DHKT

Công khai luận án tiến sĩ của NCS Trần Thị Thúy Ngọc

15/09/2021

Công khai luận án tiến sĩ của NCS Trần Thị Thúy Ngọc

 

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Thúy Ngọc

2. Tên đề tài luận án: Tác động của sắp xếp cuộc sống đến sức khỏe và tình trạng làm việc của người cao tuổi Việt Nam

3. Ngành: Kinh tế phát triển; Mã số: 62.31.01.05

4. Người hướng dẫn khoa học:      1. PGS.TS Giang Thanh Long

                                                           2. PGS.TS Bùi Quang Bình.

5. Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

6. Những đóng góp mới của luận án

Đóng góp về mặt lý luận

  Đã có nhiều nghiên cứu ở Việt Nam và các nước về các vấn đề kinh tế-xã hội và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi (NCT), nhưng cho tới nay vẫn còn rất ít nghiên cứu về sức khỏe (cả về thể chất và tâm thần) và tình trạng làm việc của NCT, đặc biệt trong mối liên hệ với sắp xếp cuộc sống (hay sắp xếp cư trú) của người cao tuổi. Do đó, kết quả nghiên cứu của luận án về tác động của sắp xếp cuộc sống (SXCS) đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và tình trạng làm việc của NCT là sự bổ sung cần thiết, đúng lúc cho các nghiên cứu về chủ đề này trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, các kết quả nghiên cứu của luận án gắn liền với đặc thù của Việt Nam – một nước có thu nhập trung bình thấp nhưng có tốc độ già hóa dân số rất nhanh – cũng là sự bổ sung cần thiết. Về mặt học thuật, luận án có những đóng góp sau đây:

- Luận án đã thực hiện hệ thống hóa các lý thuyết về SXCS, sức khỏe, làm việc và tác động của SXCS đến sức khỏe và tình trạng làm việc của NCT. Trên cơ sở này, tác giả đã xây dựng được định nghĩa về sắp xếp cuộc sống của NCT và phân loại cách SXCS phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội và bối cảnh văn hóa của Việt Nam.

-  Trên cơ sở xây dựng khung phân tích và mô hình hồi quy phù hợp để lượng hóa tác động của SXCS đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và tình trạng làm việc của NCT, luận án đã góp phần bổ sung và hoàn thiện phương pháp nghiên cứu tác động của SXCS đến sức khỏe và tình trạng làm việc của NCT. Phương pháp này hoàn toàn có thể được áp dụng ở các nước có điều kiện kinh tế-xã hội tương tự như Việt Nam và có những dữ liệu, thông tin tương ứng.  

- Đóng góp về mặt thực tiễn

  Việt Nam là nước có mức thu nhập trung bình thấp nhưng dân số đang già hóa rất nhanh. Tuy nhiên, thực trạng về SXCS tác động thế nào tới sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần và tình trạng làm việc của NCT – những vấn đề rất quan trọng để hướng tới “già hóa thành công”, “già hóa tích cực” – vẫn còn bỏ ngỏ và chưa được phân tích thấu đáo, khoa học. Do đó, luận án này đã có những đóng góp về mặt thực tiễn như sau:

- Bằng việc sử dụng dữ liệu có tính đại diện quốc gia về NCT, luận án cung cấp các kết quả thực tiễn về SXCS, sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và tình trạng làm việc hiện nay của NCT Việt Nam;

- Luận án làm rõ được cách thức SXCS của NCT đã có tác động đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và tình trạng làm việc của NCT như thế nào trong bối cảnh của Việt Nam để từ đó bổ sung thêm bằng chứng thực tiễn về vấn đề này không chỉ cho các nghiên cứu của Việt Nam mà cả những nghiên cứu về NCT nói chung và vấn đề SXCS, sức khỏe và làm việc của NCT cho thế giới;

- Luận án có thể là nguồn học liệu cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh cũng như là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, nhà lập chính sách trong lĩnh vực nghiên cứu này.

- Đóng góp về chính sách

Phát triển bao trùm với mục tiêu “không bỏ lại ai ở phía sau” đang được chính phủ Việt Nam theo đuổi nên việc bảo vệ người cao tuổi về sức khỏe (qua chế độ chăm sóc sức khỏe) và an sinh thu nhập (qua việc làm) là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh và thách thức “chưa giàu đã già”. Cùng với nhiều nghiên cứu trước đó, luận án này đóng góp thêm các luận điểm chính sách quan trọng khi chỉ ra các yếu tố, trong đó có SXCS của NCT, đã tác động thế nào tới sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần cũng như quyết định làm việc của NCT. Các kết quả của luận án có thể là đầu vào, là bằng chứng cho việc đề xuất các chính sách phù hợp trong việc chăm sóc cũng như phát huy vai trò của NCT trong gia đình, cộng đồng và xã hội như đã được nhấn mạnh trong “Kế hoạch hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030” cùng nhiều văn bản chính sách khác của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, kết quả của luận án cũng củng cố thêm các bằng chứng cho việc cần phải có những điều chỉnh về chiến lược và chính sách để thích ứng với dân số già hóa nhanh, trong đó chăm sóc sức khỏe và an sinh thu nhập là những mục tiêu quan trọng.

7. Thời gian, địa điểm đánh giá luận án: Sẽ công bố sau

8. Nội dung luận án: https://drive.google.com/file/d/1aHlEFn2qY6tADOfvz1wC5xSy-88adS6X/view?usp=sharing