiêu mà tôi đặt ra”. Trong đó, hẳn nhiên có yếu tố, tôi rất thích sống và làm việc với người Miền Trung – Việt Nam”. Điều rất bất ngờ là thời trai trẻ, chàng sinh viên Kim Tae Kyu đã theo học Khoa Tiếng Việt và nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học (của Trường Đại học Ngoại ngữ Busan – Hàn Quốc ). Bất ngờ hơn, Thạc sỹ  Kim Tae Kyu đã quay lại Trường Đại học Ngoại ngữ Busan và đảm nhận vai trò Giảng viên: Dạy tiếng Việt  (cho sinh viên Hàn Quốc theo học ngành này) và giảng dạy về “Ngoại thương Việt Nam – Hàn Quốc”.
Sống lâu ở Miền Trung – Việt Nam, tôi nhận ra người dân ở đây có một “nhịp điệu sống” trầm tĩnh, không nhanh quá, vội vàng quá như người Hàn Quốc. Và tôi thích điều này. Đây cũng là một nét văn hóa riêng, có tính địa phương, của con người Việt Nam. Một số Công ty FDI Hàn Quốc có đặt vấn đề mời tôi đến nói chuyện, tham vấn ý kiến. Tôi luôn nói: Chúng ta cần hiểu hơn con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, nếu muốn làm ăn thành công tại Việt Nam”, TS. Kim Tae Kyu kết luận.
Việc làm là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Việc quản lý và bản chất của việc làm là những vấn đề làm nảy sinh các cuộc tranh luận sôi nổi. Tranh chấp lao động vẫn chưa giảm bớt kể từ năm 2014, tác giả (Kim Tae Kyu) tin rằng, cần kịp thời tiến hành nghiên cứu với khung thời gian kéo dài đến năm 2020. Vì vậy, trong luận án này, dựa trên số liệu đến năm 2020, và tác giả (có nêu): Kiểm tra xem ngoài các nhân tố đã được khảo sát từ trước đến nay, có thêm các nhân tố mới xuất hiện hay không và các nhân tố mới xuất hiện này sẽ cung cấp dữ liệu cơ bản cho các nghiên cứu sau này” – nhận xét của các Giảng viên hướng dẫn cho thấy, Tiến sỹ Kim Tae Kyu, vẫn còn theo đuổi một đề tài, mà theo ông, vẫn còn phải nghiên cứu để thấu hiểu hơn./.

Xem bài viết NCS Hàn Quốc đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng trên Tạp chí Đông Nam Á

Theo Trần Ngọc (Tạp chí Đông Nam Á)