DHKT

Hội thảo khoa học Kinh tế toàn quốc lần thứ Nhất: Bàn luận các vấn đề kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới

22/03/2023

Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (nhiệm kỳ VI), Hội Khoa học Kinh tế Đà Nẵng và Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học kinh tế toàn quốc lần thứ Nhất vào ngày 22/3. Hội thảo là diễn đàn trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư để có những kiến giải chuẩn xác về thực trạng và triển vọng kinh tế Việt Nam.


Đặc biệt, Hội thảo chào đón hơn 60 đại biểu là các nhà khoa học, nhà phản biện chính sách có uy tín, thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn chính sách ở trung ương và địa phương. Về phía Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN có PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh - Phó hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng nhà trường tham dự.


GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương bày tỏ sự đánh giá cao, trân trọng sự tham gia của 

các đại biểu tại hội thảo vì sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam

35 bài tham luận tại Hội thảo xoay quanh nhiều chủ đề nóng được bàn thảo như: Bối cảnh quốc tế mới và các vấn đề năm 2023 liên quan đến doanh nghiệp, rào cản khó khăn..; các vấn đề thể chế, cải cách doanh nghiệp, cải cách tài chính; Các khu vực kinh tế, xuất nhập khẩu và đổi mới sáng tạo; Bảo vệ môi trường và Phát triển bền vững; An sinh xã hội, lao động và chống đại dịch Covid19 và hệ lụy… Hội thảo còn có các phiên thảo luận về kinh tế địa phương của các vùng miền Bắc, Trung, Nam và phong trào Hội, từ đó đề xuất nhiều giải pháp, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết: “Hội thảo quy tụ các nhà kinh tế trong nước từ các Chi Hội và Hội địa phương để cùng nhau thảo luận các vấn đề kinh tế quan trọng của đất nước. Đồng thời nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh mới, chiến lược đối ngoại của Việt Nam là cần thấy xa, phòng trước. Khi cục diện thế giới đang thay đổi mạnh mẽ thì một chiến lược thích ứng linh hoạt là rất cần thiết”.


Các đại biểu trình bày tham luận

Tại tham luận “Kinh tế Việt Nam: Góc khuất, thực trạng và giải pháp” của TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, các mục tiêu về kinh tế - xã hội có thể quá cao trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn khó khăn sang đến năm 2024, và không có những thay đổi mạnh mẽ, nhất quán vừa hỗ trợ mạnh đối với doanh nghiệp và người lao động, vừa giải quyết các vướng mắc thể chế đã tồn tại từ nhiều năm. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp: cần có một chương trình, đề án cải cách có khung khổ tư duy rõ ràng, hệ thống, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Các nhà lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu các cơ quan tham mưu có liên quan đánh giá đúng, đủ thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay; yêu cầu đánh giá sâu, toàn diện các điểm yếu, nhất là điểm yếu nội tại, xác định các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đặc biệt, trong quan hệ nhà đầu tư và doanh nghiệp, toàn hệ thống nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng cảm và chia sẻ cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp những khó khăn, rủi ro và thách thức mà họ đang đối mặt. Hạn chế tối đa những rào cản, thủ tục hành chính vào hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; các giải pháp, biện pháp quản lý và thực thi chúng cần theo hướng thân thiện với đầu tư kinh doanh, phù hợp với các quy luật thị trường.



Trong ba năm 2020 - 2022 nền kinh tế trải qua đại dịch Covid và nhiều bất ổn bất thường của kinh tế thế giới. Đó là 3 năm khó khăn, thử thách khả năng chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân còn non yếu. Phải khách quan thừa nhận rằng, tuy nền kinh tế “trụ vững” qua 3 năm đặc biệt khó khăn vừa qua, song khu vực “nội” bị suy yếu, nhiều doanh nghiệp Việt đang bị “khát vốn”, sức lực suy giảm đáng kể trong khi các kênh dẫn vốn chính - đầu tư công, thị trường trái phiếu, cổ phiếu… bị tắc nghẽn. Đó là những phân tích trong tham luận “Kinh tế tư nhân Việt Nam: Triển vọng trong bối cảnh mới” của PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam. Đồng thời, PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển đúng hướng và mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam như sau:

Thứ nhất, xây dựng nền kinh tế, với các chủ thể “khác biệt về chức năng, bình đẳng về tư cách, được tự do kinh doanh” trên nền tảng sở hữu mới, trong đó, sở hữu trí tuệ (bao gồm sở hữu công nghệ) đóng vai trò quyết định, được vận hành trong môi trường công khai, minh bạch.

Thứ hai, phát triển các lực lượng chủ thể theo tiêu chuẩn “toàn cầu hóa - công nghệ cao”, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện đại.

Thứ ba, quan điểm xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc (doanh nghiệp Việt) hùng mạnh, với trục chính là các Tập đoàn kinh tế mạnh, cốt lõi là các tập đoàn tư nhân, có khả năng hội nhập và cạnh tranh toàn cầu có sức lan tỏa phát triển to lớn tới các lực lượng kinh tế khác (doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế cá thể, hộ gia đình nông dân).

Thứ tư, phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam theo nguyên tắc “tận dụng lợi thế đi sau, tiến vượt và đuổi kịp”.



Các đại biểu trao đổi, thảo luận đưa ra nhiều giải pháp phát triển cho nền kinh tế Việt Nam

Sau khi nghe các tham luận của các nhà kinh tế các Chi Hội, các nhà kinh tế các Hội địa phương về nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, để có thêm những căn cứ khoa học và thực tiễn, có thêm nhiều góc nhìn hơn, các các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến, cung cấp thêm các vấn đề mới, các vấn đề cần làm rõ, bổ sung để thảo luận tại hội trường; tập trung vào các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đề xuất giải pháp chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn tới.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

* Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam với sứ mệnh tập tập hợp đội ngũ các nhà kinh tế lý thuyết và ứng dụng trong các trường đại học, viện nghiên cứu và các trung tâm tư vấn ở các ngành, lĩnh vực, các địa phương cả nước, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong thực tiễn, nhất là tiến hành công tác tư vấn, giám định và phản biện xã hội. Những năm qua, Hội đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cơ bản để nâng cao chất lượng của công tác tư vấn, nhất là kết hợp các nghiên cứu khoa học ứng dụng. Đặc biệt, Hội đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn giám định và phản biện xã hội, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Đảng, các ngành và các địa phương, tạo nên nhu cầu, giao nhiệm vụ để tăng thêm tính khả thi của các đóng góp tương xứng với điều kiện tài chính cho hoạt động.




Trung tâm CNTT&TT