DHKT

Giảng viên DUE phát huy năng lực tham gia tư vấn, hoạch định chính sách của địa phương

07/03/2024

Mới đây, PGS.TS. Bùi Quang Bình (giảng viên Khoa Kinh tế) đã được UBND tỉnh Phú Yên tặng Bằng khen vì “Đã có nhiều đóng góp vào công tác lập Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là thành quả cho những phấn đấu không ngừng nghỉ từ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học đến việc tham gia các hoạt động tư vấn, hoạch định chính sách ở địa phương cũng như các Bộ, ngành của giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học PGS.TS. Bùi Quang Bình.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Bình, “Việc tham gia đóng góp ý kiến phản biện xây dựng cơ chế và chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho chính quyền các tỉnh thành ở miền Trung và cả nước nói chung và quy hoạch các tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050 vừa là vinh dự và vừa là trách nhiệm để thể hiện vai trò sứ mệnh của nhà trường. Là một giảng viên của một trường Đại học Kinh tế có uy tín hàng đầu của cả nước, được các địa phương mời tham gia phản biện chính sách nhất là quá trình xây dựng quy hoạch trung hạn của họ như sự khẳng định vị thế và đánh giá cao của xã hội với nhà trường.


PGS.TS. Bùi Quang Bình chia sẻ về việc tham gia đóng góp ý kiến phản biện xây dựng cơ chế và chính sách phát triển kinh tế xã hội cho chính quyền các tỉnh thành ở miền Trung

Đối với mỗi địa phương, bản Quy hoạch có ý nghĩa chiến lược, là định hướng phát triển của tỉnh; là sự cam kết hành động xây dựng và phát triển địa phương của chính quyền với chính phủ, doanh nghiệp và người dân, là  văn bản pháp lý cho bảo đảm và ủng hộ các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn nhất là thu hút các nguồn lực, điều chỉnh nguồn lực.  Doanh nghiệp nhìn vào bản Quy hoạch mà quyết định đầu tư. Đối với người dân, bản quy hoạch là cam kết của chính quyền để họ tham gia vào kinh doanh và định hướng đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của họ như thế nào. Bản quy hoạch tỉnh/thành phố rất là quan trọng, định hướng không chỉ trong một địa phương mà kết nối giữa các địa phương với nhau để tạo ra một vùng phát triển, tránh chia cắt, tránh cạnh tranh, PGS.TS. Bùi Quang Bình cho biết thêm.   

Vai trò, sứ mệnh Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN không chỉ có giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực mà còn tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, đấy là sứ mệnh về phát triển theo định hướng nghiên cứu. Thông qua đó, giảng viên càng có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung thêm những kiến thức mới. “Là giảng viên cần phải nghe, thông qua nghe, bàn cãi thì mới hiểu được thực tiễn, thực tiễn nó khác lắm, kinh khủng lắm, phải chịu khó lặn lội, họ mời mình tham dự các hội thảo thì mình tranh thủ nghe, góp ý cho họ. Những ý kiến đóng góp của mình có ích cho các địa phương thì mình sẽ mời tham dự những dự án tiếp theo. Nhưng quan trọng, cái mình được là thu thập từ thực tiễn, kinh nghiệm từ thực tiễn. Mình nói để người khác nghe được không phải dễ. Mình phải vận dụng mạnh mẽ cơ sở lý thuyết mình sẵn có nhưng phải dựa trên thực tiễn, lý thuyết lồng vào thực tiễn để đánh giá”, thầy Bình chia sẻ thêm.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN luôn chú trọng tập trung đầu tư nguồn lực về con người, cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác giữa các trường cao đẳng, đại học trong và nước ngoài; phát triển liên kết với các sở, ban, ngành và các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp; phát triển đội ngũ nghiên cứu viên và các trung tâm nghiên cứu. Đây sẽ là cầu nối cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường, đồng thời là mục tiêu để xây dựng và phát triển Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN theo định hướng nghiên cứu, tạo môi trường học thuật tiên tiến, nuôi dưỡng và phát triển tài năng, giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội phục vụ sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng.

Trung tâm CNTT&TT