DHKT

  • Giới thiệu

    Trong một thế giới ngày càng “phẳng” thì giáo dục đại học ngày càng trở nên quan trọng và tất yếu phải gắn liền với hội nhập quốc tế. Nhận thức được tầm quan trọng của hội nhập quốc tế nên ngay từ ngày đầu thành lập, Nhà trường đã không ngừng thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế ở nhiều nước trên thế giới nhằm thực hiện các dự án liên kết đào tạo, phát triển đội ngũ, nghiên cứu khoa học, khám phát kiến thức, chuyển giao công nghệ và quảng bá thương hiệu cho trường. Tầm nhìn chiến lược này đã giúp Trường Đại học Kinh tế gặt hái nhiều thành quả, góp phần khẳng định vai trò nòng cốt của nhà Trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế.

    • Phát triển đối tác và chương trình liên kết đào tạo

    Nhằm tạo cơ hội cho giảng viên và sinh viên tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, Nhà trường đã xúc tiến việc hợp tác nghiên cứu, giảng dạy với nhiều trường đại học uy tín trên thế giới từ châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc và Châu Á, đặc biệt từ các quốc gia phát triển, thể hiện thế mạnh và tiềm năng hợp tác của trường Đại học Kinh tế. Nhà trường định hướng ưu tiê phát triển hợp tác lâu dài, tin cậy với các đại học, các tổ chức khoa học và giáo dục có uy tín trên thế giới dưới hình thức hợp tác liên kết đào tạo quốc tế chương trình đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, v.v... Đến nay, Trường Đại học Kinh tế có mối quan hệ hợp tác với 23 trường đại học, các viện nghiên cứu có uy tín và kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học thuộc 14 nước và vùng lãnh thổ như: Đại học Towson, Đại học bang Seatle, Đại học Keuka, Đại học Baruch, Đại học Ball State (Hoa kỳ); Đại học Sunderland, Đại học Aston, Đại học Hull, Đại học New Castle (Anh Quốc); Đại học khoa học và ứng dụng Saxion (Hà lan); Đại học Massey (New Zealand); Trường kinh doanh thuộc Đại học công nghệ Queensland, Đại học Queenslan (Úc); Đại học Yokohama, Đại học Kobe, Đại học Senshu, Đại học Chuo, Viện nghiên cứu phát triển Châu Á (Nhật bản); Đại học Sunkonghoe (Hàn quốc); Đại học Chulalongkorn, Đại học công nghệ Rajamangala (Thái Lan)  ...

    Trường Đại học Kinh tế đã và đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế từ bậc cao đẳng đến thạc sỹ với các trường Đại học liên kết theo hướng du học tại chỗ hoặc theo khuôn khổ chương trình chuyển tiếp 2+2 và 3+1. Đặc biệt, trong đó phải kể đến chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Quản trị nguồn nhân lực (Đại học Massey, New Zealand), Cử nhân Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Tài chính, Kế toán, Du lịch và Marketing với các Trường đại học uy tín trên thế giới như Đại học Ball State và Đại học Towson (Hoa Kỳ), Đại học Massey (New Zealand), Đại học Cardiff Met, Đại học Sunderland và Đại học Hull (Anh), Viện Công nghệ CIT (Ireland),... đây là chương trình giúp cho các học viên tiếp cận được với các kiến thức quản trị và kinh tế tiên tiến.

    • Tăng cường công tác trao đổi học giả, sinh viên

    Với mục tiêu hợp tác và phát triển, Nhà Trường thường xuyên chỉ đạo việc trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường liên kết. Đến nay đã có 13 trường đối tác (9 Trường Châu Âu trong đó có 7 Trường Anh Quốc, 2 Trường Hoa Kỳ, 2 Trường Úc & New Zealand) đã có ký kết để công nhận kết quả học tập của sinh viên Trường ĐHKT và được chuyển tiếp học tập tại trường đối tác theo với các hình thức 2+2, 3+1. Đồng thời cũng có nhiều ưu đãi về học phí và học bổng được đối tác dành cho sinh viên Trường ĐHKT. Trong khuôn khổ của chương trình học giả Fulbright, Nhà trường đã tiếp nhận các giảng viên và nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Úc đến giảng dạy và làm việc tại trường. Bên cạnh đó, Nhà Trường cũng thường xuyên tổ chức đoàn cán bộ, chuyên gia và nhà khoa học của Trường sang thăm và làm việc với một số Trường Đại học ở Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Úc, Cộng Hòa Ireland, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…. Trong năm 2017, Nhà Trường đã tổ chức 09 chuyến thăm và làm việc với các Trường đối tác Quốc tế như chuyến thăm đến Học viện công nghệ Cork, Ireland; chuyến học tập, trao đổi về công tác quản trị Trường đại học trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực quản trị trường đại học” với Trường Đại học Heriot-Watt do Hội đồng Anh tài trợ; chuyến thăm thiết lập mối quan hệ và ký kết văn bản hợp tác giữa Trường ĐHKT và Trường Đại học Middlesex, Vương quốc Anh. Bên cạnh việc đưa các giảng viên, chuyên gia sang học hỏi và làm việc tại các Trường đối tác, Trường ĐHKT cũng tiếp nhận các giảng viên nước ngoài, tình nguyện viên đến và giảng dạy tại Trường. Hiện nay, năm 2017 Nhà trường đã tiếp nhận 03 giảng viên nước ngoài, 01 tình nguyện viên đến từ tổ chức WUSC. Trong năm 2017, Trường ĐHKT đã đón tiếp trên 70 đoàn khách quốc tế đến tham quan, làm việc và trao đổi kinh nghiệm về các triển vọng hợp tác trong giảng dạy cũng như nghiên cứu.

    Về các hoạt động hợp tác giảng dạy ngắn hạn khác, Trường ĐHKT đã tổ chức khóa học tiếng Anh cho sinh viên trường Ubon Ratchathani Rajabhat University (Thái Lan); Khóa học trường hè cho sinh viên quốc tế; và tổ chức giao lưu văn hóa với sinh viên các trường đại học ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một số các external seminar/workshop về phương pháp nghiên cứu và giảng dạy được tổ chức với sự hỗ trợ và tham gia của các đối tác nước ngoài như trường Đại học Manchester, Đại học Heriot-Watt (Anh), Đại học Deakin (Úc), Viện CIT (Ireland), Hiệp hội ACCA (Anh quốc), Hiệp hội Logistics vùng Wallonia (Vương quốc Bỉ).

     

    • Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học

    Năm 2017, Trường ĐHKT đã tổ chức 03 Hội thảo quốc tế: Hội thảo Quốc tế về Kế toán và Tài chính 2017 (ICOAF 2017), Hội thảo Quốc tế dành cho các Nhà khoa học trẻ 2017 (ICYREB 2017) và Hội thảo giáo dục quốc tế 2017 (Edufair 2017). Những đối tác của Nhà trường là những đại học có thương hiệu trên thế giới, như: Đại học New South Wales (Úc), Trường Đại học Aston (Vương quốc Anh), Hiệp hội Tài chính VFAI, Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) và Hiệp hội kế toán công chứng ACCA-Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo Quốc tế về Kế toán và Tài chính đã mang lại thương hiệu riêng cho Nhà trường và trở thành một trong những hội thảo chuyên ngành lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

    Trường ĐHKT đã tiếp nhận chuyển giao trung tâm Nghiên cứu Logistics từ Đại học Đà Nẵng để xúc tiến hoạt động nghiên cứu về logistics với sự hỗ trợ của Trường Đại học Liege và Hiệp hội Logistics vùng Wallonie (Bỉ). Với sự xúc tiến của Trung tâm Nghiên cứu Logistics, Đại học Liege và Hiệp hội Logistics vùng Wallonie, cluster logistics tại thành phố Đà Nẵng đã được thành lập với sự tham gia của nhiều hiệp hội và doanh nghiệp trong khu vực miền Trung và Đà Nẵng. Đây là một nỗ lực của các bên tham gia nhằm gia tăng tính kết nối của các bên hữu quan trong mảng logistics, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và thực tiễn của công tác logistics trên địa bàn. Ngoài ra, Nhà trường cũng đã chính thức tổ chức giới thiệu chương trình đào tạo thạc sỹ Vận tải-Logistics.

    Nhà trường đã chỉ đạo tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo chuyên đề về phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, viết bài cho tạp chí quốc tế do các giáo sư từ các đơn vị liên kết thực hiện ví dụ Báo cáo chuyên đề về tài chính-kế toán, và Phương pháp nghiên cứu định tính trong kế toán do Đại học Aston (Anh quốc); Khóa học về Thuế và tài chính (Đại học Saxion, Hà lan); Phổ biến kinh nghiệm đăng bài quốc tế từ Viện nghiên cứu phát triển châu Á (Nhật bản). Thông qua các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ quốc tế, Nhà trường đã hiện đại và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, như sách báo, máy tính, đèn chiếu và các phương tiện giảng dạy hiện đại, nhận được sự chuyển giao mô hình đổi mới và phát triển trong đào tạo quản trị du lịch của Đại học HAAGA-HELIA Phần Lan, dự án TRIG của ngân hàng thế giới.

    • Đấu thầu và triển khai các dự án hợp tác quốc tế

    Trường ĐHKT đã thành công trong việc kí kết và triển khai một số dự án quốc tế với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, Dự án VIBE do Quỹ Irish Aid của Chính phủ Ireland tài trợ với tổng số tiền lên đến 100.000 Euro nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên Trường ĐHKT cũng như các Trường Đại học trong vùng. Dự án được triển khai từ tháng 01/2016 đến tháng 12/2017. Điểm nhấn của dự án là sự thành công của cuộc thi “Danang Start up Runway” trong hai năm liên tiếp. Tham gia cuộc thi, sinh viên được huấn luyện các kỹ năng và kiến thức về khởi nghiệp đồng thời được tư vấn bởi các chuyên gia đến từ Ireland. Đại diện của các đội thắng cuộc đã có cơ hội được tham gia chương trình đào tạo về khởi nghiệp tại Trung tâm Rubicon, Học viện Công nghệ Cork, Ireland. Các giảng viên của Nhà Trường cũng được trao đổi đi Ireland để tham quan các Trung tâm đào tạo về khởi nghiệp tại Cork và học hỏi để phát triển môn học “Khởi sự kinh doanh”.

    Ngoài ra, hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên của Nhà Trường đến các Trường đối tác nước ngoài cũng được đẩy mạnh trong khuôn khổ dự án Erasmus+ của Liên minh Châu Âu. Trong năm 2017, Nhà Trường đã trao đổi 09 sinh viên đi Đại học Khoa học Ứng dụng Westphalian (Đức), 02 sinh viên và 13 giảng viên đi Học viện Công nghệ Cork (Ireland), 03 giảng viên đi Đại học Cardiff Metropolitan (Anh), 01 giảng viên đi Đại học Nice Sophia Antipolis (Pháp), và tiếp nhận 02 giảng viên từ Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Westphalian (Đức), 01 giảng viên từ Học viện Công nghệ Cork (Ireland), 02 giảng viên từ Đại học Cardiff Metropolitan (Anh).

    Trường ĐHKT là một trong 5 Trường Đại học tại Việt Nam được cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ trong chương trình USAID COMET từ năm 2016. Trong năm 2017, nhóm triển khai dự án USAID COMET đã có các buổi làm việc định kì tại Trường ĐHKT để hỗ trợ và đánh giá tình hình triển khai dự án. Các thành viên dự án của Trường ĐHKT cũng được cử đi tham dự các Hội thảo về phương pháp MekongSkills2Work. Tháng 5/2017, Workshop “Giảng dạy theo phương pháp tích cực” được diễn ra với sự tham dự của các thành viên dự án USAID COMET cùng các giảng viên, chuyên viên của Nhà Trường nhằm nghe chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia dự án về cách áp dụng phương pháp MekongSkills2Work tại lớp học. Sau buổi workshop, các giảng viên đã áp dụng những kỹ năng thu được vào giảng dạy. Các hoạt động gặp gỡ, trao đổi phương pháp giảng dạy mới đang tiếp tục được tổ chức nhằm hỗ trợ các giảng viên tổ chức một lớp học hiệu quả, kích thích sự chủ động và sáng tạo ở người học. Dự án USAID COMET đã, đang và sẽ mang đến những luồng gió mới tích cực trong việc tạo dựng một môi Trường học tập tốt hơn cho sinh viên, việc hình thành những kỹ năng tốt ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường sẽ giúp sinh viên hoàn thiện những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hội nhập và cạnh tranh.

    Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản trị Trường Đại học, Trường ĐHKT đã hợp tác với Trường Đại học Heriot-Watt (Anh) triển khai dự án “Xây dựng nền tảng đúng đắn để đạt được tính hiệu quả và bền vững trong công tác quản trị ở Trường Đại học” được tài trợ bởi Hội đồng Anh. Các khóa đào tạo nâng cao khả năng lãnh đạo học thuật; các khóa đào tạo lãnh đạo cấp trung đã được diễn ra tại Trường ĐHKT với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Heriot-Watt và các đại diện đến từ các Khoa và Phòng ban của Nhà trường. Ngoài ra, lãnh đạo cấp cao của Nhà Trường cũng đã có chuyến viếng thăm và làm việc tại Đại học Heriot-Watt để học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản trị đại học.

    Kết hợp hoạt động hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Kinh tế định hướng mục tiêu hiệu quả, đảm bảo sự công bằng, các bên cùng có lợi và phát triển. Thông qua hợp tác quốc tế để quảng bá hình ảnh, thương hiệu trường Đại học Kinh tế là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ về khoa học kinh tế và quản lý cho cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Liên hệ

Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng

(0236) 395-8635

interrelations@due.edu.vn