DHKT

Báo Đà Nẵng: Chia sẻ gánh nặng học đường

22/12/2017

Bước vào cổng trường đại học, nhiều sinh viên (SV) nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như được tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm ăn học thành tài khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính nhà trường và các tổ chức xã hội khác…

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ tài chính đối với Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Cụ thể, nhà trường tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; quyết định việc mở ngành, hoặc ngưng mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nằm trong danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân; thí điểm mở ngành đào tạo nằm ngoài danh mục giáo dục, dạy theo nhu cầu xã hội nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật…Để thực hiện điều này, qua tính toán của nhà trường, học phí của SV từ khóa tuyển sinh năm 2017 (tức khóa 43) có sự điều chỉnh tăng từ 20% đến 40% so với trước (các khóa cũ không tăng).
PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết, để việc điều chỉnh tăng học phí (từ khóa 43) không có những tác động tiêu cực đến SV thuộc gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Trường ĐH Kinh tế có những chính sách hỗ trợ cụ thể, như: học phí đối với SV thuộc diện gia đình chính sách được giữ nguyên; tiếp tục hỗ trợ cho SV thuộc diện chính sách này theo các hình thức miễn, giảm 100%, 70% và 50% học phí theo quy định.
Đặc biệt, đối với SV thuộc gia đình hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ, ngoài các học bổng khuyến khích học tập, học bổng tài trợ từ doanh nghiệp, từ năm 2017, nhà trường sẽ hỗ trợ toàn bộ lãi vay nếu SV phải vay tiền để trang trải chi phí học tập tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Mức hỗ trợ tối đa lên đến 8.910.000 đồng/SV/khóa học.
Với biên bản thỏa thuận được ký kết với Ngân hàng CSXH, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) trở thành trường đại học đầu tiên trên cả nước trả lãi vốn vay giúp SV. Theo khảo sát, sẽ có khoảng 150 SV khóa 43K nhận được mức hỗ trợ này.

Đại diện Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng, bên trái) và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trao thỏa thuận ký kết hỗ trợ trả lãi vay cho sinh viên nghèo. (Ảnh do Trường ĐH Kinh tế cung cấp)

Đại diện Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng, bên trái) và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trao thỏa thuận ký kết hỗ trợ trả lãi vay cho sinh viên nghèo. (Ảnh do Trường ĐH Kinh tế cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, chính sách hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện cho nhiều SV nghèo tiếp tục đến trường, giảm bớt gánh nặng cho những gia đình khó khăn. Đồng thời, ông Lý nhấn mạnh, thời gian tới sẽ nhanh chóng nhân rộng mô hình này ra các tỉnh, thành khác. Bởi theo ông, việc tự chủ tài chính cũng là động lực để các trường nâng cao năng lực giảng dạy, xây dựng cơ sở hạ tầng, tích cực liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho SV khi ra trường. 
An sinh từ giảng đường không chỉ là việc tạo mọi điều kiện để SV có thể tiếp tục đến trường. Nhiều năm nay, hệ thống các trường ĐH, CĐ trên cả nước thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để mọi SV khi ra trường đều có cơ hội tiếp cận việc làm ngang nhau.
Mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác giáo dục nghề nghiệp”. Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, 596 lượt doanh nghiệp liên kết với 35 cơ sở đào tạo, tiếp nhận hơn 4.000 học sinh, SV vào làm việc. Nhờ đó, có không ít SV có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng có việc làm ngay khi ra trường.
Có thể nói, khi xã hội phát triển, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội quan tâm đến câu chuyện dân sinh, và khi đó, nhà trường chính là cầu nối để sự quan tâm ấy đến được với SV nghèo.

Xem trên báo Đà Nẵng online: http://baodanang.vn/channel/5433/201712/chia-se-ganh-nang-hoc-duong-2582773/

TIỂU YẾN