DHKT

SINH HOẠT NHÓM ĐỌC KHOA KINH DOANH QUỐC TẾ NGÀY 16/11

16/11/2021

Sáng nay, buổi sinh hoạt nhóm đọc của Khoa Kinh doanh quốc tế tiếp tục diễn ra dưới hình thức trực tuyến với hai chủ đề:

- "Supply chain resilience in Covid-19 pandemic" (tạm dịch: Khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19) do ThS. Dương Hạnh Tiên và ThS. Đinh Trần Thanh Mỹ trình bày. 

-“Thảo luận về Những con đường hình thành tính đa dạng của văn hóa với cách tiếp cận liên ngành: GCEB - Be” do ThS. Trần Thị Minh Duyên trình bày.

Tại buổi sinh hoạt, ThS. Dương Hạnh Tiên và ThS. Đinh Trần Thanh Mỹ đã giới thiệu lí do vì sao việc xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng lại cần được ưu tiên trong và sau thời kì đại dịch. Theo cách tiếp cận dựa trên nghiên cứu của Ponomarov (2009), từ bốn nhân tố: sinh thái, tâm lý và xã hội, kinh tế, tổ chức; khái niệm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng được định nghĩa là khả năng thích nghi của chuỗi cung ứng để chuẩn bị cho những sự kiện không mong muốn, phản ứng với sự gián đoạn và phục hồi sau đó dựa vào việc duy trì những hoạt động liên tục. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu tổng hợp lý thuyết theo hệ thống về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Cụ thể, đại dịch Covid-19 đã gây nên những tác động về quản lý cung, quản lý cầu, quản lý sản xuất, quản lý vận chuyển và logistics, và quản lý mối quan hệ.

Tiếp nối buổi sinh hoạt, dựa trên cuốn sách có nhan đề “Quản trị liên văn hóa với đóng góp của khoa học não bộ”, ThS. Trần Thị Minh Duyên đã trình bày những so sánh giữa hệ hình tĩnh và hệ hình động tiếp cận liên ngành cùng với những con đường hình thành tính đa dạng GCEB-Be (trong đó E: môi trường; C: văn hóa; G: gen; B: não bộ). Dựa trên cuốn sách, ThS. Trần Thị Minh Duyên đã tóm lược các kết luận sau: Văn hóa bị tác động bởi nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố di truyền; bối cảnh mới là phần mềm của tư duy và bối cảnh sẽ tác động đến quá trình tương tác, làm cho môi trường, gen, văn hóa, não bộ và hành vi hình thành, thích nghi và thay đổi.