DHKT

TS. Phùng Nam Phương - Hãy học tập và trải nghiệm một cách rất khác

20/10/2021

Trong không khí ngập tràn lời chúc tốt đẹp tôn vinh một nửa yêu thương nhân ngày 20/10, series “One step to IB-lecturers” tuần này vinh dự giới thiệu đến các bạn bóng hồng Tiến sĩ Phùng Nam Phương. Nếu công việc của một giảng viên đã hết sức bận rộn thì vai trò của một Phó trưởng khoa lại càng áp lực hơn. Tuy luôn hết mình, lăn xả vì công việc nhưng không lúc nào ở cô Phương không toát lên vẻ đẹp tràn đầy sức sống cùng khiếu hài hước đặc trưng và phong cách kể chuyện lôi cuốn. Trải qua hơn 10 năm công tác tại Khoa KDQT, cô Phương đã, đang và luôn là nguồn cảm hứng lan toả tinh thần lạc quan cho đồng nghiệp và các em sinh viên. Hãy cảm nhận những chia sẻ của cô Phương và cùng chúc cô Phương nói riêng và các cô giáo Khoa KDQT nói chung một ngày lễ thật đẹp các bạn nhé!

Cô cho rằng sinh viên nên tận dùng thời gian 4 năm đại học để làm gì ạ?

Cô Phương: Đừng chỉ vùi đầu vào sách vở, hãy thử làm thêm một công việc nào đó để học tập và trải nghiệm cuộc sống theo một cách rất khác. Khi tôi học cấp 3, tôi và một số bạn bè là một trong những người tiên phong làm dịch vụ ông già Noel tặng quà tại nhà ở Đà Nẵng. Lúc đó, cảm giác mang một dịch vụ mới mẻ cho khách hàng và cảm giác lần đầu kiếm được tiền thật sự rất tự hào. Khi tôi học đại học, phần lớn thời gian rảnh tôi dùng để phụ giúp cha mẹ mình kinh doanh một tiệm hoa. Những kinh nghiệm năm ấy cho tôi hiểu được thế nào là marketing dịch vụ, thế nào là quản trị chuỗi cung ứng. Khi tôi học thạc sĩ tại Đài Loan, ngoài việc làm thêm tại văn phòng Khoa hai buổi một tuần; tôi còn làm thêm ở tiệm cơm gần trường. Lúc đầu, công việc chỉ đơn giản là thái rau và rửa chén, nhưng sau vài tháng, ông chủ nhận thấy tôi cũng khá nhanh nhẹn và tháo vát, cộng thêm vốn tiếng Trung của tôi đã cải thiện đáng kể, thế là tôi được cất nhắc lên “tuyến đầu” để phục vụ khách hàng. Tại bếp ăn ấy, tôi hiểu được sự cố gắng không ngừng trong công việc sẽ giúp bạn đi nhanh hơn và đi xa hơn rất nhiều. Sau này, khi tôi làm nghiên cứu sinh tại Anh Quốc, tôi cũng tìm cho mình một công việc phiên dịch. Lúc mới bắt đầu, công việc khá vất vả với đồng lương khá thấp, mỗi ngày đều phải học từ vựng mới liên tục. Tuy nhiên, một thời gian không lâu sau đó, rất may mắn, tôi được nhiều tổ chức và cá nhân tin tưởng để giao công việc phiên dịch ở toà, trại giam, văn phòng luật, ngân hàng, bộ nội vụ…Nhờ vậy, thu nhập làm thêm khiến cuộc sống ở xứ người của tôi dễ thở hơn rất nhiều. Quan trọng hơn, những trải nghiệm thú vị khi được đi đây đi đó, làm việc với người này người kia trong mỗi lần đi dịch mới thật sự đắt giá. Vì vậy, tôi tin chắc rằng học tập ở trường học sẽ giúp bạn có nền tảng vững chắc nhưng nếu được, hãy học thêm ở trường đời để có những trải nghiệm thực tế thú vị các bạn nhé.

Cô thường làm gì để cân bằng cuộc sống và công việc? Cô có thể kể ra một sở thích/thói quen tốt mà thầy/cô nghĩ sinh viên có thể làm theo không ạ?

Cô Phương: Thú thật, tôi chưa bao giờ cân bằng được giữa công việc và cuộc sống. Lúc làm nghiên cứu sinh, tôi dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu và việc làm thêm. Tôi vẫn còn nhớ ngày tôi sinh bé thứ hai, mặc dù đã có dấu hiệu sắp sinh nhưng vì đã có hẹn trước với giáo sư hướng dẫn vào buổi sáng và khách hàng vào buổi trưa, thế là tôi kéo vali đi đẻ đến gặp giáo sư trước và khách hàng sau. Tôi dự định rằng nếu chẳng may vỡ ối nửa chừng thì tôi cũng có sẵn vali hành lý để đi thẳng tới bệnh viện một cách nhanh nhất. Khi tôi về Việt Nam làm việc, tôi vẫn luôn ưu tiên công việc lên trước, sau mới tới gia đình của mình. Cho đến một ngày, ba tôi đột ngột qua đời, tôi mới chợt nhận ra rằng tôi đã dành quá ít thời gian cho ông. Ba mẹ đã đợi mấy năm liền để tôi hoàn thành việc học, vậy mà 10 tháng về Việt Nam, tôi cũng chưa thật sự dành trọn tâm trí mình cho ông bà. Có lẽ nhiều bạn sẽ như tôi, chúng ta luôn nghĩ rằng gia đình luôn ở bên ta và chờ đợi ta; nhưng không đâu các bạn ạ. Vì vậy, nếu được, hãy dành thêm một ít thời gian nữa cho gia đình, cho ba mẹ của chúng ta, các bạn nhé. Có thể chỉ một cuộc gọi, một tin nhắn cho ba mẹ để trò chuyện và quan tâm tới nhau nhiều hơn. Chúng ta có thể còn nhiều thời gian nhưng ba mẹ chúng ta thì…có lẽ không.

Câu nói/câu châm ngôn ưa thích của cô là gì ạ?

Cô Phương: Một trong những câu nói mà tôi cảm thấy rất tâm đắc, đó là “thái độ quan trọng hơn trình độ”. Trước hết cần phải xác định rõ ràng rằng thái độ và trình độ đều quan trọng đối với mỗi cá nhân. Bạn có thái độ tốt mà trình độ kém thì con đường dẫn tới sự thành công sẽ rất gập ghềnh. Tuy nhiên, nếu bạn tài giỏi và vì thế, bạn tự cao và xem thường người khác thì chẳng ai và chẳng tổ chức nào giữ chân bạn. Với thái độ đúng đắn và sự nỗ lực thiết yếu, hầu hết các kiến thức và kỹ năng mới có thể được thành thạo một cách nhanh chóng. Trong khi đó, thái độ là thứ không phải một sớm, một chiều mà có thể thay đổi hay cải thiện. Cần phải có thời gian rèn luyện và tư duy nhận thức tốt chúng ta mới xây dựng được cho mình một thái độ phù hợp. Vì vậy, hãy sớm trang bị cho bản thân một thái độ tốt bằng cách nhìn nhận cuộc sống thông qua cái nhìn tích cực, hành xử lịch sự và tôn trọng mọi người, sống có trách nhiệm và biết khiêm nhường.

Xin cảm ơn cô Phương cùng với những chia sẻ ngày hôm nay. Khoa KDQT chúc cô thật nhiều sức khỏe và thành công, mong cô mãi là nguồn cảm hứng cho toàn thể đồng nghiệp cùng sinh viên Trường Đại học Kinh tế. 

Tin từ khoa Kinh doanh quốc tế