DHKT

Báo Giáo dục và Thời đại: Giải bài toán để sinh viên có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm, thực hành và thực tập chuyên môn

30/01/2023

Cùng với quá trình học tập, nghiên cứu trong các học phần thực hành, kiến tập, thực tập, các trường đại học (ĐH) thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) rất chú trọng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên (SV) thêm cơ hội trải nghiệm, thực hành, thực tập để tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp tương lai. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp cho SV khi tốt nghiệp, cải thiện tỷ lệ SV có việc làm ngày càng cao.


SV Marketing, Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN hứng khởi trải nghiệm và sáng tạo từ các chương trình như Branding Contest

Với học phần Quản trị Thương hiệu, SV Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN được chia thành các nhóm cùng nhau xây dựng bộ nhận diện, câu chuyện thương hiệu cho một nhãn hàng cụ thể.

Các dự án sẽ được Khoa tạo cơ hội để trình diễn trong Đêm Branding Contest với chủ đề được thay đổi theo từng sự kiện vào mỗi năm học. Để tham gia các đêm diễn Branding Contest 2022, 18 nhóm SV của Khoa Marketing bắt đầu từ áp dụng kiến thức chuyên môn để vận dụng vào thực tế nghiên cứu thị trường; nhận diện cơ hội và nắm bắt nhu cầu khách hàng, từ đó làm việc nhóm để xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu mạnh giúp quảng bá, truyền thông marketing sản phẩm đến khách hàng. Vấn đề đặt ra là SV được trải nghiệm thực tế để giải quyết bài toán tiếp cận khách hàng mục tiêu và “chào bán” sản phẩm mới với thương hiệu thu hút, hấp dẫn thông qua các chính sách truyền thông và chiến lược marketing có tính cạnh tranh cao.

Em thấy nhờ các sân chơi này SV sẽ có thêm động lực, cơ hội làm việc, học hỏi và nắm bắt thực tế nhu cầu khách hàng, tiếp cận các doanh nghiệp, từ đó tự tin, nhạy bén và tinh thế hơn trong vận dụng kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết các vấn đề kinh doanh, marketing, SV Nguyễn Tấn Cầu-khóa 44K28 chia sẻ.


SV tự xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu mạnh để quảng bá, truyền thông marketing sản phẩm

Đối với giảng viên với vai trò cố vấn, hướng dẫn và đồng hành chọn ra các trường hợp case study để SV tham gia hào hứng; xác định kiến thức cần thiết từ cơ bản đến các thông tin cung-cầu và kỹ năng định hướng, hỗ trợ để SV tích luỹ, nhất là việc lựa chọn doanh nghiệp đối tác để người học có một không gian trải nghiệm, rút ngắn khoảng cách từ giảng đường đến thực tế.

Ở góc nhìn tương tự, SV ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính, một ngành đào tạo nền tảng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 rất cần hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế “trăm nghe không bằng mắt thấy” và hơn thế được tương tác, học hỏi, tự mình chiêm nghiệm từ hoạt động thực tập nhận thức tại các doanh nghiệp như Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK), ĐHĐN tổ chức cho SV đến Enouvo Space.

Tại đây, SV được hướng dẫn, giới thiệu và tìm hiểu các phương thức tổ chức, quản trị và các mô hình hoạt động, sản xuất kinh doanh, vận hành trong thực tế của Enouvo. Cùng với đó là các talkshow chia sẻ nhu cầu tuyển dụng nhân lực và các yêu cầu về phẩm chất, thái độ và kỹ năng để các SV chủ động tích lũy, phát triển năng lực cá nhân, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp cho tương lai trong cá doanh nghiệp năng động, cạnh tranh.


SV VNUK tham quan và trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại doanh nghiệp như Enouvo 

Các hoạt động bổ trợ teamwork khơi dậy tiềm năng của Gen Z trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp với kiến thức chuyên ngành trong hành trình cũng tăng thêm sự hứng thú, khám phá năng lực bản thân, truyền cảm hứng cho SV học tập, sáng tạo. Đây thực sự là mô hình học tập trải nghiệm mang bản sắc của VNUK.

Với các học phần Thực hành, SV ngành Hệ thống Điện, Khoa Điện-Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN được tiếp cận phương pháp dạy-học tiên tiến cũng như SV của Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN tiên phong, khởi xướng áp dụng.

Theo phương pháp Project Based Learning (PBL), SV được giao các dự án thực tế, ví dụ như yêu cầu tự thiết kế và thi công lắp đặt hoàn chỉnh một Tủ điện phân phối trong công nghiệp. Giảng viên sẽ giữ vai trò hướng dẫn, định hướng và đánh giá kết quả bằng sản phẩm cụ thể.


SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN học từ Dự án theo phương pháp PBL để tự làm nên sản phẩm ứng dụng thực tế 

Đối với SV các ngành kỹ thuật-công nghệ, việc học tập, thực hành và nghiên cứu, sáng tạo dựa trên các yêu cầu sản phẩm quy trình như trong môi trường làm việc thực tế của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sẽ đem lại cảm hứng và hiệu quả tích cực, hỗ trợ tốt cho các phương pháp dạy-học truyền thống trên giảng đường. Chính nhờ mối quan hệ gắn kết nhà trường-doanh nghiệp cũng như cựu SV, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN có điều kiện, thế mạnh để đưa các phương pháp dạy-học tích cực như PBL để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cho SV, PGS.TS Võ Trung Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết.

Các doanh nghiệp đối tác khi nhận xét đối với SV tốt nghiệp của trường cũng bày tỏ sự tin tưởng với những đổi mới tích cực này, SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN được tuyển dụng sẽ bắt nhịp nhanh với yêu cầu công việc thực tế, chủ động tham gia vào thị trường lao động trong nước, quốc tế.

Đối với các kỳ thực tập, việc Nhà trường đồng hành với doanh nghiệp trong suốt quá trình thực tập, mời các chuyên gia đồng hướng dẫn đem lại hiệu quả cao như các trường thành viên của ĐHĐN áp dụng.


SV tham quan thực tế tại doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics ngay từ những năm đầu 

SV Huỳnh Quốc Thái, ngành Quản trị và Kinh doanh quốc tế của VNUK chia sẻ, Viện VNUK tổ chức cho chúng em thực tập logistics từ năm thứ 2. Nhờ có trải nghiệm thực tế, chỉ sau 2 tuần thực tập, em đã tự tin ứng tuyển vào làm việc thử tại bộ phận chuyển đổi số và may mắn có cơ hội học hỏi, trải nghiệm rất bổ ích. Các anh chị trong công ty đề cao tinh thần cầu thị và thái độ học hỏi, làm việc chuyên nghiệp chứ không chỉ cần kiến thức chuyên ngành.

Thực tập hè là chương trình đặc trưng được VNUK tổ chức hàng năm cho SV. Tùy yêu cầu, vị trí công việc, SV có môi trường rèn luyện thử thách và “thăng tiến”. Ví dụ như năm 1, các em đã có thể tích lũy kinh nghiệm bán hàng, lưu trong dữ liệu CV. Đến năm thứ 2 tiếp tục có cơ hội được bố trí tham gia một vị trí công việc cao hơn. Kết thúc khoá thực tập, SV của VNUK hoàn thành tốt được cấp chứng chỉ hoàn thành mỗi khóa thực tập, đây là hành trang thuyết phục giúp các em có thêm lợi thế để tuyển dụng sau này, TS Nguyễn Thị Mỹ Hương - Viện trưởng VNUK chia sẻ.


SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN tại Khu phức hợp của Tập đoàn THACO 

Bài toán khó đối với các nhà tuyển dụng đòi hỏi người ứng tuyển có kinh nghiệm có thể được tháo gỡ bằng các phương thức tích cực, liên tục được cải tiến như các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc của ĐHĐN thời gian qua quan tâm, chú trọng. Điều này lý giải chất lượng đào tạo và nhất là các cơ hội thực hành, thực tập, trải nghiệm dành cho SV của ĐHĐN không ngừng được nâng cao.

Nguồn: Báo giáo dục và Thời đại