DHKT

  • Lịch sử công đoàn Việt Nam

    1. Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam:
    Ngày 28/7/1929. Tại số nhà 15 phố Hàng Nón – Hà Nội, Ban Chấp hành lâm thời Đông dương Cộng sản Đảng đã quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất (tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam).
    Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương lâm thời Tổng công hội Đỏ do đ/c Nguyễn Đức Cảnh Uỷ viên BCH Trung ương lâm thời Đông dương Cộng sản Đảng đứng đầu.
    Trong cuốn “Đường cách mệnh” Bác Hồ viết về tính chất nhiệm vụ tổ chức Công hội đỏ (nay là tổ chức Công đoàn Việt Nam) như sau: “Tổ chức công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi của công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
    2. Tên gọi của Công đoàn Việt Nam qua các thời kỳ

    Từ năm 1929 đến nay Công đoàn Việt Nam đã qua 7 lần thay đổi tên gọi
    - Công Hội đỏ : 1929 – 1935
    - Nghiệp đoàn Ái Hữu : 1935 – 1939
    - Hội Công nhân Phản Đế : 1939 – 1941
    - Hội Công nhân Cứu Quốc : 1941 – 1946
    - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam : 1946 – 1961
    - Tổng Công đoàn Việt Nam : 1961 – 1988
    - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam : 1988 đến nay
    3. Các kỳ đại hội của Công đoàn Việt Nam

    Công đoàn Việt Nam đã qua 9 kỳ đại hội:

    - Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất : Họp từ ngày 01 – 15/01/1950 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đ/c Hoàng Quốc Việt - Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch.
    - Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II : Họp từ ngày 23 – 27/2/1961 tại trường Thương nghiệp – Hà Nội (Cầu Diễn – Từ Liêm – Hà Nội). Đ/c Hoàng Quốc Việt được bầu lại làm Chủ tịch.
    - Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III : Họp từ ngày 11 – 14/2/1974 tại Hội trường Ba Đình – Hà Nội. Đ/c Hoàng Quốc Việt được bầu lại làm Chủ tịch.
    Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV : Họp từ ngày 8 – 11/5/1978 tại Hội trường Ba Đình – Hà Nội. Đ/c Nguyễn Văn Linh, Uỷ viên Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được bầu làm Chủ tịch.
    - Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V : Họp từ ngày 12 – 15/11/1983 tại Hội trường Ba Đình – Hà Nội. Đ/c Nguyễn Đức Thuận - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được bầu làm Chủ tịch.
    - Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ VI : Họp từ ngày 17 – 20/10/1988 tại Hội trường Ba Đình – Hà Nội. Đ/c Nguyễn Văn Tư - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được bầu làm Chủ tịch.
    - Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII : Họp từ ngày 9 – 12/10/1993 tại Hội trường Ba Đình – Hà Nội. Đ/c Nguyễn Văn Tư được bầu lại làm Chủ tịch.
    - Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII : Họp từ ngày 3 – 6/11/1998 tại Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô – Hà Nội. Đ/c Cù Thị Hậu - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được bầu làm Chủ tịch.
    - Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX : Họp từ ngày 10 – 13/10/2003 tại Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô – Hà Nội. Đ/c Cù Thị Hậu Uỷ viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được bầu lại làm Chủ tịch. Hội nghị lần thứ 8, BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá IX, ngày 28/12/2006 đã bầu Đ/c Đặng Ngọc Tùng - UV BCH Trung ương Đảng giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thay đ/c Cù Thị Hậu nghỉ hưu.
    4. Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam

    - Cơ quan Trung ương Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
    - Liên đoàn Lao động tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Công đoàn ngành Trung ương
    - Liên đoàn Lao động quận, huyện và tương đương (CĐ cấp trên cơ sở)
    - Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn
    5. Chức năng của Công đoàn Việt Nam

    - Chức năng thứ nhất : Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC-LĐ.
    - Chức năng thứ hai: Tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế xã hội, tham gia kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế.
    - Chức năng thứ ba : Giáo dục động viên CNVC-LĐ phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
    6. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở

    6.1. Nhiệm vụ quyền hạn công đoàn cơ sở trong Doanh nghiệp Nhà nước có 5 nhiệm vụ:

    - Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm cụ của tổ chức công đoàn. Giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, pháp luật, khoa học kỹ thuật, nghề nghiệp.
    - Phối hợp với Giám đốc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức đại hội công nhân - viên chức, đại diện cho tập thể lao động ký kết Thoả ước lao động tập thể và hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên và CNVC-LĐ. Tham gia với Giám đốc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đời sống và phúc lợi của CNVC-LĐ, tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện trong CNVC-LĐ.
    - Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ chính sách, pháp luật. Đấu tranh ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội. Phát hiện và tham gia giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
    Tổ chức vận động đoàn viên và CNVC-LĐ trong doanh nghiệp thi đua yêu nước, tham gia quản lý doanh nghiệp, phát huy sáng kiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
    - Phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.
    6.2. Nhiệm vụ quyền hạn công đoàn cơ sở trong Công ty cổ phần, Công ty TNHH có 6 nhiệm vụ:

    - Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Tuyên truyền phổ biến các chế độ, chính sách, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước trong đoàn viên và người lao động, thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
    - Hướng dẫn giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
    - Đại diện cho tập thể lao động xây dựng và ký Thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, giám sát việc thi hành các chế độ chính sách, pháp luật, việc thực hiện các điều khoản đã được ký kết trong Thoả ước.
    - Đại diện cho tập thể lao động tham gia hội đồng hoà giải lao động cơ sở và tham gia giải quyết các tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.
    - Tổ chức động viên đoàn viên và lao động thi đua yêu nước để hoàn thành nhiệm vụ, tham gia các hoạt động xã hội; giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và cuộc sống; phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
    - Tuyên truyền phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.