DHKT

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA VỀ QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH LẦN THỨ VI (COMB 2017)

Báo cáo đề dẫn COMB 2017

“NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP”

 

Kính thưa quý vị đại biểu tham dự hội thảo!

Thay mặt cho Ban Tổ chức hội thảo, chúng tôi nhiệt liệt chào đón Quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp tham dự Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia về Quản trị và Kinh doanh 2017 (COMB 2017).

Kính thưa quý vị!

Trong những năm gần đây cùng với sự nỗ lực của một Chính phủ kiến tạo, môi trường kinh doanh và cơ chế quản lý kinh tế của Việt Nam không ngường được cải thiện theo hướng tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, giải phóng mọi rào cản nhằm mục đích huy động tốt hơn nguồn lực của đất nước vào phát triển, xem trọng kinh tế tư nhân và coi đây là động lực mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhờ những nỗ lực cải cách này, trong năm 2016 lần đầu tiên số lượng đăng ký doanh nghiệp đăng ký đã đạt con số trên 100 nghìn doanh nghiệp. Một điểm đáng khích lệ nữa là số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2016 đã giảm tới 9,5% so với năm 2015, chấm dứt một giai đoạn số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.

Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp chưa cao, năng lực cạnh tranh còn yếu. , khả năng hội nhập của doanh nghiệp rất thấp. Có nhiều nguyên nhân giải thích vấn đề này, trong đó năng lực quản trị doanh nghiệp yếu kém là một nguyên nhân cơ bản.

Mặc dù có sự phát triển mạnh về số lượng, nhưng nhìn chung năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp, trong đó sự yếu kém về năng lực quản trị doanh nghiệp là nguyên nhân cơ bản. Công tác nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp chưa được các doanh nghiệp chú trọng. Điều này, đồng nghĩa với các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động và phát triển đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập một cách mạnh mẻ và cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Không chỉ tại miền Trung, trong các nước thuộc ASEAN có mức phát triển khá thì Việt Nam vẫn bị đánh giá là nước có hệ thống quản trị doanh nghiệp yếu kém nhất.

Các doanh nghiệp Việt Nam phần đông vẫn thực hành quản trị theo kiểu thuận tiện, thiếu vắng các yếu tố quản trị công ty; việc sử dụng các công cụ quản trị kinh doanh hiện đại trong các lĩnh vực quản trị chiến lược, quản trị marketing, quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực… vẫn còn rất xa lạ và khá mơ hồ. Năng lực quản trị hạn chế là nguyên nhân cơ bản nhất làm cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó hội nhập, năng lực cạnh tranh thấp. Trong khoảng 15 năm qua, quy mô bình quân của các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng nhỏ dần, tình trạng các doanh nghiệp rất chậm lớn, đông về số lượng nhưng rất hạn chế về chất lượng đang là tình trạng phổ biến. Việc nâng cao năng lực quản trị được xem là giải pháp hữu hiệu để hiện đại hóa doanh nghiệp của chúng ta hiện nay.

Kính thưa quý vị! Năng lực quản trị doanh nghiệp hạn chế, đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với một tốc độ cao, toàn diện và sâu rộng khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống đang làm cho vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực quản trị lại trở nên bức bách hơn. Với những nội dung chính: phát triển công nghiệp số hóa, tự động hóa, internet kết nối vạn vật (IoT), big data, trí tuệ nhân tạo…cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội lớn và mới đối với doanh nghiệp: giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý; ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ mới trong quản trị điều hành, hoạch định chiến lược, tăng năng suất lao động; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác; tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số…); tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái điện tử… Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng góp phần cung cấp sản phẩm dịch vụ qua biên giới dễ dàng với chi phí thấp

Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp như đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, mô hình tổ chức, mô thức quản trị, văn hóa kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực lãnh đạo và quản trị các cấp...

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản cuộc sống, thói quen của con người, nó có thể làm thay đổi cấu trúc ngành nghề trên thế giới, thay đổi cuộc sống loài người. Đòi hỏi sự thay đổi năng lực quản trị để thích ứng từ các doanh nghiệp là xu hướng không thể đảo ngược.

Trong bối cảnh mới, lợi thế được xem là lớn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam là cả thế giới đều bước vào cuộc Cách mạng 4.0 ở cùng một vạch xuất phát. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chân, đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng 4.0 thì rất có thể, sau cuộc cách mạng, vị thế của nước Việt Nam, của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế sẽ khác hẳn. Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi toàn diện cách thức quản trị của mình.

Trong bối cảnh đó, và nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn, tạo diễn đàn cho các học giả, các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam thảo luận về việc đánh giá và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, tiếp nối sự thành công và hiệu ứng tích cực từ các hội thảo COMB từ 2012 đến nay, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường Đại học Nha Trang tổ chức Hội thảo Khoa học và Quản trị và Kinh doanh lần thứ 6 (COMB 2017) với chủ đề  Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Hội thảo cũng nằm trong khuôn khổ chuỗi các chương trình chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập của Khoa Kinh tế - Trường Đại học Nha trang, 25 năm ngày thành lập của Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đạin học Kinh tế Đại học Đà Nẵng.

Hội thảo của chúng ta sẽ tập trung thảo luận các vấn đề cơ bản sau:

- Ảnh hưởng của toàn cầu hóa, của cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động quản trị, sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực quản trị các lĩnh vực chức năng: quản trị chiến lược, quản trị sản xuất, tài chính, marketing, nhân lực... cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

- Văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu.

- Đổi mới, sáng tạo, tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp.

Cho đến thời điểm nay, Ban tổ chức đã nhận được gần 150 bài viết tham gia, trong số đó có 101 bài được Ban biên tập đánh giá và lựa chọn đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học.

Ban Tổ chức xin chân thành cám ơn sự tham gia nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cho sự phát triển của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam.

Ban tổ chức xin gửi đến tất cả quý vị đại biểu tham dự, những người tham gia viết bài cho hội thảo lời cám ơn chân thành nhất. Ban tổ chức cũng xin trân trọng cám ơn các nhà tài trợ, các cơ quan thông tấn báo chí đã đến dự và đưa tin về Hội thảo.

Kính chúc các đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cám ơn.

 

TM Ban tổ chức Hội thảo

GS.TS Nguyễn Trường Sơn