Cùng DUE truyền cảm hứng (phần 5): Phạm Thị Khánh Phượng - Giám đốc IIG Việt Nam tại Đà Nẵng
29/09/2020
Sự thành công của Khánh Phượng cũng như của nhiều bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng trong quá trình làm việc minh chứng một điều rằng: Điều quan trọng là biết vận dụng kiến thức vào thực tế khi bước vào thị trường lao động. Hãy cùng khám phá những điều thú vị về cô gái trẻ xinh đẹp và tài năng này nhé!
PV: Bạn có thể mô tả các công việc bạn đang phụ trách ?
Chào mọi người, mình là Phạm Thị Khánh Phượng, cựu SV khóa 32K. Mình đang là Giám đốc Điều hành của Chi nhánh IIG Việt Nam tại Đà Nẵng - Tổ chức Giáo dục chuyên về khảo thí Quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục và cung cấp giải pháp đào tạo. Hiện tại, mình đang quản lý điều hành toàn bộ hoạt động của IIG Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng bao gồm định hướng chiến lược phát triển kinh doanh, triển khai thực hiện các dự án với các Sở ban ngành, các Trường Đại học, Cao đẳng và Doanh nghiệp ở khu vực miền Trung; chịu trách nhiệm về các mảng nghiệp vụ khác như Hành chính, nhân sự, kế toán, quản trị…của Chi nhánh.
Chắc hẳn các bạn SV đã rất quen thuộc với các bài thi Quốc tế của IIG Việt Nam cung cấp như TOEIC, TOEFL, MOS…đây là những Chứng chỉ Quốc tế có giá trị và rất cần thiết trong hồ sơ các em khi bước vào thị trường lao động.
PV: Thời điểm bạn đi tuyển dụng, kiến thức do nhà trường cung cấp cho bạn có đủ và khiến bạn tự tin để hoàn thiện các câu trả lời của nhà tuyển dụng hay không? Nếu không đủ thì tại thời điểm đó bạn khắc phục bằng cách nào?
Kiến thức đã học được từ Giảng đường, cùng với những kỹ năng mình góp nhặt trong những năm tháng hoạt động Đoàn, mình rất tự tin để ứng tuyển vào vị trí Chuyên viên của IIG Việt Nam tại thời điểm đó. Tuy nhiên, bản thân nhận thấy lúc đấy cũng có khá nhiều thiếu sót, bù đắp lại những điểm còn non yếu về kiến thức thực tế và kinh nghiệm khi mới ra trường, mình thuyết phục nhà tuyển dụng bằng nhiệt huyết, khả năng tư duy và khả năng thích nghi nhanh của mình trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, khi đã được nhận vào, mình cũng phải trang bị thêm nhiều thứ, đặc biệt là về năng lực Tiếng Anh, kỹ năng Tin học và nhiều kỹ năng mềm khác, nhìn ra những điểm yếu và trau dồi thêm nhiều thông qua việc học tập từ thực tế công việc, từ đồng nghiệp… để có thể hoàn thiện bản thân mình hơn.
PV: Bạn đánh giá thế nào về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của nhà trường tại thời điểm đó?
Thời điểm hơn 10 năm trước, trong tâm trí của lứa sinh viên tụi mình thì Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cũng đã là ngôi trường mơ ước của rất nhiều bạn. Các thầy cô thật sự rất tâm huyết với học trò, sẵn sàng chia sẻ kiến thức và cả những khó khăn. Mặc dù cơ sở vật chất lúc đấy chưa thật sự hoành tráng và đầy đủ tiện nghi như bây giờ, nhưng mình vẫn cảm thấy thật may mắn khi được là sinh viên của Trường mình.
PV: Bạn có lời khuyên nào cho các em sinh viên?
Các bạn Sinh viên hãy đặt ra cho mình mục tiêu và kế hoạch để đạt được mục tiêu đó. Những năm tháng ở giảng đường sẽ giúp bạn có được những kiến thức chuyên môn vững chắc. Đồng thời, phải tự mình trang bị thêm về tiếng Anh, tin học đây là những yếu tố tạo nên lợi thế trong hồ sơ của bản thân, hai kỹ năng thiết yếu này sẽ khiến chính mình tự tin hơn rất nhiều. Ngoài ra, tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội sinh viên, các câu lạc bộ đội nhóm và phong trào tình nguyện để có cơ hội được gặp gỡ nhiều người, năng động hơn, hòa mình hơn và nhất là qua những lần tham gia này, các bạn cũng sẽ có thêm nhiều kỹ năng cần thiết. Những kỹ năng này sẽ giúp bạn sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới. Bằng những bước đi đầu tiên tuy còn chập chững nơi giảng đường, bạn sẽ có những bước đi vững chắc hơn khi ra thị trường lao động rộng lớn.
PV: Với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, bạn có những chia sẻ gì về cách học, cách nghiên cứu cũng như những kỹ năng cho các em sinh viên mong muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này không?
Để có thể đương đầu với thách thức khi nước ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp này, các bạn sinh viên phải chuẩn bị cho mình tri thức về công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng mềm thành thạo và kinh nghiệm làm việc thực tế để mở ra cánh cửa bước vào sân chơi toàn cầu hóa.
Trọng tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ thông tin. Do đó, các quốc gia muốn tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp này đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn.
Trau dồi vốn ngoại ngữ là yêu cầu mang tính cần thiết. Khả năng sử dụng ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội cho chúng ta tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp được với bạn bè quốc tế nhằm học hỏi và tiếp thu tri thức nhân loại.
Kỹ năng mềm thành thạo sẽ tạo nên lợi thế hòa nhập với môi trường làm việc. Chính vì vậy, kỳ thực tập là một lợi thế rất lớn giúp các bạn vượt qua các kỳ tuyển dụng gắt gao cũng như không bị ngỡ ngàng khi bắt tay vào việc. Bởi đây là thời điểm tốt nhất để các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình quan tâm.
Ngoài việc học đi đôi với hành, các bạn cũng phải tự ý thức được việc không ngừng học hỏi, nghiên cứu, bởi kiến thức và kỹ năng có thể được học ở bất cứ mọi nơi, qua Thầy cô, bạn bè, môi trường xã hội…
Xin chân thành cảm ơn bạn về buổi phỏng vấn này, chúc bạn ngày càng thành công.
Linh Phương – Trung tâm CNTT & TT