DHKT

Khoa Lý Luận Chính Trị _v2

Giới thiệu-Tổ chức

Thông tin-Thông báo

Đào tạo

Nghiên cứu khoa học

Hướng nghiệp - Việc làm

Sinh viên

Liên hệ

CHƯƠNG TRÌNH XUÂN YÊU THƯƠNG

Suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, để tồn tại và phát triển, nhân dân Việt Nam đã từng bước rèn luyện cho mình bản lĩnh kiên cường, bền bỉ vượt qua gian nan, thử thách. Quá trình đó đã tạo lập lối sống của người Việt Nam giàu lòng nhân ái, chan chứa tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Truyền thống quý báu đó đã được thể hiện qua kho tàng văn học dân gian Việt Nam như ca dao, tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”, “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, hay “Lá lành đùm lá rách”, v.v…  Có thể nói, tinh thần tình nguyện là một truyền thống quý báu của dân tộc và luôn thường trực trong mỗi con người Việt Nam ta. Điều này được biểu hiện rõ trong sự sẵn sàng giúp đỡ người khác mỗi khi họ gặp khó khăn của người Việt Nam.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, một phong trào mang tính tình nguyện toàn dân đã xuất hiện, phong trào “Chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”. Hầu hết các gia đình Việt Nam lúc đó đều có “hũ gạo tiết kiệm”, mỗi bữa ăn bớt một nắm gạo trong khẩu phần ít ỏi của mình để cứu giúp những người bị đói. Làng xóm nào cũng mở lớp bình dân học vụ. Ai biết chữ đều có thể trở thành giáo viên. Già trẻ gái trai đều đi học. Chỉ qua mấy tháng, hàng triệu người đã thoát nạn mù chữ. Các “Tuần lễ Vàng” đã rầm rộ diễn ra ở nhiều nơi. Hưởng ứng phong trào, có gia đình tư sản ở Hà Nội đã hiến 2000 lạng vàng vào quỹ “Kháng chiến kiến quốc”.

Từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, thực hiện chính sách mở cửa, phong trào tình nguyện đã phát triển sâu rộng cả về nội dung và hình thức đa dạng. Kết quả là phong trào ngày càng thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Nội dung phong trào được mở rộng ra mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và hướng trọng tâm vào những nhiệm vụ cấp bách, nóng bỏng như: trồng rừng bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế văn hóa vùng sâu, vùng xa, xóa nạn mù chữ, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em mồ côi, v.v..

Trên tinh thần nêu trên, để hưởng ứng Năm thanh niên tình nguyện 2014 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, Tạp chí Dân tộc và thời đại đã phối hợp cùng Liên chi Đoàn Khoa Lý luận Chính trị và Kinh tế chính trị đã phát động và tổ chức thành công chương trình tình nguyện “Xuân Yêu thương 2015” tại xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, Tỉnh Quảng Nam. 

Sáng ngày 24 – 1, tại khuôn viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, hơn 60 tình nguyện viên bao gồm Đại diện tạp chí, các giảng viên và sinh viên đã tham gia lễ ra quân chiến dịch tình nguyện. Với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay vì an sinh xã hội”, Chương trình “Tình nguyện mùa Đông năm 2014” và “Xuân tình nguyện 2015” diễn ra từ ngày 24/01/2015 đến ngày 25/01/2015 sẽ tập trung vào các nội dung: Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm lo Tết cho gia đình chính sách, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo, tham gia các hoạt động tại địa phương, tham quan và tìm hiểu về lịch sử kháng chiến của dân tộc qua Khu chứng tích Đồng Trại tại địa phương….

Đại diện tạp chí Dân tộc và thời đại tại miền Trung và Tây Nguyên - nhà báo Hồ Lan đã có đôi lời trao đổi cùng các tình nguyện viên và nhân dân địa phương: “….. lịch sử đã tôn vinh phong trào “3 sẵn sàng”, “5 xung phong” của thanh niên thời chiến tranh. Trong thời bình, xã hội ghi nhận phong trào thanh niên tình nguyện. Phong trào tình nguyện là niềm tự hào của thanh niên Việt Nam. Trên mỗi công việc, vị trí của mình, mỗi thanh niên nên có ít nhất một việc làm tình nguyện góp ích cho xã hội, đất nước”.

Trong quá trình phát động chương trình, Ban chủ nhiệm 2 khoa Lý luận chính trị và Kinh tế Chính trị đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao để chương trình đạt được kết quả cao nhất. PGS. TS, Nhà giáo ưu tú Lê Hữu Ái – Trưởng khoa Lý luận Chính trị chia sẻ: “Qua các phong trào tình nguyện và đặc biệt như chương trình này đã cho chúng ta thấy tinh thần tình nguyện, xung phong của sinh viên trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Dễ thấy nhất là trách nhiệm của sinh viên bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước luôn là giá trị sống mãi. Giá trị tình nguyện, xung kích là bản chất tốt đẹp sống mãi trong sinh viên Việt Nam”.

Cùng với đó là TS. Trần Ngọc Ánh – Trưởng khoa Kinh tế Chính trị cũng cho rằng: “Chương trình Xuân yêu thương được tổ chức với mục tiêu phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của sinh viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời là cơ hội tạo sự chuyển biến về chất lượng của tổ chức Đoàn hai khoa Lý luận Chính trị và Kinh tế Chính trị mở rộng đoàn kết, tập hợp sinh viên, là môi trường để sinh viên rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỹ năng; để mỗi người sinh viên nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.