DHKT

Tọa đàm “Kinh nghiệm công bố quốc tế và phát triển Nhóm nghiên cứu”: Chia sẻ kinh nghiệm trong việc kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu

31/12/2023

Sáng ngày 29/12, tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN đã diễn ra Tọa đàm “Kinh nghiệm công bố quốc tế và phát triển nhóm nghiên cứu khoa học”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu đến từ 11 trường thuộc khối thi đua các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.


Tọa đàm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, giảng viên và sinh viên của các trường trong Khối Thi đua đồng thời thúc đẩy giao lưu, trao đổi gắn kết giữa các trường trong Khối, phát huy thế mạnh của từng trường, chia sẻ kinh nghiệm trong việc kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hay, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cộng đồng.


TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh phát biểu khai mạc

Phát biểu tại buổi khai mạc, TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN - Khối trưởng Khối thi đua các trường đại học tại TP. Đà Nẵng cho biết: Tọa đàm này được tổ chức với mục đích chia sẻ những kinh nghiệm, thông tin hữu ích từ các quý thầy giáo, cô giáo, nhất là quý thầy cô đã thành công trong việc công bố quốc tế uy tín, đã chủ nhiệm các đề tài cấp quốc gia và tham gia phát triển thành công nhóm nghiên cứu khoa học. Đây cũng là cơ hội để các lãnh đạo, quý thầy cô phụ trách mảng công tác nghiên cứu khoa học của các trường trong Khối trao đổi, chia sẻ các chính sách, cách làm hay trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học phù hợp với đặc thù và quy định hiện nay.


PGS.TS. Đặng Tùng Lâm chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế uy tín và viết đề xuất tài trợ nghiên cứu

Bài tham luận đầu tiên tập trung vào một chủ đề quan trọng và đầy thách thức - “Kinh nghiệm công bố quốc tế uy tín và viết đề xuất tài trợ nghiên cứu” do PGS.TS. Đặng Tùng Lâm, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN trình bày. PGS.TS. Đặng Tùng Lâm là nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong công bố quốc tế uy tín với nhiều kết quả nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí Top 1% của thế giới và là thành viên của Hội đồng khoa học ngành Kinh tế học của Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ quốc gia (Nafosted). Tại tham luận này, PGS.TS. Đặng Tùng Lâm cũng chia sẻ thêm về những bài học từ những khó khăn mà mình đã trải qua cũng như những ý tưởng hay, cách viết bản thảo bài báo… Ngoài ra, diễn giả cũng trình bày về việc viết đề xuất tài trợ nghiên cứu là một kỹ năng không thể phủ nhận trong hành trình nghiên cứu. Đề xuất tài trợ không chỉ là cơ hội để tìm kiếm nguồn lực cần thiết mà còn là dịp để trình bày ý tưởng nghiên cứu một cách thuyết phục, làm tăng khả năng thành công của dự án và mở ra những cánh cửa mới.


TS. Hồ Thanh Tâm chia sẻ một số kinh nghiệm để công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế uy tín

Tham luận thứ hai với chủ đề “Chia sẻ một số kinh nghiệm để công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế uy tín” do TS. Hồ Thanh Tâm, Viện Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu, Bộ môn Công nghệ Sinh học, Đại học Duy Tân trình bày. TS. Hồ Thanh Tâm là nhà khoa học trẻ có nhiều kinh nghiệm trong công bố quốc tế uy tín với nhiều kết quả nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế thuộc phân loại xếp hạng giá trị khoa học cao SCI/SCIE, Q1. TS Hồ Thanh Tâm đã giành được nhiều giải thưởng cho báo cáo xuất sắc tại các hội thảo quốc tế và là một trong số 10 gương mặt xuất sắc nhận giải “Quả cầu vàng” năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Các tạp chí quốc tế uy tín không chỉ là nơi công bố mà còn là đánh giá và kiểm chứng độ tin cậy của nghiên cứu. Điều này đặt ra một loạt các thách thức và yêu cầu kỹ năng đặc biệt từ người nghiên cứu. Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, việc hiểu rõ cách thức hoạt động của các tạp chí, quy trình đánh giá và yêu cầu chất lượng là quan trọng để đảm bảo sự thành công trong việc đưa công trình nghiên cứu lên các diễn đàn quốc tế.


TS. Phan Hoàng Nam chia sẻ Kinh nghiệm xây dựng và phát triển Nhóm nghiên cứu

Bài thuyết trình cuối cùng của Tọa đàm có chủ đề “Kinh nghiệm xây dựng và phát triển Nhóm nghiên cứu” do TS. Phan Hoàng Nam, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Cầu đường, nhóm nghiên cứu I-STAR, Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN trình bày. TS. Phan Hoàng Nam cũng là một nhà khoa học trẻ có nhiều kinh nghiệm trong công bố quốc tế uy tín với nhiều kết quả nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế thuộc phân loại xếp hạng giá trị khoa học cao SCI/SCIE, Q1. TS. Phan Hoàng Nam đã giành được nhiều giải thưởng cho báo cáo xuất sắc tại các hội thảo quốc tế. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu I-STAR của TS. Phan Hoàng Nam cũng đã giành nhiều giải thưởng khoa học quan trọng và nhận được tài trợ, ươm mầm từ nhiều quỹ nghiên cứu khác nhau.

Phần trình bày của TS. Phan Hoàng Nam đã giúp các đại biểu có cái nhìn sâu vào các khía cạnh quan trọng của quá trình xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu. Những chia sẻ về cách tạo ra một môi trường làm việc tích cực, cách phát triển kỹ năng cá nhân và tập trung vào mục tiêu chung là nguồn động viên quý báu cho những người đang hoặc sẽ tham gia vào các nhóm nghiên cứu.


Ban điều hành trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm

Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN rất vinh dự được đăng cai tổ chức tọa đàm lần đầu tiên với sự tham gia của các thầy giáo, cô giáo đến từ 11 trường thuộc khối thi đua với chủ đề “Kinh nghiệm công bố quốc tế và phát triển nhóm nghiên cứu khoa học”. Với 3 nhiệm vụ chính là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng thì đây là một trong những chủ đề được các cơ sở giáo dục đại học và các quý thầy giáo, cô giáo quan tâm. Đặc biệt, với sự thay đổi mạnh mẽ trong thế giới nghiên cứu với những yêu cầu ngày càng cao hơn và khắt khe hơn trong chuẩn công bố khoa học, không chỉ vừa phải cung cấp những tri thức mới, những khám phá mới, mà còn đòi hỏi tính liêm chính cao hơn và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển cộng đồng. Những yêu cầu này đòi hỏi để có những công bố được chấp nhận, nhất là trong các tạp chí, nhà xuất bản có uy tín, được chấp nhận giao các đề tài nghiên cứu khoa học, quý thầy giáo, cô giáo không chỉ liên tục cập nhật, nghiên cứu kiến thức chuyên môn mà cũng cần có những kỹ năng, nghệ thuật và thông tin cần thiết trong việc gửi các công trình nghiên cứu để được công bố và chấp nhận. Đối với cơ sở giáo dục, lãnh đạo các trường phải có những chính sách quyết tâm trong việc hỗ trợ giảng viên công bố quốc tế, xây dựng các nhóm nghiên cứu, tiến tới phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh gồm những cá nhân xuất sắc, đầu đàn, làm hạt nhân cho cả nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng; từ đó nâng cao xếp hạng và học hiệu của mỗi cơ sở giáo dục.



Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về xây dựng phát triển Nhóm nghiên cứu

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trung tâm CNTT&TT