DHKT

Nhiều giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới

24/09/2022

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nguồn nhân lực và động lực phát triển đất nước” vào ngày 23/9.


Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu: PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, PGS.TS. Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Sư phạm, ĐHĐN, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN cùng gần 100 lãnh đạo, chuyên gia, giảng viên các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học trên cả nước.


PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh -  Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Thế giới đang trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về cơ cấu và công tác đào tạo nhân lực dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Đây là câu hỏi lớn, là vấn đề đặt ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường đồi với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi Trung ương và mỗi địa phương phải có những chủ trương lớn, quyết sách đúng để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa đất nước chúng ta vào một thời kỳ phát triển mới: bền vững và phồn vinh.

PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh trao hoa cảm ơn các đơn vị đồng tổ chức

Hội thảo thu hút được 152 bài tham luận từ các nhà khoa học với gần 200 nhà khoa học của 60 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trên cả nước, trong đó có 112 bài được chọn in kỷ yếu Hội thảo. Nội dung trình bày tại hội thảo tập trung 2 lĩnh vực chính là nguồn nhân lực và động lực phát triển đất nước. (1) Phần nguồn nhân lực có 63 bài tham luận tiếp cận nguồn nhân lực ở các khía cạnh triết học, kinh tế, văn hóa, lịch sử và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Đại hội lần thứ XIII. Các bài tham luận đã phác họa bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực, đưa ra tiêu chí về nguồn nhân lực chất lượng cao, phân tích, đánh giá những thành công và hạn chế, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở cấp vĩ mô và cụ thể ở một số địa phương và một số lĩnh vực được nghiên cứu. (2) Phần động lực phát triển có 49 bài tham luận được phân tích, đánh giá ở bình diện xây dựng hệ thống chính trị, thực hành dân chủ, xây dựng cơ chế, chính sách, phát triển văn hóa - con người, giáo dục, khoa học - kỹ thuật và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong phát triển đất nước. Các bài tham luận đề xuất các giải pháp khơi dậy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, bản lĩnh của dân tộc. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam tạo sức mạnh nội sinh trong xây dựng và phát triển đất nước; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới phát triển giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các động lực trên thúc đẩy tiến trình đổi mới và hội nhập phát triển đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.


PGS.TS. Ngô Văn Hà - Trưởng Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo

Phát biểu báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Ngô Văn Hà - Trưởng khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN cho biết: “Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi, bày tỏ sự chia sẻ những vấn đề về nguồn nhân lực và động lực phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Hi vọng rằng, hội thảo là cơ hội kết nối mạng lưới các nhà khoa học trên cả nước để tiếp tục thảo luận chủ đề này trong tương lai”.


PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trình bày báo cáo

Các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng phân tích, đánh giá nguồn nhân lực, động lực phát triển đất nước, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Báo cáo “Thống nhất nhận thức và giải pháp thực hiện đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng” của PGS.TS. Vũ Văn Phúc đã đề xuất một số giải pháp thực hiện đột phá chiến lược như: (1) Tăng cường, nâng cao nhận thức về đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; (2) Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (3) Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội; (4) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai các quy định pháp lý; (5) Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm về phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học công nghệ.

 


Các đại biểu trình bày tham luận tại các phiên của Hội thảo

Bài tham luận “Phát huy vai trò của các chủ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay” của PGS.TS. Phạm Minh Tuấn - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhận định: Phát triển nguồn nhận lực là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng, miền trong mỗi giai đoạn phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế thế giới đang chuyển mạnh sang nền kinh tế tri thức hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng, bước “đột phá” đảm bảo tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Để giải quyết nhiệm vụ này cần có sự quyết tâm và chung sức của toàn xã hội”.


Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo động lực phát triển đất nước

Hội thảo cũng nhấn mạnh, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện rất nhiều chủ trương, chính sách, đem lại những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Nguồn nhân lực có chất lượng cao, với số lượng và cơ cấu hợp lý, giàu trí tuệ, giàu ý chí và khát vọng, có lý tưởng cách mạng soi sáng, sẽ là động lực để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Trung tâm CNTT&TT