DHKT

Những vị khách phương xa

Những ngày này sân trường vàng nắng, đỏ tươi sắc phượng và thơm nồng hương xà cừ trên khắp lối đi. 

Những ngày này, sinh viên năm cuối bộn bề giữa bao nhiêu cảm xúc đan xen: vui có, buồn có, bâng khuâng có khi bước chân đến những điểm cuối cùng trong hành trình đại học và bắt đầu tự do tìm kiếm những ngả rẽ mới cho riêng mình, những ngả rẻ sẽ đi cùng các bạn có khi đến hết cuộc đời.

Những ngày này, sinh viên không phải năm cuối cũng ngập tràn trong bao nhiêu cảm xúc hạnh phúc sau mùa thi, sung sướng khi lần đầu được tiếp sức cho các sĩ tử đi thi để được nhìn thấy ánh mắt rạng ngời của các em hay đơn giản ngồi ngắm giá trị những ngày làm thêm đầu tiên của mùa hè…

Và những ngày này, sinh viên @ĐHKT vừa chiến thắng cuộc thi @Startup đang chuẩn bị cho chuyến đi học tập 1 tháng tại Ai Len sắp tới. Hơn nửa năm đồng hành với cuộc thi không dài so với một đời người nhưng lại là một hành trình rực rỡ và kì công của tất cả những người tham gia, dù ở vị trí nào. 

Đây là lần đầu tiên một cuộc thi về khởi nghiệp cho sinh viên được tổ chức bài bản và quy mô như thế tại Đà Nẵng. Với các thành viên ban tổ chức, nụ cười và trưởng thành của các bạn theo từng giai đoạn, từng workshop là hạnh phúc lớn nhất. Với các bạn tham gia cuộc thi, tri thức, kỹ năng và tinh thần đồng đội có lẽ là những thứ đi theo các bạn sau này. Với khán giả, lần đầu tiên các bạn được cập nhật thông tin nhiều như vậy, các bạn có cái để xem, để nhìn và để hồi hộp theo dõi. 

Hãy cùng lắng nghe cảm nhận từ những người bạn quốc tế - những người đã góp phần cho thành công của cuộc thi này!

BÀ NUALA OBRIEN: KHỞI NGHIỆP = “ĐAM MÊ + KHÔNG TỪ BỎ + ĐÚNG ĐỊNH HƯỚNG”
Bà Obrien hiện là phó đại sứ Ireland tại Việt Nam đánh giá rất cao tinh thần “chăm chỉ, ham học hỏi, sáng tạo và đầy tham vọng cầu tiến” của sinh viên Đà Nẵng. Sự sáng tạo trong suy nghĩ và học tập của các bạn sinh viên cũng đặc biệt gây cảm tình với vị khách này. Đồng thời, bà cũng rất ấn tượng những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn về mặt “giải pháp và cách ứng dụng công nghệ hiện đại”.

Khi được hỏi về cá yếu tố giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Đà Nẵng và rộng hơn là Việt Nam có thể thành công, bà chia sẻ ba yếu tố ngắn gọn: “nghiên cứu kỹ thị trường, thích nghi với sự thay đổi và chú tâm vào từng chi tiết nhỏ nhặt nhất”. Đây là kinh nghiệm của một chuyên gia đến từ một đất nước có phong trào khởi nghiệp hàng đầu thế giới.

Bà Obrien cũng chân thành đưa ra ba lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, đó là: “đam mê, không từ bỏ và cố gắng đi theo định hướng hơn là sa lầy vào các rắc rối phát sinh”. Nếu bạn có đam mê về sản phẩm và công việc kinh doanh của mình, bạn sẽ truyền được tinh thần đó đến tất cả mọi người. Việc thứ hai là không ngừng nỗ lực và cố gắng kiên trì ngay cả khi bạn đã thất bại nhiều lần. Và cuối cùng các doanh nghiệp phải đi theo các giải pháp có định hướng, bỏ qua các vấn đề nhỏ nhặt phát sinh và cố gắng chỉ ra các cơ hội để giải quyết vấn đề.

ÔNG GEORGE BULMAN – TÔI ĐÃ SAI LẦM KHI ĐÁNH GIÁ TỆ Ý TƯỞNG CỦA CÁC BẠN SINH VIÊN
Ông Bulman là thành viên dự án hợp tác khởi nghiệp đến từ CIT – đối tác của Trường, giám đốc trung tâm ươm tạo các dự án khởi nghiệp Rubicon, người có vai trò rất lớn từ những ngày đầu hình thành ý tưởng cũng như theo sát từng bước đi của các thành viên các đội thi. Cảm nhận của ông về sinh viên Việt Nam, đặc biệt là sinh viên Đà Nẵng gói gọn trong năm từ: “Háo hức, nhiệt tình, đầy năng lượng, thú vị và vô cùng khiêm tốn” (Eager, Energised, Enthusiastic, Exciting, and Extremely humble). Ông cho rằng các bạn thật tuyệt vời, các bạn nhìn cuộc sống theo cách hơi khác so với những người lớn và ông thích thái độ đó của các bạn.

Ban đầu, khi tiếp cận với các ý tưởng kinh doanh của các bạn sinh viên, ông cho rằng đó là những ý tưởng “rất tệ”. Tuy nhiên, ông nhận ra mình sai lầm hoàn toàn khi nhìn các dự án dưới con mắt của người phương Tây. Khi hiểu hơn về văn hóa và địa lý, ông cũng dần nhận ra rằng đó thực sự là “những ý tưởng rất hay” và có thể phát triển kinh doanh ra khỏi biên giới Việt Nam. Một điều nữa gây ấn tượng mạnh với George là thời gian từ lúc đưa ra ý tưởng đến khi hình thành các dự án chỉ vỏn vẹn ba tháng (từ tháng 3 đến tháng 6) trong khi các doanh nghiệp Ireland phải mất sáu tháng để thực hiện điều này.

Cuối cùng ông muốn nhắn gửi đến các bạn Việt Nam – những người đã, đang và có ý định khởi nghiệp rằng: Hãy học tiếng Anh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, học kinh doanh khi vào đại học, tiếp cận những vườn ươm nơi giúp nuôi dưỡng ý tưởng của các bạn và tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng. Bên cạnh đó, ông cũng hi vọng chính phủ Việt Nam sẽ có những hỗ trợ cần thiết như xây dựng cơ sở vật chất, thiết lập các vườn ươm khởi nghiệp và hỗ trợ tìm kiếm nhà đầu tư cho các ý tưởng kinh doanh mới. Ông tin rằng với những gợi ý như vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam sẽ có chỗ đứng và lớn mạnh trong tương lai.
BÀ BREDA KENNY – ẤN TƯỢNG VỚI NHỮNG Ý TƯỞNG ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC CHO XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG
Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Hincks của CIT cũng hào hứng với nhiệt huyết và năng lượng của sinh viên Đà Nẵng bởi sự sẵn sàng học hỏi, phản hồi và tương tác với những nhà đào tạo và tư vấn. Là nhà tư vấn cho 10 đội chung kết, bà thích thú với các ý tưởng về thực phẩm, nông nghiệp, du lịch, y tế, dược, tái tạo năng lượng. Bà tin rằng qua thành công của các đội thắng cuộc, họ sẽ có một mùa hè ý nghĩa tại CIT khi làm việc với những nhà khởi nghiệp, đào tạo, tư vấn, cố vấn kinh doanh trẻ.

Mong rằng ý tưởng của các bạn sinh viên sẽ sớm thành hiện thực và những ước mơ còn ấp ủ sẽ được tỏa sáng trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng.

Thực hiện: Trung tâm CNTT & Truyền thông