DHKT

Báo Tiền Phong: Sinh viên 'khoác áo mới' cho sản phẩm OCOP

19/08/2024

Các sản phẩm OCOP ở xã miền núi Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) được các chiến sĩ Mùa hè xanh của Đoàn trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng “khoác áo mới” để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thiết kế bộ nhận diện cho sản phẩm OCOP đã trở thành hoạt động thường xuyên trong Chiến dịch Mùa hè xanh của Đoàn trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng. Năm nay, các chiến sĩ “áo xanh” tiếp tục đem chuyên môn hỗ trợ cho các hộ sản xuất ở xã Hòa Phú.

Đoàn trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng bàn giao bộ nhận diện cho chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP Rượu cần Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang)

Với đặc thù xã miền núi, các sản phẩm nông sản, hàng OCOP ở đây đều đặc trưng cho địa phương, do người dân tự sản xuất và chưa chú trọng đến việc quảng bá, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Trước tình hình đó, các tình nguyện viên đã tiếp cận, trao đổi với đại diện các hộ nông dân để tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng cũng như hướng phát triển sản phẩm. Trên cơ sở đó, các bạn làm việc nhóm với nhau để lên ý tưởng, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm OCOP của các hộ.

“Việc hỗ trợ bộ nhận diện thương hiệu cho các chủ thể OCOP là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần hỗ trợ xã Hòa Phú phát triển sản xuất, xây dựng nền kinh tế nông thôn bền vững. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa các sản phẩm, thương hiệu của địa phương vươn xa, có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng”, anh Trần Xuân Quỳnh - Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng cho biết.

Một bộ nhận diện thương hiệu bao gồm logo, tem nhãn, vỏ hộp, card visit, tờ gấp, tờ rơi giới thiệu sản phẩm… Cả bản cứng và file thiết kế đều được bàn giao để các chủ thể OCOP dễ dàng sử dụng, ứng dụng vào các sản phẩm cụ thể sau này. Ông Lê Văn Nghĩa - chủ cơ sở sản xuất Rượu cần Phú Túc cho hay, trước đây, sản phẩm rượu cần - đặc sản của đồng bào Cơ Tu được người dân và du khách biết đến rộng rãi, khách mua chủ yếu tự tìm đến để trải nghiệm và mua về dùng thử.

Bản thân ông Nghĩa chưa chú trọng để việc quảng bá hay xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, phần vì đã lớn tuổi, phần vì không có chi phí. “Tuy nhiên, lần này, được sự hỗ trợ của các bạn tình nguyện viên, rượu cần Phú Túc đã khoác chiếc áo mới, chuyên nghiệp và bài bản hơn. Các ấn phẩm đều được thiết kế với màu đỏ và các họa tiết đặc trưng của đồng bào Cơ Tu, giúp sản phẩm rượu cần có dấu ấn sâu sắc hơn trong lòng khách mua. Đây là sự hỗ trợ rất thiết thực để các chủ thể OCOP như chúng tôi tiếp tục phát triển những sản phẩm đặc trưng của địa phương”, ông Nghĩa nói.

Theo anh Trần Xuân Quỳnh - Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế- ĐH Đà Nẵng, trong các Chiến dịch Mùa hè xanh, Đoàn trường thường xuyên tổ chức đội chuyên môn để chuyển giao tri thức, hỗ trợ bà con ở các vùng còn khó khăn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. “Việc hỗ trợ bộ nhận diện thương hiệu cho các chủ thể OCOP là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần hỗ trợ xã Hòa Phú phát triển sản xuất, xây dựng nền kinh tế nông thôn bền vững. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa các sản phẩm, thương hiệu của địa phương vươn xa, có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng”, anh Quỳnh nói.

Trước đó, Đoàn trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà nẵng đã hỗ trợ nhiều chủ thể OCOP, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn thiết kế gần 20 bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc sản, sản phẩm đặc trưng địa phương như: bưởi da xanh Hòa Vang, Nông sản sạch Đô 37, Chả lụa thảo mộc Peco Food, Rượu nếp Ái Lâm…

Xem bài viết Sinh viên 'khoác áo mới' cho sản phẩm OCOP trên báo Tiền Phong.

Nguồn: Báo Tiền Phong