DHKT

Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối - CODI 2018”: Phát huy thế mạnh thương mại địa phương

15/12/2018

Sáng 14/12/2018, tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, hội thảo quốc tế với chủ đề “Thương mại và phân phối” do Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum (UD-CK) phối hợp với Đại học Thương Mại (Hà Nội) và Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tổ chức đã chính thức diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều bài báo cáo chất lượng, có tính cấp thiết cùng với những thảo luận sôi nổi, đa chiều đến từ các đại biểu, chuyên gia tham dự chương trình.

Trong 5 năm trở lại đây, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy và đào tạo, UD-CK còn là đơn vị chủ trì cho nhiều hội thảo về kinh tế, xã hội, du học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… thu hút rất nhiều sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường ĐH, CĐ, các viện nghiên cứu lớn trong cả nước. Tiếp nối những thành công đó là tiền đề để UD-CK chủ trì hội thảo quốc tế về chủ đề “Thương mại và phân phối – CODI 2018” lần đầu tiên được tổ chức. Sự thành công của hội thảo lần này đã đánh dấu cột mốc mới của UD-CK trong công tác nghiên cứu và tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế.

Tham gia hội thảo, về phía Ban tổ chức có: PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan và PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng ĐH Thương mại; GS.TS. Lê Thế Giới, Nguyên Giám đốc ĐHĐN; PGS.TS.Trần Đình Khôi Nguyên, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế - ĐHĐN; GS.TS. Đoàn Thị Hồng Vân, Đại học Kinh tế TPHCM; PGS.TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum.

Về phía lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh Kon Tum có Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum; Ông Đoàn Trọng Đức – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum và các đại diện của UBND Thành phố Kon Tum,  huyện Ngọc Hồi, huyện Sa Thầy và huyện Konplong.

Về phía các đơn vị quốc tế có: TS. Isa Keryjaouen, Đại học Bretagne Sud; Bà Lorella PIGNET FALL, Đại học Jean Moulin Lyon, CH Pháp; Bà VERNA Jeanine, Đại học Jean Moulin Lyon, CH Pháp; Bà Marie Grard, Trung tâm văn hoá và văn minh Pháp - Campus France. Cùng với đó là sự quy tụ của các nhà khoa học đến từ hơn 20  trường đại học trong và ngoài nước, đại diện các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong địa bàn tỉnh Kon Tum.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Đặng Văn Mỹ nhấn mạnh Hội thảo CODI 2018 với các nội dung thảo luận chính như: thể chế, chính sách, mô hình kinh doanh thương mại; kênh phân phối với mạng lưới phân phối; thị trường với hành vi khách hàng; các loại hình dịch vụ logistics; Cách mạng công nghiệp 4.0;… sẽ là nơi trao đổi, là diễn đàn khoa học đáng tin cậy thúc đẩy thương mại phân phối tại Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Những ý kiến đóng góp đến từ các nhà khoa học là vô cùng quý giá và cần thiết trong chặng đường nghiên cứu, tìm ra giải pháp phát triển thương mại và phân phối phù hợp, phát huy được tối đa lợi thế riêng của một số địa phương có tiềm năng nổi trội, trong đó có Tây Nguyên. Đặc biệt, đối với Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, Hội thảo mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm và hướng nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại và phân phối. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đem đến cơ hội gặp gỡ các nhà khoa học trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý chính quyền và doanh nghiệp. Hy vọng rằng các đại biểu tham dự Hội thảo lần này cũng tìm thấy cho mình những ý tưởng hay, những bài học kinh nghiệm về những lĩnh vực, vấn đề quan tâm chung; các bạn trẻ sẽ được truyền thêm nhiệt huyết sáng tạo.

Đại diện BTC,  PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan mong muốn các nhà khoa học có thể xem đây là một cơ hội để trao đổi, thảo luận, chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân và các giải pháp để phát triển cho nền kinh tế nói chung, lĩnh vực thương mại nói riêng tại mỗi địa phương và mỗi doanh nghiệp. Đồng thời cũng cảm ơn sự hợp tác của Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum và Đại học Kinh tế -  Đại học Đà Nẵng đã rất thành công trong công tác chuẩn bị và mong muốn được tiếp tục hợp tác với hai trường trong các hội thảo tiếp theo.

Bám sát vào chủ đề chính do BTC đưa ra, chương trình hội thảo được chia làm 3 phiên với nhiều chủ đề về thương mại và phân phối như: Thị trường và hành vi của khách hàng trong thương mại và phân phối; Kênh phân phối và mạng lưới thương mại, logistic; Tác động của thể chế, chính sách, khung pháp lý và hội nhập kinh tế quốc tế đến sự phát triển ngành thương mại, phân phối tại Việt Nam; Các mô hình kinh doanh thương mại và phân phối.
Nổi bật là một số các báo cáo như: Phát triển ngành dịch vụ logistics trong thời đại 4.0; Nghiên cứu các mô hình kinh tế chia sẻ và gợi ý cho các doanh nghiệp Việt Nam; Phát triển dịch vụ bán buôn, bán lẻ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; Thực trạng và xu thế phát triển của hệ thống phân phối nông sản an toàn của Việt Nam hiện nay. Kinh nghiệm của Thái Lan và bài học cho Việt Nam; Tăng cường năng lực xuất khẩu: Nghiên cứu trường hợp đối với các nông sản chủ lực tại khu vực Tây Nguyên…. Đây là các đề tài, nghiên cứu do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ trường ĐH Bretagne Sud (Pháp), ĐH Kinh tế TPHCM; ĐH Thương Mại, ĐH FPT, Viện chiến lược phát triển; Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế Đà Nẵng… thực hiện.

Trong phần tham luận, nhiều đại biểu cũng đưa ra các ý kiến thảo luận, trao đổi rất sôi nổi.Trong đó, đa số các ý kiến đều chú trọng phân tích, nhận định các đến vấn đề nổi bật của hoạt động thương mại - phân phối tại Việt Nam như:
- Hệ thống thương mại và phân phối tại Việt Nam còn giản đơn, phổ biến là chợ. Các mô hình phân phối mới ra đời còn khó cạnh tranh do hành vi mua hàng người tiêu dùng còn chưa quen với hình thức mô hình mới.
- Hiện nay, nhiều người đổ xô vào kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook mà không tập trung phát triển thương hiệu cá nhân. Thương mại điện tử gặp khó khăn do công cụ thanh toán chưa phát triển, niềm tin của người tiêu dùng chưa cao, Nhà nước chưa đảm bảo được các vấn đề pháp lý, tính bảo mật trên các trang mạng bán hàng online.
- Mô hình kinh doanh mới thâm nhập mạnh vào Việt Nam như Starbucks, Highland Coffee… đe dọa các mô hình kinh doanh cũ, truyền thống của Việt Nam. 
- Các chính sách của Nhà nước trong thương mại và phân phối: Làm thế nào tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong vấn đề thương mại hóa thời kì hiện nay.
Tham dự hội thảo, các nhà khoa học và các lãnh đạo đến từ các sở ban ngành đã đánh giá rất cao quy mô tổ chức cũng như chất lượng của các bài báo cáo. Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga – Phó Giám đốc Sở Công thương Tỉnh Kon Tum chia sẻ: hiện nay, logistics tại tỉnh chưa phát triển; theo chủ trương năm 2019, UBND tỉnh sẽ xây dựng chiến lược, đường lối để phát triển lĩnh vực logistics tại địa bàn; hỗ trợ khâu sản xuất về máy móc, giao thương học hỏi, kết nối với các hệ thống phân phối tại địa phương và quốc tế để phát triển thương mại tại địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Mạnh Bảo – Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Kon Tum nhấn mạnh về lĩnh vực thanh toán quốc tế trong dịch vụ thương mại, nếu Việt Nam vẫn giữ nguyên phương thức thanh toán bằng tiền mặt thì không thể phát triển mạnh. Các báo cáo kinh tế hàng năm vẫn mang tầm vĩ mô, chưa có sự đề cập đến các vấn đề về xuất khẩu như cao su hay trái cây của Việt Nam bị tuột giá so với trước đây và chưa có giải pháp khắc phục.
Hội thảo cũng ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu đến từ tỉnh Kon Tum như: Ông Phạm Thanh – Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen; Bà Trần Thị Bích Tuyền, đại diện Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum; Ông Đoàn Trọng Đức – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kon Tum chia sẻ về các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương được sản xuất theo công nghệ cao, các sản phẩm quý về dược liệu được đánh giá tốt về chất lượng nhưng chưa được khai thác kinh doanh tốt vì có rất ít doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn công nghệ hay sản phẩm được cấp giấy chứng nhận, sản phẩm bị làm giả nhiều nên gặp khó khăn trong việc định giá thành cũng như xây dựng thương hiệu. Và qua đây các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn được các nhà khoa học đề xuất các giải pháp để thúc đẩy kinh doanh các mặt hàng của tỉnh Kon Tum nói riêng và nước Việt Nam nói chung. 
TS. Isa Keryjaouen, Université Bretagne Sud cho biết: tại Pháp, người tiêu dùng có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm với nhiều tiêu chí khác nhau. Vì vậy, Việt nam cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm hữu cơ và hướng về tự nhiên. Các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam tại Pháp chỉ có thể tìm tại các chợ, siêu thị Á Đông mà không thể tìm thấy tại các siêu thị của người Tây. Tại siêu thị Carrefour - hệ thống bán lẻ đứng thứ hai trên thế giới, có các gian hàng cho các sản phẩm châu Á nhưng vẫn không tìm thấy sản phẩm của Việt Nam. Và Bà đã đưa ra đề xuất: việc tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế như WTO sẽ đem lại những thuận lợi cho Việt Nam trong lĩnh vực thương mại và phân phối.

Tiếp nối ý kiến về đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm địa phương một số nhà khoa học như: ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Viện chiến lược phát triển – Bộ Đầu tư và ThS. Đỗ Cao Anh, Hali Farm (Huế) cho biết các doanh nghiệp sản xuất địa phương cần tham khảo chiến lược phát triển các sản phẩm tương tự tại các quốc gia đi trước để tiếp cận thị trường và thúc đẩy marketing; tập trung cho thị trường địa phương và làm tốt khâu sản xuất thì các yếu tố về chi phí, giá thành sẽ được giải quyết.
Bên cạnh 22 tham luận và ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp trong các phiên tọa đàm, hơn 100 bài nghiên cứu, bài báo hay, thực tế, chất lượng và có tính ứng dụng cao được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học gửi về đã được Ban tổ chức chọn đăng ở kỷ yếu và phát cho các đại biểu tham dự chương trình. Đây chính là tài liệu quan trọng giúp cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý, hoạch định chiến lược nắm bắt được các hoạt động thương mại – phân phối ở các phân khúc thị trường khác nhau, từ đó có thể ứng dụng và đưa ra được các giải pháp để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn trong quá trình hội nhập.

Các nhà khoa học DUE tại CODI 2018

Từ sự thành công của hội thảo quốc tế lần đầu tiên được tổ chức này, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược trong việc kết nối của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước và quốc tế. Theo dự kiến của Ban tổ chức, hội thảo lần thứ 2 sẽ tiếp tục được tổ chức vào năm 2019 với nhiều phiên cụ thể để đi sâu vào từng lĩnh vực thương mại và phân phối, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Tin từ Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum