DHKT

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Chương trình đại học ngành Quản trị nhân lực được thành lập năm 2009.  Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của một tổ chức là yếu tố con người. Sứ mệnh của Ngành quản trị nhân lực là tạo ra những người thắp sáng niềm tin, tập hợp và gắn kết các thành viên để tạo ra sức mạnh cho tổ chức. Mỗi đơn vị, mỗi tổ chức, doanh nghiệp khi phát triển đến qui mô đủ lớn đều cần hình thành bộ phận quản trị nguồn nhân lực hay còn được gọi là bộ phận tổ chức cán bộ độc lập, hoạt động bài bản và chuyên nghiệp.

Ngành quản trị nhân lực tự hào đã cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản với kiến thức cập nhật, kỹ năng cao, có tình thần trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp, tổ chức. Sinh viên ngành nhân lực ra trường được doanh nghiệp, tổ chức đón nhận và đánh giá cao.

 Hiện nay, theo thống kê của thị trường lao động thì nghề nhân sự đang là một trong những nghề được tuyển dụng nhiều nhất và có mức lương hấp dẫn nhất. Theo dự báo đây cũng là ngành có xác suất thay thế bởi máy móc chỉ là 0,55% khi nền kinh tế chuyển sang kinh tế số.

MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

Cử nhân chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực nắm vững kiến thức chung về quản trị nguồn nhân lực, thấu hiểu con người và tổ chức, có khả năng phát hiện các vấn đề của nguồn nhân lực trong tổ chức và có khả năng thiết kế và triển khai thực hiện các chức năng quản trị nguồn nhân lực là đảm bảo, duy trì và phát triển nguồn nhân lực một cách độc lập, có hiệu quả góp phần thực thi chiến lược và tạo lợi thế cạnh tranh thông qua nguồn nhân lực cho tổ chức; Có phẩm chất tốt, có ý thức tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; Thấu hiểu con người và có kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và đàm phán hiệu quả nhằm thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và khả năng cần thiết cho mục tiêu học tập suốt đời.

Thông qua các hoạt động ngoại khoá sinh viên sẽ được củng cố, phát triển các kỹ năng nền tảng và hình thành kỹ năng của người làm nghề quản trị nguồn nhân lực.

CHUẨN ĐẦU RA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (PLOs)

Sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Quản trị nguồn nhân lực có khả năng:

TT

Mã CĐR

Nội dung chuẩn đầu ra

1

PLO 1

Am hiểu tổ chức, áp dụng được các kiến thức nền tảng về kinh tế, quản lý và pháp luật trong quản trị nguồn nhân lực

2

PLO 2

Nhận diện được các hoạt động chức năng của Quản trị nguồn nhân lực trong bối cảnh hoạt động của một tổ chức

3

PLO 3

Phân tích được sự tích hợp của các chức năng quản trị nguồn nhân lực với chiến lược và lợi thế cạnh tranh của tổ chức.

4

PLO 4

Thiết kế các chính sách, kế hoạch nguồn nhân lực cho tổ chức, xây dựng các chương trình đào tạo huấn luyện kỹ năng, chuyên môn phù hợp với chiến lược phát triển và định hướng cạnh tranh của tổ chức

5

PLO 5

Thấu hiểu con người, tư duy phản biện tốt, hợp tác nhóm hiệu quả.

6

PLO 6

Giao tiếp, đàm phán tự tin, thuyết trình mạch lạc, biết lắng nghe, sẵn sàng chấp nhận phản hồi từ người khác.

7

PLO 7

Kỹ năng ngoại ngữ đạt bậc 3 theo chuẩn quốc gia

8

PLO 8

Kỹ năng công nghệ thông tin đạt mức nâng cao theo chuẩn quốc gia và sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong quản trị nguồn nhân lực

9

PLO 9

Tuân thủ các chuẩn mực về đạo đức và thực thi trách nhiệm xã hội trong quản trị nguồn nhân lực.

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Sinh viên ngành Quản trị nhân lực ra trường có thể làm tại Bộ phận Hành chính, Nhân sự, Tổ chức, Văn phòng của các doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn kinh tế, công ty nước ngoài, Các trung tâm hỗ trợ việc làm; trung tâm phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng, Trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu.

Ngay sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm công việc chuyên viên Quản trị nguồn nhân lực, dự án nhân sự, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá thành tích, tiền lương, bảo hiểm xã hội, quan hệ lao động.

Sau 3-5 năm có thể thăng tiến vào vị trí phó phòng nhân sự, trưởng bộ phận C&B, trưởng bộ phận đào tạo, trưởng phòng nhân sự.

Sau 7-10 năm có thể đảm nhiệm vị trí giám đốc vùng, giám đốc nguồn nhân lực.

TIÊU CHÍ TUYỂN SINH, QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO, ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP

§     Đối tượng tuyển sinh:

Theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Đề án tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Kinh tế.

§      Quá trình đào tạo

Quá trình đào tạo tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Kinh tế. Chương trình giảng dạy được xây dựng trên hệ thống đơn vị tín chỉ cho phép sinh viên linh hoạt trong kế hoạch học tập cá nhân. Thiết kế chương trình là 4 năm, tuỳ theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa lên đến 6 năm.

Chương trình đào tạo gồm 134 tín chỉ (không bao gồm các tín chỉ của học phần giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng. Mỗi năm học có hai học kỳ chính (bắt đầu từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 6) và một học kỳ hè (bắt đầu từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8). Theo lộ trình đào tạo, sinh viên sẽ học các học phần thuộc khối kiến thức đại cương (46 tín chỉ) trong 3 kì học đầu tiên; các học phần thuộc khối kiến thức khối ngành (30 tín chỉ) trong năm học thứ 2, đầu năm thứ 3; cuối cùng, các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành sẽ được học vào cuối năm thứ 2 trở đi. Sau đó, sinh viên sẽ đi thực tập kì học cuối cùng của chương trình và lựa chọn 1 trong 2 hình thức: Báo cáo thực tập tốt nghiệp và học bổ sung ít nhất 6 tín chỉ được chọn từ các học phần tự chọn hoặc Báo cáo khóa luận tốt nghiệp (với điều kiện sinh viên phải học học phần “Phương pháp nghiên cứu khoa học", có điểm trung bình chung tích lũy lớn hơn mức quy định của Trường và được Khoa chuyên ngành đồng ý cho làm khóa luận tốt nghiệp). 

§     Điều kiện tốt nghiệp

Sinh viên được Nhà trường xét và công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

- Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỉ luật ở mức đình chỉ học tập.

- Tích luỹ đủ số học phần và khối lượng chương trình đào tạo.

- Điểm trung bình chung tích luỹ của toàn khoá học đạt từ 2.00 trở lên.

- Thoả mãn một số yêu cầu về kết quả học tập đối với nhóm học phần thuộc ngành đào tạo chính và các điều kiện khác do hiệu trưởng qui định.

- Có chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh và hoàn thành học phần giáo dục thể chất.

- Có chứng chỉ ngoại ngữ (TOIEC 450 hoặc tương đương).

- Có chứng chỉ tin học (Tin học nâng cao hoặc tương đương).

- Có đơn gửi Phòng đào tạo đề nghị được xét tốt nghiệp trong trường hợp đủ điều kiện tốt nghiệp sớm hoặc muộn so với thời gian thiết kế của khoá học.

Điều kiện tốt nghiệp có thể được cập nhật theo Quy chế đào tạo hiện hành.

CHIẾN LƯỢC GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP

§     Chiến lược giảng dạy trực tiếp

Đối với chiến lược giảng dạy trực tiếp, thông tin được truyền đạt đến sinh viên theo cách trực tiếp: giáo viên giảng bài và sinh viên lắng nghe. Chiến lược này thường được áp dụng trong các lớp học truyền thống và đặc biệt hiệu quả khi giảng viên muốn truyền đạt cho sinh viên những kiến thức cơ bản hoặc giải thích một kĩ năng mới.

Chiến lược giảng dạy trực tiếp được áp dụng đối với chương trình Quản trị nguồn nhân lực bao gồm: Giải thích cụ thể, thuyết giảng và diễn giả (được mời).

- Giải thích cụ thể - Explicit Teaching (TLM1): với phương pháp này, giảng viên sẽ hướng dẫn và giải thích các khía cạnh của nội dung bài học, giúp sinh viên đạt được các kiến thức và kĩ năng.

- Thuyết giảng- Lecture (TLM2): Giảng viên trình bày và giải thích nội dung bài giảng. Người dạy sẽ trình bày các chi tiết của bài giảng và sinh viên có trách nhiệm nghe và ghi lại các điều cần thiết để đạt được kiến thức.

- Tham luận - Guest lecture (TLM3): Với phương pháp này, sinh viên được tham gia cùng với người trình bày, diễn giả không phải là giảng viên. Họ là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, hoặc các tổ chức quốc tế tổ chức xã hội liên quan đến các hoạt động quản trị nguồn nhân lực, hoặc các phòng ban quản trị nguồn nhân lực của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế của Việt, hoặc các nghiên cứu viên kinh nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và các cơ sở nghiên cứu. Phương pháp này được sử dụng cho các học phần của chuyên ngành và được thực hiện gắn với hoạt động ngoại khóa của chương trình đào tạo.

§     Chiến lược kỹ năng suy nghĩ

Chiến lược kĩ năng suy nghĩ phát triển tư duy phản biện, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng phân tích và thực hành kĩ năng phản xạ trong phương pháp học tập của sinh viên. Những chiến lược này được thiết kế để thúc đẩy tư duy và học tập sáng tạo, độc lập; bao gồm: giải quyết vấn đề, động não và nghiên cứu trường hợp cụ thể.

- Giải quyết vấn đề - Problem Solving (TLM4): Trong quá trình học, sinh viên phải dùng tư duy sâu và logic để nhìn nhận và giải quyết các vướng mắc giữa tình hình hiện tại và mục tiêu mong muốn, qua đó, học được các kiến thức mới trong khi đối mặt và giải quyết vấn đề.

- Tập kích não - Brainstorming (TLM5): Trong quá trình làm việc nhóm, sinh viên được yêu cầu sử dụng phương pháp này để tạo ra các câu hỏi, ý tưởng và ví dụ; được dùng để minh họa, mở rộng và đào sâu vào ý tưởng chính hoặc chủ đề. Mỗi thành viên của nhóm được khuyến khích đóng góp ý kiến mà không cần quan tâm tới tính khả thi. Phương pháp này tạo nên sự linh hoạt suy nghĩ của sinh viên và giúp tăng khả năng tìm kiếm và mở rộng vấn đề. Nó được dùng trong các học phần nhằm phát triển cách suy nghĩ sáng tạo, tìm kiếm ý tưởng và phương pháp giải quyết vấn đề.

- Học theo tình huống- Case Study (TLM6): Đây là một phương pháp dạy lấy tâm điểm là sinh viên, giúp sinh viên tạo ra lối tư duy sâu để trao đổi với giảng viên, sinh viên khác. Với phương pháp này, giảng viên sẽ đưa ra các nhiệm vụ và các mốc thời gian tùy theo từng tình huống, vấn đề và thách thức gặp phải. Việc yêu cầu sinh viên xác định và phân tích vấn đề sẽ giúp sinh viên hình thành kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng ra quyết định và kĩ năng học tập.

§     Chiến lược dựa trên hoạt động

Chiến lược này khuyến khích sinh viên học tập thông qua các hoạt động thực tế. Những hoạt động này cũng cấp cho sinh viên cơ hội trải nghiệm thực tế, điều này sẽ thúc đẩy người học thực hiện các khám phá, đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề và tự mình tương tác với người khác.

- Đóng vai - Role play (TLM7): Phương pháp mà sinh viên giả định các vai diễn khác nhau trong một tình huống và tương tác (diễn) với người khác.

- Trò chơi - Game (TLM8): Các trò chơi được xem như là hoạt động tương tác, có thể tạo ra sự hỗ trợ qua lại giữa giảng viên – sinh viên hoặc các thành viên trong lớp, giúp hệ thống hóa kiến thức đồng thời tăng cường sự tự tin của sinh viên. Trò chơi có thể được giảng viên đưa ra để mở đầu hoặc kết thúc bài học. Trò chơi cũng có thể được nhóm sinh viên đưa ra từ sự khuyến khích của giảng viên trong quá trình làm việc nhóm để mở đầu hoặc kết thúc bài thuyết trình của nhóm.

- Đi thực tế - Field Trip (TLM9): Sinh viên được tham quan, khảo sát tại một số doanh nghiệp để tìm hiểu về thực tế quản trị nguồn nhân lực, có cơ hội khám phá và học hỏi chuyên môn trong công việc, xây dựng các kĩ năng nơi làm việc, dần hoàn thiện các kỹ năng cần thiết cho quá trình làm việc về sau. Phương pháp này được sử dụng cho một nhóm các học phần của chuyên ngành và được thực hiện gắn với hoạt động ngoại khóa của chương trình đào tạo.

- Tranh luận - Debates (TLM10): Đây là chiến lược mà giảng viên đưa ra một vấn đề liên quan tới bài học và sinh viên, với những ý kiến khác nhau, cố thuyết phục người khác đồng ý với quan điểm của mình. Qua tranh luận, sinh viên đạt được những kĩ năng hữu ích như tư duy phản biện, đàm phán, ra quyết định, và nói trước đám đông.

§     Chiến lược hợp tác

Chiến lược hợp tác giúp sinh viên trở nên năng động, có trách nhiệm và chu đáo, nhờ vào sự tương tác tích cực và hợp tác trong nhóm. Bên cạnh đó, sinh viên có thể thực hành các kĩ năng lắng nghe, tôn trọng và xem xét các mặt của một vấn đề. Chiến lược này tập trung vào các làm cho sinh viên tương tác với nhau và sau đó áp dụng các kỹ năng này vào thực tế.

- Thảo luận – Discussion (TLM11): Một chiến lược mà sinh viên được chia thành các nhóm và đưa ý kiến về vấn đề giảng viên đã đưa ra từ trước. Chiến lược này giúp cho sinh viên phân tích các định nghĩa, ý tưởng, dữ liệu về chủ đề và bàn luận với thầy/cô, qua đó có thể liên kết các ý tưởng và làm rõ vấn đề.

- Học nhóm - Teamwork Learning (TLM12): Sinh viên được chia thành những nhóm nhỏ để giải quyết vấn đề được cho, và trình bày kết quả bằng báo cáo hoặc thuyết trình. Trong chương trình học, sinh viên được cung cấp kiến thức căn bản và kĩ năng làm việc nhóm từ năm nhất. Tiếp đó, họ sẽ luyện tập phương pháp này trong những học phần ở các cấp độ khác nhau.

- Câu hỏi gợi mở - Inquiry (TLM13): Giảng viên sử dụng các câu hỏi hoặc vấn đề mở và hướng dẫn sinh viên/nhóm sinh viên trả lời từng bước một.

§     Chiến lược học tập độc lập

- Dự án nghiên cứu - Research Project (TLM14): Phương pháp này cho sinh viên khả năng lập kế hoạch, tổ chức, khám phá và giao tiếp về một chủ đề một cách độc lập và còn hơn cả thế, dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên trong Bộ môn. Nó cũng tăng cường động lực học tập và tính chủ động học tập vì sinh viên được quyền lựa chọn điều gì mà họ muốn trình bày. Khoa và DUE có thư viện với lượng sách dồi dào và cập nhật là tài nguyên hỗ trợ hữu ích cho việc tự học của sinh viên.

- Học trực tuyến (TLM15): Giảng viên và sinh viên dùng các công cụ trực tuyến hỗ trợ quá trình dạy và học.

- Bài tập - Work Assigment (TLM16): Sinh viên được yêu cầu phải hoàn thành các bài tập của giảng viên tại nhà. Qua quá trình này, sinh viên sẽ học được cách tự học, cũng như đạt được các kiến thức và kĩ năng.

PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

Đánh giá là quá trình ghi lại, lưu trữ và cung cấp thông tin về quá trình học tập của sinh viên. Việc đánh giá đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, chính xác, khách quan, thường xuyên và liên tục. Các phương pháp đánh giá được nêu rõ trong chương trình đào tạo này gắn với đề cương chi tiết từng học phần cấu thành nên chương trình đào tạo. Yêu cầu và tiêu chí của từng phương pháp đánh giá của từng học phần được các giảng viên phụ trách học phần đó thiết kế chi tiết và thông báo cho sinh viên vào buổi học đầu tiên.

Sau đây là những phương pháp đánh giá được áp dụng trong chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực:

▪         Đánh giá chuyên cần -  Attendance Check (AM1)

Cùng với tự học, việc có mặt thường xuyên của sinh viên và những đóng góp từ sinh viên trong suốt môn học cũng thể hiện thái độ của họ tới môn học đó.

▪         Đánh giá bài tập - Work Assigment (AM2)

Sinh viên được yêu cầu làm bài tập liên quan đến bài học trong và sau giờ lên lớp. Những bài tập này có thể được hoàn thành bởi cá nhân hoặc nhóm và được cho điểm dựa theo những tiêu chí đã thông báo từ trước.

▪         Thuyết trình - Oral Presentation (AM3)

Sinh viên được yêu cầu thực hiện một số nội dung liên quan tới hoạt động thuyết trình trong giờ học hoặc sau giờ lên lớp. Các hoạt động này được thực hiện bởi cá nhân hoặc nhóm và được đánh giá theo các tiêu chí cụ thể (rubrics).

▪         Đánh giá hoạt động - Performance test (AM4)

Sinh viên được yêu cầu thực hiện một số thao tác cụ thể, kỹ thuật theo yêu cầu về kiến thức và kĩ năng của môn học.

▪         Nhật kí thực tập - Journal and blogs (AM5)

Sinh viên viết nhật kí thực tập trong suốt quá trình thực hành để phản ánh hiệu suất và kinh nghiệm trong trải nghiệm học tập. Đây là phương pháp chính để đánh giá sinh viên trong khoá thực tập.

▪         Thi viết tự luận - Essay (AM6)

Theo phương pháp đánh giá này, sinh viên được yêu cầu trả lời một số câu hỏi, bài tập hoặc ý kiến cá nhân về các câu hỏi liên quan đến các yêu cầu tiêu chuẩn của khoá học.

▪         Kiểm tra trắc nghiệm - Multiple choice exam (AM7)

Phương pháp đánh giá này tương tự như phương pháp kiểm tra viết, tuy nhiên điểm khác biệt là sinh viên được yêu cầu trả lời các câu hỏi dựa trên đáp án được thiết kế sẵn.

▪         Bảo vệ và thi vấn đáp - Oral Exam (AM8)

Sinh viên được đánh giá thông qua các cuộc phỏng vấn, câu hỏi và câu trả lời trực tiếp. Phương pháp này được sử dụng trong một số học phần để đánh giá năng lực tổng thể của sinh viên bao gồm kiến thức và kỹ năng thuyết trình. Tất cả các học phần áp dụng kiểm tra vấn đáp đều có tiêu chuẩn đánh giá (rubrics) và được công bố.

▪         Viết báo cáo - Written Report (AM9)

Sinh viên được đánh giá thông qua các báo cáo, bao gồm nội dung được trình bày trong báo cáo, cách trình bày, hình vẽ/ hình ảnh trong báo cáo.

▪         Thuyết trình cá nhân - Oral Presentation (AM10)

Phương pháp đánh giá này rất giống với phương pháp thuyết trình song là đánh giá tổng kết (summative), được thực hiện định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ hoặc sau khoá học).

▪         Đánh giá làm việc nhóm - Teamwork (AM11)

Đánh giá công việc nhóm được sử dụng khi thực hiện các hoạt động giảng dạy nhóm và được sử dụng để đánh giá kĩ năng làm việc nhóm của sinh viên. Phiếu đánh giá nhóm và tiêu chí đánh giá được công bố rõ.

▪         Báo cáo khoá luận - Graduation Thesis/ Report (AM12)

Trong phương pháp này, sinh viên được đánh giá thông qua bài báo cáo trước Hội đồng đánh giá được nhà trường ra quyết định thành lập trên cơ sở đề xuất của Khoa. Sinh viên thuyết trình báo cáo khóa luận của mình trước Hội đồng, giáo viên phản biện và các thành viên Hội đồng nhận xét và nêu ra các câu hỏi. Sinh viên trả lời trực tiếp câu hỏi tại buổi bảo vệ khóa luận. Phương pháp này được sử dụng trong kỳ thực tập để đánh giá năng lực tổng thể của sinh viên bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với những bạn đủ điều kiện bảo vệ khóa luận theo qui định. Hội đồng đánh giá sẽ cho điểm theo Rubric được cung cấp bởi Khoa/Bộ môn. Điểm đánh giá khóa luận tốt nghiệp là điểm trung bình của các thành viên Hội đồng, được Hội đồng quyết định.