DHKT

Phiên họp nhóm mạng lưới học thuật Việt Nam quốc tế (VIAN) về “Kinh tế, Kinh doanh và Chính sách công” trong khuôn khổ Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học

29/07/2022

Chiều ngày 28/7, tiếp nối Phiên toàn thể Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Indiana (Hoa Kỳ), phiên họp nhóm “Kinh doanh, kinh tế và chính sách công” đã diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN.

Tham dự Phiên họp có GS. Kerry Krutilla (Đại học Indiana), PGS. Markus Taussig (Trường Kinh doanh Rutgers), PGS. Phuong (Bob) Ngo (Đại học Vùng Cleveland), là các chuyên gia đến từ các đối tác tham gia dự án PHER tại Hoa Kỳ, PGS.TS. Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Đặng Hữu Mẫn – Trưởng Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế và các thành viên Mạng lưới học giả nhóm “Kinh doanh, Kinh tế và Chính sách công” tại Đại học Đà Nẵng.


Dự án PHER là sáng kiến kéo dài 5 năm (2022-2026) nhằm hiện đại hóa ba đại học hàng đầu Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng) và hỗ trợ phát triển hệ thống giáo dục Việt Nam. Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Mục tiêu chiến lược của dự án PHER là tập trung vào 4 trụ cột chính, bao gồm: chương trình đổi mới quản trị, chương trình nâng cao chất lượng dạy và học, chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu, chương trình tăng cường kết nối Đại học - Doanh nghiệp để hỗ trợ trực tiếp ba đại học hàng đầu Việt Nam. Trong trụ cột đổi mới quản trị, PHER đem tới cơ hội tăng cường năng lực quản trị đại học cho lãnh đạo của các đại học Việt Nam. Trụ cột nâng cao chất lượng dạy và học tập trung phát triển năng lực đội ngũ giảng viên trong việc thiết kế các khóa học hiện đại, số hóa chương trình đào tạo để giúp sinh viên mở rộng tiếp cận với nguồn tài nguyên dạy và học chất lượng cao. Đồng thời, chương trình sẽ xây dựng các cộng đồng giảng viên trong nhiều lĩnh vực chuyên môn để khuyến khích hợp tác liên trường về học thuật. Trụ cột nâng cao năng lực nghiên cứu, PHER giúp cải thiện năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, gắn kết các hoạt động nghiên cứu với nhu cầu kinh tế, xã hội của đất nước thông qua các hoạt động trao đổi học giả và giảng viên, hội thảo và các khóa học ngắn hạn. Thông qua trụ cột tăng cường kết nối đại học-doanh nghiệp, PHER hỗ trợ các đại học xây dựng và duy trì quan hệ đối tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.


Trong năm 2022, Dự án đang tiến hành giai đoạn khảo sát, đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực quản trị của 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Tại phiên họp nhóm các học giả “Kinh  tế, Kinh doanh và Chính sách công”, các học giả tại Việt Nam đã có cơ hội chia sẻ các lĩnh vực nghiên cứu học thuật của mình đồng thời cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn cơ sở dữ liệu quốc tế phục vụ cho việc nghiên cứu. Cuộc họp đã đưa ra một số hướng hợp tác trong thời gian sắp đến giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN và Đại học Indiana như:

Đồng tổ chức Hội thảo quốc tế hoặc các học giả Đại học Indiana có thể tham dự Hội thảo quốc tế do DUE tổ chức với cương vị Diễn giả Hội thảo (Keynote Speakers);

Tổ chức các seminar học thuật trực tuyến (1-2 lần/tháng);

Hợp tác nghiên cứu xuất bản các bài báo quốc tế.


Cuối phiên họp, PGS.TS. Đặng Hữu Mẫn gửi lời cảm ơn đến Đoàn chuyên gia Hoa Kỳ đã dành thời gian đến làm việc và tin tưởng rằng với sự hỗ trợ tích cực của Dự án, Đại học Đà Nẵng sẽ trở nên bền vững và tự chủ hơn thông qua hệ thống và năng lực quản trị được cải thiện, chất lượng dạy và học được nâng cao và năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo được tăng cường.

Tin từ Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế

Ảnh: Trung tâm CNTT & TT