GIỚI THIỆU NGÀNH KHOA HỌC DỮ LIỆU VÀ PHÂN TÍCH KINH DOANH
1. Mục tiêu đào tạo:
Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh (DSBA - Data Science & Business Analytics) là ngành học liên ngành, kết hợp Toán - Thống kê, Kinh tế - Kinh doanh và Công nghệ thông tin, nhằm trang bị cho người học năng lực tổ chức, khai thác và phát triển các hệ thống dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong các doanh nghiệp. Chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh hướng tới các mục tiêu sau:
(1) Đào tạo các cử nhân kinh tế có đủ kiến thức và kỹ năng về khoa học dữ liệu ứng dụng trong kinh doanh, nhất là quản trị và khai thác dữ liệu lớn;
(2) Đào tạo các cử nhân kinh tế có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong khoa học dữ liệu để phát hiện các vấn đề trong hoạt động kinh doanh, quản lý và hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu một cách tối ưu và thông minh;
(3) Phát triển năng lực đào tạo trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, phục vụ cho việc phát triển các ngành học khác trong tương lai.
Các năng lực quan trọng được tập trung trong chương trình đào tạo này là ứng dụng các tiến bộ của khoa học dữ liệu vào phân tích kinh doanh như phân tích và dự báo thị trường, phân tích và dự báo kết quả kinh doanh, phân tích hoạt động nội bộ, phân tích dữ liệu khách hàng… Ngoài ra, cử nhân ngành Khoa học dữ liệu và Phân tích kinh doanh cũng được trang bị các kỹ năng như tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng hợp tác, giao tiếp quốc tế, phát hiện và giải quyết vấn đề, đáp ứng đủ năng lực để có thể thành công và phát triển sự nghiệp trong môi trường kinh doanh hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0.
2. Về nhu cầu xã hội:
Khoa học Dữ liệu và Phân tích kinh doanh được tạp chí Harvard Business Review gọi là “Nghề nghiệp hấp dẫn nhất thế kỷ 21”. Thuật ngữ “Khoa học Dữ liệu” đã trở thành một từ khóa phổ biến trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên các diễn đàn về việc làm. Tại Hoa Kỳ, Khoa học Dữ liệu đứng đầu trong số 25 nghề tốt nhất, đứng thứ 16 về mức lương và đứng đầu trong số 10 ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất hiện nay. Các vị trí nghề nghiệp đòi hỏi các năng lực về phân tích dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu lớn đang gia tăng nhanh chóng ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng các chức danh nghề nghiệp liên quan đến khoa học dữ liệu trong các doanh nghiệp đang tăng lên nhanh chóng và dự báo sẽ trở nên cấp thiết trong các năm sắp tới. Trong xu hướng của CMCN 4.0, đặc biệt là giai đoạn chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của dữ liệu trong hoạt động tác nghiệp và điều hành, nhất là đối với việc ra quyết định kinh doanh thông minh. Việc này đòi hỏi cần có đội ngũ nhân lực có khả năng phân tích và khai thác được sức mạnh của dữ liệu, giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động tác nghiệp và hỗ trợ ra quyết định trong doanh nghiệp, cũng như các tổ chức kinh tế - xã hội.
Sinh viên theo học ngành Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh có nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp:
- Lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong thời đại CMCN 4.0 với nhiều cơ hội phát triển bản thân;
- Bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực, nhu cầu tuyển dụng cao và chế độ đãi ngộ tốt;
- Các công việc có phạm vi ứng dụng rộng, vị trí việc làm linh hoạt;
- Các điều kiện tốt để phát triển nghề nghiệp và cá nhân như làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia, làm việc với các chuyên gia hàng đầu, tiếp cận tiến bộ của khoa học dữ liệu, …;
- Có cơ hội để tiếp cận với các xu hướng công nghệ số mới của thế giới như AI, IoT, Big Data, Blockchain…
Về công việc: Các khối công việc có thể tập trung
- Quản trị, khai thác dữ liệu và dữ liệu lớn
- Phân tích dữ liệu doanh nghiệp, báo cáo kinh doanh
- Phân tích dữ liệu khách hàng
- Phân tích và dự báo kinh tế - thị trường.
Vị trí việc làm:
- Chuyên viên quản trị và khai thác cơ sở dữ liệu
- Chuyên viên phân tích dữ liệu lớn
- Chuyên viên phân tích và nghiên cứu thị trường (xây dựng mô hình phân tích và dự báo thị trường) tại các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ
- Chuyên viên tư vấn và phân tích kinh doanh tại các tổ chức tài chính – ngân hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
- Chuyên viên quản trị hệ thống thông tin và chăm sóc khách hàng
- Tự khởi nghiệp liên quan đến ứng dụng công nghệ số tiên tiến trên nền tảng khoa học dữ liệu như AI, IoT, Big Data, Blockchain…
Khả năng phát triển nghề nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu và Phân tích kinh doanh có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội cũng như tự khởi sự kinh doanh. Các hướng phát triển nghề nghiệp của cử nhân DS&BA gồm có :
- Tiếp tục vương lên các bậc cao hơn trong các chức danh nghề nghiệp tại doanh nghiệp liên quan đến phân tích kinh doanh, quản trị dữ liệu hay quản trị hệ thống thông tin. Sau 5 năm, cử nhân DS&BA với tích lũy kinh nghiệm và kiến thức có thể đảm nhận các vị trí như : giám đốc dữ liệu, giám đốc chăm sóc khách hàng, phụ trách hệ thống thông tin doanh nghiệp, v.v.
- Tiếp tục học tập lên các bậc học cao hơn như thạc sỹ quản trị kinh doanh, thạc sĩ về phân tích kinh doanh hay thạc sỹ chuyên sâu về khoa học dữ liệu.
- Tự phát triển kinh doanh riêng các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ dữ liệu, dịch vụ phân tích kinh doanh hay phát triển các mô hình start-up trong các lĩnh vực có sử dụng khoa học dữ liệu.