DHKT

ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm mở cùng Cộng đồng doanh nghiệp Du lịch: Nhà trường mở lòng nghe Nhà tuyển dụng hiến kế cho nội dung đào tạo

28/10/2016

(ictdanang)- “Tôi cho rằng trong chương trình, Nhà trường cần đưa vào Luật Du lịch Việt Nam, các em phải có nhận thức về những điều kiện pháp lý và một môi trường như thế nào để bảo đảm cho sự hoạt động của ngành Du lịch, biết cái gì ngành Du lịch được phép làm, cái gì không nên và thậm chí bị cấm.

Các em cũng phải được trang bị kiến thức về Luật Di sản văn hóa để chính các em hướng dẫn lại cho du khách, cho người sử dụng dịch vụ ý thức được phải bảo vệ giá trị của di tích, di sản, biết giữ gìn giá trị đó, không xâm hại, không làm biến dạng và luôn nhớ mỗi một di tích, di sản phải sống cùng một môi trường không ô nhiễm.

Nếu đoàn khách đến trước, xả rác bừa bãi, làm điểm tham quan bị dơ bẩn, mất vệ sinh, thì đoàn khách đến sau sẽ từ chối ngay, hoặc họ vẫn đến do chương trình dừng chân có sẵn trong tour…

Nhưng thông tin này lan ra, sẽ không ai còn đến thăm điểm ấy nữa. Nhận thức quyết định hành động. Các em phải được trang bị kiến thức và kỹ năng ngay từ ghế giảng đường một cách có hệ thống thì mới có thể hành nghề đúng nghĩa”” – ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ như trên tại buổi Tọa đàm về chương trình đào tạo và thực tập tốt nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Du lịch (do khoa Du lịch, trường Đại học {ĐH} Kinh tế - ĐH Đà Nẵng tổ chức).

 TS Trương Sỹ Quý – Chủ nhiệm Khoa Du lịch (trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng): Chúng tôi đã gửi đến quý lãnh đạo doanh nghiệp tham dự tọa đàm, toàn bộ chương trình đào tạo. Cụ thể và rất chi tiết.Buổi tọa đàm hôm nay sẽ cho thêm chúng tôi những điều khoản “đặt hàng” sát với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc để không ngừng hoàn thiện chương trình, phương pháp, nội dung đào tạo.

 

 

 

 

Có lắng nghe đánh giá từ chính Nhà tuyển dụng thì hệ thống đào tạo của Nhà trường mới thường xuyên chủ động tự điều chỉnh !

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó GS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trường trường Đại học {ĐH} Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, khẳng định:

Khoa Du lịch là một trong những Khoa quan trọng của Trường. Hoạt động đào tạo các chuyên ngành của Khoa Du lịch cũng có những đặc thù riêng so với các chuyên ngành khác trong Trường. Hiện nay, Khoa đang đảm nhận chuyên môn đào tạo 3 chuyên ngành: Quản trị (QT) kinh doanh Du lịch; QT Khách sạn; QT sự kiện và lễ hội. Trong thời gian qua, hoạt động đào tạo của Khoa đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về qui mô cũng như chất lượng đào tạo. Quan hệ hợp tác quốc tế cũng như hợp tác với các doanh nghiệp ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, Nhà trường cũng kỳ vọng rất lớn rằng, chính sự tham gia và đóng góp ý kiến quý báu của đông đảo các doanh nghiệp trong các lĩnh vực du lịch, lữ hành, khách sạn và tổ chức sự kiện (tại buổi Tọa đàm) , sẽ giúp Trường có những điều chỉnh tích cực và kịp thời các chương trình đào tạo, hoạt đông thực tập tốt nghiệp cũng như chuẩn nghề nghiệp cho sinh viên các chuyên ngành du lịch. Và đây là một diễn đàn cởi mở, chân tình và thẳn thắn giữa các nhà nghiên cứu, giảng dạy và của những người làm công tác thực tiễn.

Phó GS.TS Nguyễn Mạnh Toàn:

Một trong những định hướng quan trong của Nhà trường là “Đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội”.

-Ảnh: T.N

Phó GS.TS Nguyễn Mạnh Toàn cũng cam kết, theo đó, điều quan trọng hàng đầu là hệ thống đào tạo của Nhà trường sẽ phải thường xuyên được đánh giá để tự điều chỉnh thông qua các hoạt động lấy ý kiến phản hồi của người học, cựu SV, người sử dụng lao động về hoạt động giảng dạy, chương trình đào tạo, … Điều quan trọng là chương trình đào tạo phải làm sao đáp ứng được yêu cầu thực tiễn tại các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo chuẩn hóa và hiện đại hóa, tiếp cận trình độ các nước  tiên tiến  trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo tính liên thông giữa các ngành, các hệ đào tạo, liên thông với chương trình đào tạo của các trường trong và ngoài nước.

Một trong những định hướng quan trong của Nhà trường là “Đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội”, sẽ được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và cụ thể qua các biện pháp:

* Thường xuyên rà soát và điều chỉnh các chương trình đào tạo bậc ĐH và sau ĐH, trong đó xác định rõ mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra theo hướng đáp ứng nhu cầu  thiết  thực của xã hội về nguồn nhân lực, phát triển năng lực học tập suốt đời cho người học.

** Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy tích cực, chú trọng phát triển các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm thông qua các hoạt động ngoại khóa, tăng cường khối kiến thức thực hành, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo thông qua nhiều hình thức đa dạng như: mời các chuyên gia từ các doanh nghiệp về trường giảng dạy các học phần, trao đổi hướng dẫn cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng thực tế, tổ chức đưa sinh viên đến các doanh nghiệp để tham quan, thực tập, làm việc...

Chúng tôi đã-đang và sẽ phải luôn thay đổi hướng tiếp cận để giới thiệu với Nhà tuyển dụng nguồn lực tốt nhất !

Theo TS Trương Sỹ Quý – Chủ nhiệm Khoa Du lịch (trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng), thông thường, ở các nước, đào tạo QT kinh doanh Du lịch và Khách sạn chủ yếu do các trường chuyên ngành Du lịch, Khách sạn đảm nhận.

Ở đó, Khoa được hỗ trợ về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hỗ trợ các môn cơ sở ngành về nghiệp vụ nghề, các môn kỹ thuật cơ sở (bảo trì khách sạn, an ninh khách sạn,…). Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng chuyên về đào tạo Kinh tế và QT kinh doanh, nên những môn cơ sở là các môn thuộc Kinh tế và QT thiếu hẳn các môn nghiệp vụ du lịch.

Hơn nữa, như đã tuyên bố và cam kết với cộng đồng, trường ĐH Kinh tế xác định mình là một trường ĐH định hướng nghiên cứu, cho nên mục tiêu đào tạo là đào tạo người có khả năng tự nghiên cứu, làm việc suốt đời hơn là đào tạo người có kỹ năng thực hành, thạo việc ngay từ khi tốt nghiệp.

Với những ràng buộc trên, song Khoa vẫn đề nghị với Hội đồng Khoa học nhà trường quan tâm đến một số nét khác biệt trong định hướng đào tạo của Khoa.

Đó là trong khi vẫn thực hiện sứ mệnh chung của Nhà trường về định hướng nghiên cứu, Khoa Du lịch đã xin để có một số tín chỉ thỏa đáng cho rèn luyện kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ. Điều này đưa đến mục tiêu phấn đấu trong đào tạo, bảo đảm cho sự phấn đấu trong 2 giai đoạn của sinh viên sau tốt nghiệp: giai đoạn 1 (3 năm sau tốt nghiệp): đủ kiến thức và kỹ năng phấn đấu trở thành cấp supervisor (giám sát – tổ trưởng), giai đoạn 2: phấn đấu trở thành cấp quản trị bộ phận và cao hơn trong doanh nghiệp du lịch, sự kiện, khách sạn.

Ông Huỳnh Tấn Vinh:

Nhận thức quyết định hành động. Các em phải được trang bị kiến thức và kỹ năng ngay từ ghế giảng đường một cách có hệ thống mới có thể hành nghề đúng nghĩa”.

-Ảnh: T.N.

Khoa và Trường cũng tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Đà Nẵng, Hội An, nhất là các doanh nghiệp có hệ thống quản lý chuẩn mực. Bởi trước hết là thông qua các hoạt động lao động part time của sinh viên, các giờ kiến tập tại doanh nghiệp và đặc biệt là qua kỳ thực tập tốt nghiệp, trang bị nhiều kỹ năng từ thực hành đến hành nghề.

Nhờ vậy, trong vòng 3 năm đầu sau khi tốt nghiệp: Các em sinh viên có thể làm ở các vị trí trực tiếp cung ứng dịch vụ trong các doanh nghiệp du lịch (nhân viên thiết kế tour, nhân viên điều hành tour, nhân viên bán tour đối với ngành QT kinh doanh du lịch, nhân viên tổ chức sự kiện, nhân viên điều phối tổ chức sự kiện, nhân viên PR nội bộ đối với ngành QT Sự kiện và lễ hội, nhân viên lễ tân, buồng, bàn-bar đối với ngành QT Khách sạn) và các vị trí tác nghiệp trong các bộ phận chức năng (Marketing, Nhân sự, Tài chính) của các doanh nghiệp du lịch.

Sau khi trải nghiệm ở vị trí nhân viên, sinh viên có thể đảm nhiệm vị trí giám sát (supervisor) của các nhóm nhân sự trực tiếp cung ứng dịch vụ hoặc thuộc các hoạt động chức năng.

Và sau khi tốt nghiệp 3 năm, với khoảng thời gian này, sinh viên đã có thể tích lũy được kinh nghiệm, củng cố và làm giàu thêm kiến thức nghề nghiệp của mình, sinh viên có thể đảm nhiệm các vị trí cao hơn trong bộ máy tổ chức của các doanh nghiệp du lịch như trợ lý trưởng bộ phận, trưởng bộ phận, các nhà quản trị cấp cao và thậm chí, có thể tự làm chủ một doanh nghiệp du lịch.

TS Trương Sỹ Quý cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, các mục tiêu đặt ra ở trên đều xuất phát từ những ràng buộc của mã ngành, của Trường, của người học trong điều kiện yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp du lịch, tuy nhiên, bản thân Khoa Du lịch cũng nhận thấy:

Về nhận thức một cách đầy đủ, thì việc đào tạo một cán bộ QT kinh doanh du lịch trình độ ĐH vẫn quan trọng nhất là đào tạo một người có khả năng làm việc và tự phát triển suốt đời.

Song Khoa cho rằng, khối lượng thời gian dành cho chuẩn đầu ra (CĐR) tiêu chí 2 (Hiểu biết cơ bản về kinh tế-xã hội và QT kinh doanh) là quá nhiều (39 tín chỉ tức gần 1/4 tổng thời gian). Khoa sẽ tiếp tục kiến nghị nhà trường xem xét giảm bớt số học phần khối này để thay bằng những học phần thực hiện các chuẩn đầu ra khác còn chưa thỏa đáng.

Việc thực hiện cả 4 CĐR về kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là CĐR tiêu chí 11 (Thực hành tốt các hoạt động cung ứng dịch vụ trong các doanh nghiệp du lịch (tổ chức sự kiện, lễ hội và khách sạn) là yêu cầu thiết thực, cụ thể của doanh nghiệp du lịch khi tuyển dụng; song đáng tiếc, chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa đáp ứng thỏa đáng. Những hạn chế trong chương trình đào tạo của mình, Khoa đã và đang hết sức nỗ lực khắc phục.

Buổi tọa đàm hôm nay sẽ cho thêm chúng tôi những điều khoản “đặt hàng” sát với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc để không ngừng hoàn thiện chương trình, phương pháp, nội dung đào tạo.

Bên cạnh đó, Khoa cũng rất mong sự hỗ trợ, phối hợp của các doanh nghiệp du lịch. Nhất là 1 trong 2 nội dung chủ yếu của buổi tọa đàm hôm nay: Thực tập tốt nghiệp.

Khoa mong muốn rằng, Khoa và các doanh nghiệp sẽ tìm được tiếng nói chung để cả ba bên: Nhà Trường, Doanh nghiệp, Người học đều đạt được lợi ích qua việc triển khai thực tập. Tinh thần chung là việc xin thực tập tại doanh nghiệp hoàn toàn giống xin tuyển dụng (Sinh viên phải làm CV ghi rõ trình độ học tập, trình độ ngoại ngữ, các hoạt động cộng đồng đã tham gia, thời gian, vị trí làm bán thời gian đã thực hiện,…), mong rằng doanh nghiệp xem xét hồ sơ sinh viên để quyết định nhận hay không nhận sinh viên thực tập, bố trí thực tập đúng sở trường và nguyện vọng của sinh viên.


 

Các SV tham dự tọa đàm


T.Ngọc thực hiện


Liên hệ

Phòng công tác sinh viên- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng

(0511) 3-954-243

sdh@due.edu.vn