DHKT

PGS.TS. Huỳnh Thị Diệu Linh: “Nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước”

29/12/2023

TS. Huỳnh Thị Diệu Linh, Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế - Khoa Kinh doanh quốc tế đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư năm 2023 và vừa được Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế ký quyết định bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư tại trường. Tân PGS.TS. Huỳnh Thị Diệu Linh là niềm tự hào, là tấm gương khích lệ niềm đam mê nghiên cứu học thuật cho thế hệ giảng viên trẻ và sinh viên DUE.


Tân PGS.TS. Huỳnh Thị Diệu Linh đam mê nghiên cứu khoa học

Từ nỗ lực bản thân

Khi được công nhận và bổ nhiệm Phó giáo sư, mình rất xúc động và tự hào vì những nỗ lực của bản thân đã được công nhận bởi các thầy cô trong hội đồng giáo sư các cấp (đều đạt 100% phiếu tín nhiệm), cũng như các thầy cô và đồng nghiệp tại Nhà trường. “Được công nhận học hàm này đã khẳng định bản thân mình đi đúng hướng trong định hướng phát triển nghiên cứu”, PGS.TS. Diệu Linh vui vẻ cho biết.

Sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Kinh doanh Ngoại thương - Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN năm 2001, cô Linh được Nhà trường giữ lại làm giảng viên và bắt đầu tìm hiểu các nguồn học bổng để có thể học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Đến tháng 6/2007, cô tốt nghiệp Thạc sĩ thứ nhất ngành Kinh doanh quốc tế và tháng 12/2007 tốt nghiệp thạc sĩ thứ hai ngành Quản lý Khu vực công (cả hai bằng thạc sĩ đều tốt nghiệp tại The University of Queensland, Úc). Năm 2017, cô Linh tốt nghiệp tiến sĩ với luận án về Thương mại quốc tế tại The University of New England, Úc. Việc đạt được học bổng Phát triển của Chính phủ Úc (Australian Development Scholarship - ADS) hai lần để theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Úc đã góp phần rất lớn giúp cô Linh có được thành công như ngày hôm nay. Được học tập trong môi trường giáo dục tiên tiến đã giúp cô khám phá và tiếp cận với rất nhiều kiến thức và kỹ năng mới. Cô Linh tâm sự: “Đặc biệt, từ khi theo học tiến sĩ, mình đã hiểu rõ hơn về nghiên cứu mà trước đây khi học thạc sĩ mình vẫn còn thấy mông lung”.


Cô Linh cùng các bạn sinh viên trong một buổi ngoại khóa

Chia sẻ kinh nghiệm của mình về nghiên cứu khoa học, cô Linh cho hay: “Mình nghĩ nghiên cứu khoa học là một quá trình không có điểm cuối cùng nên việc khiêm tốn học hỏi từ những điều cơ bản nhất, biết lắng nghe các góp ý và cập nhật những thông tin, phương pháp trong lĩnh vực nghiên cứu sẽ giúp mình hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề cần nghiên cứu.”

Phải thừa nhận rằng, làm khoa học trải qua nhiều khó khăn vất vả nhưng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cô Linh quan niệm rằng “Mình làm khoa học không phải mục đích chính là để làm kinh tế. Nghiên cứu khoa học là cả một quá trình lâu dài và đôi lúc gặp khó khăn bế tắc là chuyện không tránh khỏi. Tuy nhiên, những lúc như thế, việc nhận được sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp lại là nguồn động viên có ý nghĩa to lớn giúp mình vượt qua thử thách trên hành trình nghiên cứu.

Đến bước ngoặc thành công

Nhìn lại chặng đường đã qua, quyết định theo học tiến sĩ tại Đại học New England, Úc là một trong những quyết định quan trọng nhất giúp cô Linh phát triển về  học thuật, “Trước đó mình cũng chưa thật sự hiểu nhiều về nghiên cứu. Nhưng khi được hai thầy hướng dẫn - đều là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thương mại quốc tế và phương pháp định lượng trong nghiên cứu đã hỗ trợ động viên giúp mình vượt qua thử thách từ những bước đầu chập chững nghiên cứu đến sự kiên trì với định hướng đã chọn và đi đến cuối cùng của chặng đường đó”, cô Linh tâm sự.

Cô Linh đăng ký Phó giáo sư ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế. Trong Kinh doanh quốc tế có 2 mảng lớn  là Thương mại quốc tế và Đầu tư trực tiếp nước ngoài thì cô Linh tập trung vào cả hai hướng nghiên cứu đó. Đối với các nghiên cứu về thương mại quốc tế, cô Linh quan tâm đến cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam cũng như các yếu tố liên quan đến xuất nhập khẩu như Hiệp định thương mại tự do, tỷ giá hối đoái, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, và thương mại quốc tế nội ngành hàng. Đối với các nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) , cô quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng đến việc các công ty đa quốc gia lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư, và vai trò của FDI đối với việc phân bổ lương, hiệu quả kỹ thuật và gia tăng năng suất các yếu tố tổng hợp tại các doanh nghiệp và các tỉnh/ thành của nước ta. Với mong muốn góp một phần nhỏ vào phát triển kinh tế đất nước, nên hầu hết tất cả các nghiên cứu của cô Linh (kể cả các công bố quốc tế) đều tập trung vào Việt Nam.


Công tác tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN được gần 25 năm - con số này phần nào thể hiện môi trường làm việc chất lượng của Nhà trường. Cô Linh khẳng định rằng, chất lượng dạy và học của Nhà trường ngày càng được nâng cao, tạo được sự uy tín với học viên, nhà tuyển dụng, xã hội và các bên liên quan. Trong quá trình làm việc tại Nhà trường, cô Linh đã nhận được rất nhiều sự động viên, ủng hộ và giúp đỡ của nhiều thế hệ thầy cô và bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ về chính sách trong định hướng và phát triển nghiên cứu. “Tại DUE mình có thể hiện thực hóa những ước mơ, hoài bão, đặc biệt là đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Mình tự tin về quyết định gắn bó với DUE trên chặng đường dài”, cô Linh cho biết thêm.

Trung tâm CNTT&TT