DHKT

Đoàn USAID COMET đánh giá cao việc triển khai dự án đổi mới giáo dục tại Trường Đại học Kinh tế

06/10/2016

Vừa qua, đoàn cán bộ của dự án “Kết nối Mekong thông qua Giáo dục và Đào tạo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID COMET) do ông Michael Calvano – Giám đốc Dự án dẫn đầu đã có buổi ghé thăm và làm việc với Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng. Buổi làm việc nhằm rà soát việc triển khai chương trình, nắm bắt các kết quả bước đầu và đưa ra các giải pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

 

Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế đã gửi lời cảm ơn đến đoàn USAID COMET đã dành thời gian tới thăm và làm việc với Nhà trường. Đồng thời, phía Nhà trường cũng có phần giới thiệu về truyền thống dạy và học hơn 40 năm, định hướng trở thành Trường Đại học theo định hướng nghiên cứu, những mục tiêu trong tương lai…Trường cũng tự hào giới thiệu là 1 trong 6 Trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam được công nhận chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn đánh giá của Bộ GD&ĐT.

Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng khi Nhà trường đang nỗ lực chuyển mình, nâng cao chất lượng đào tạo và thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động trong thời buổi cạnh tranh và mở rộng giao lưu quốc tế. Sự hỗ trợ của dự án trong giai đoạn này là hết sức thiết thực. Nhà trường cam kết sẽ nỗ lực hết mình với dự án để mang lại lợi ích cho sinh viên, sau đó sẽ lan tỏa hiệu ứng đến các cơ sở giáo dục khác trong khu vực.

Phía đoàn USAID cho biết mọi sự hỗ trợ chỉ ở thời gian đầu, dự án có vận động và lan tỏa rộng rãi hay không phụ thuộc vào tâm huyết và nỗ lực của các Trường được chọn. Đoàn USAID cũng đánh giá cao các bước triển khai ban đầu của Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng và cho biết sẽ có nhiều sự hỗ trợ hơn nữa trong năm sau, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của mình khi triển khai dự án tại các nước.

Cũng trong dịp này, các chuyên gia thực hiện dự án tại Trường Đại học Kinh tế đã báo cáo tình hình triển khai dự án tại Nhà trường. Theo đó, nhóm chuyên gia đã phổ biến bộ Toolkit và áp dụng vào giảng dạy, phối hợp với các doanh nghiệp để mang đến cơ hội thực tập cho sinh viên. Trường ĐH Kinh tế cũng đã phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp như ACCA, CPA, các doanh nghiệp uy tín... để tổ chức các workshop, hội thảo và mời các đơn vị này tham gia xây dựng chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn. Nhà trường đã xây dựng mạng lưới quan hệ quốc tế rất tốt, nhiều giảng viên – sinh viên học tập ở nước ngoài về đã tiếp cận được những phương pháp học tập mới nên việc triển khai dự án không gặp quá nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng hỗ trợ tối đa cơ sở vật chất, hệ thống giảng dạy trực tuyến e-learning, đầu tư thư viện với nhiều đầu sách cập nhật, trong đó có nhiều sách ngoại văn, đồng thời có chính sách hỗ trợ với các cán bộ - giảng viên và sinh viên để họ có thêm động lực để tham gia dự án.

Ngoài ra, từng thành viên trong nhóm chuyên gia cũng chia sẻ việc áp dụng phương pháp dạy học mới của mình tại các tiết học như: tăng cường các bài tập hoạt động nhóm, sử dụng video clip minh họa sinh động, tổ chức các game kích thích sự chủ động của sinh viên trong giờ học… Bên cạnh đó là một vài khó khăn gặp phải khi triển khai những phương pháp mới từ bộ Toolkit vào thực tế. Đoàn đại biểu USAID rất ấn tượng và đánh giá cao sự sáng tạo, nhiệt huyết của các thầy cô, đồng thời chia sẻ những giải pháp có thể áp dụng. Đoàn làm việc cũng nhận định: “Với tinh thần làm việc như vậy, chúng tôi tin Trường ĐH Kinh tế nói riêng cũng như Việt Nam nói chung sẽ là mô hình kiểu mẫu để lan tỏa những hiệu quả tích cực của dự án tới các quốc gia thuộc khu vực sông Mê Kông.”

XT