DHKT

Công khai luận án của NCS Võ Hoàn Hải

05/06/2023

Thực hiện Quy chế đào tạo tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tê - Đại học công khai luận án:

 

Tên đề tài luận án: Phát triển nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa

Chuyên ngành: Kinh tế phát triển

Mã số: 62.31.01.05

Họ và tên NCS: Võ Hoàn Hải                 Khóa : 33

Người hướng dẫn khoa học:

1.   GS.TS Võ Xuân Tiến, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

2.   PGS.TS Lê Kim Long,  Trường Đại học Nha Trang

Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng


NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

1. Đóng góp về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

        - Thứ nhất, luận án đã xây dựng khung lý thuyết phát triển nuôi trồng thủy sản theo cách vận hành hoạt động nuôi trồng thủy sản trong điều kiện kinh tế thị trường.

        - Thứ hai, luận án đã kết hợp các phương pháp phân tích khác nhau cả định tính và định lượng để giải quyết nhiệm vụ đặt ra trong trường hợp của một địa phương cụ thể của Việt Nam.

  2. Đóng góp về thực tiễn

         - Thứ nhất, quy mô nuôi trồng thủy sản của tỉnh Khánh Hòa đã đạt mức ổn định (diện tích mặt nước nuôi trồng, số lượng cơ sở nuôi và nhân lực…). Để phát triển ngành này khó có thể mở rộng quy mô về lượng mà phải chuyển sang tăng cường đầu tư chiều sâu thâm canh;

        - Thứ hai, nuôi trồng thủy sản đã chuyển dần sang áp dụng hình thức nuôi thâm canh nhưng chủ yếu theo chiều rộng, dư địa thâm canh theo chiều sâu nhất là siêu thâm canh rất lớn nhờ tăng cường đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, nâng cao chất lượng nhân lực;

        - Thứ ba, cơ cấu nuôi trồng thủy sản đang có sự thay đổi về chất khi giới hạn về lượng đã hết dư địa thay đổi. Cơ cấu theo địa phương NTTS có xu hướng tập trung vào những nơi có lợi thế lớn như thành phố Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa. Bước đầu cho sự hình thành vùng chuyên canh nuôi trồng quy mô lớn làm cơ sở phát triển cụm ngành nuôi trồng chế biến thủy sản ở tỉnh và vùng;

        - Thứ tư, trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh Khánh Hòa, các hình thức tổ chức sản xuất được áp dụng khá đa dạng nhưng hình thức hộ nuôi trồng vẫn là phổ biến nên quy mô nuôi trồng nhỏ lẻ, phân tán, năng lực quản trị kinh doanh chưa cao. Ở đây cũng đã hình thành các chuỗi liên kết ngành – mô hình chuỗi cung cấp thủy sản nuôi an toàn theo VietGAP thông qua các tổ hợp tác, tổ đội nghề nghiệp hay liên kết dọc theo mô hình chuỗi giá trị;

        - Thứ năm, kết quả nuôi trồng thủy sản tăng khá nhưng giá trị gia tăng tăng nhanh hơn nhờ giảm bớt chi phí trung gian. Sản lượng nuôi trồng thủy sản gia tăng theo chiều rộng đã hết dư địa và chỉ có thể dựa trên tăng năng suất nhờ cải tiến kỹ thuật và công nghệ. Kết quả nuôi trồng thủy sản được tạo ra ở các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Năng suất nuôi trồng thủy sản ở mức trung bình ở Việt Nam, tăng đều nhưng dư địa tăng năng suất theo chiều rộng không còn nhiều nên cần tập trung vào các nhân tố chiều sâu. Dư địa nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản khá rộng nhờ tiết giảm chi phí thức ăn và thiết bị thiết yếu nuôi trồng, con giống và nhân công;

         - Thứ sáu, nhận diện 09 nhóm nhân tố tác động tới phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh gồm Điều kiện đầu vào; Cấu trúc ngành và cạnh tranh; Điều kiện cầu; Cơ sở nuôi trồng thủy sản; Môi trường dịch bệnh; Điều kiện tự nhiên; Dịch vụ hỗ trợ; Điều kiện lao động; Hỗ trợ chính quyền. Kết quả ước lượng có 06 nhóm nhân tố đầu có ý nghĩa thống kê.


  Thời gian bảo vệ sẽ thông báo sau

  Toàn văn luận án: xem tại đây https://drive.google.com/file/d/11EyN52HU4MUhXeVyN0Z_S4XZX4KBWZWc/view?usp=share_link 

  

  Trân trọng.