DHKT

Hội thảo khoa học về Đổi mới phương pháp giảng dạy theo mô hình đào tạo kết hợp (Blended Learning)

06/08/2024

Sáng ngày 5/8, Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN tổ chức Hội thảo khoa học về Đổi mới phương pháp giảng dạy theo mô hình đào tạo kết hợp (Blended Learning). Hội thảo là cơ hội cho các giảng viên trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình giảng dạy, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Hội thảo cung cấp kiến thức, kỹ năng và công cụ giúp giảng viên ứng dụng hiệu quả phương pháp đào tạo kết hợp (Blended Learning) trong giảng dạy, đồng thời cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại, đặc biệt là những phương pháp đã được chứng minh hiệu quả trong chương trình Professional Development for Blended Courses (ToT program) do dự án USAID Partnership for Higher Education Reform (PHER) tổ chức. Hội thảo cũng tạo diễn đàn trao đổi học thuật, mang đến cơ hội cho các giảng viên, nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và học hỏi từ các đồng nghiệp.

PGS.TS. Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Nội dung hội thảo bao gồm bảy chủ đề thuộc mô-đun đào tạo theo chương trình USAID - PHER - Professional Development for Blended Courses (ToT program), như sau:

- Các yếu tố thiết yếu của học tập kết hợp (Essential Elements of Blended Learning) - Hiểu các thành phần cốt lõi của phương pháp học tập kết hợp, bao gồm sự tích hợp giữa giảng dạy trực tiếp và các hoạt động học tập trực tuyến để nâng cao sự tham gia và kết quả học tập của sinh viên.

- Nguyên tắc cơ bản của học tập kết hợp (Basic Principles of Blended Learning) - Hiểu các nguyên tắc cơ bản hướng dẫn học tập kết hợp như tính linh hoạt, giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm, và sử dụng các phương pháp giảng dạy đa dạng để đáp ứng các phong cách và nhu cầu học tập khác nhau.

- Nguyên tắc nâng cao của học tập kết hợp (Advanced Principles of Blended Learning) - Khám phá các chiến lược tiên tiến để triển khai học tập kết hợp, bao gồm việc sử dụng công nghệ học tập thích ứng, giảng dạy dựa trên dữ liệu, và các lộ trình học tập cá nhân hóa để tối đa hóa sự thành công của sinh viên.

- Đánh giá học tập của sinh viên (Student Learning Assessment) - Tăng cường cách đánh giá học tập của sinh viên thông qua nhiều phương pháp đánh giá khác nhau, bao gồm đánh giá hình thành và đánh giá tổng kết để đảm bảo các mục tiêu học tập được đáp ứng và cung cấp phản hồi cho sự cải tiến liên tục.

- Phát triển kế hoạch giảng dạy (Syllabi Development) - Hiểu cách xây dựng kế hoạch giảng dạy hiệu quả, nêu rõ mục tiêu khóa học, kỳ vọng, phương pháp đánh giá và tài nguyên cung cấp cho sinh viên một lộ trình thành công trong môi trường học tập kết hợp.

- Hướng dẫn thiết kế giảng dạy (Instructional Design Guidance) - Học cách tạo ra nội dung khóa học hấp dẫn và giáo dục bằng cách áp dụng các nguyên tắc thiết kế giảng dạy, chẳng hạn như liên kết các mục tiêu học tập với các hoạt động và đánh giá, đồng thời kết hợp các yếu tố đa phương tiện và tương tác để nâng cao trải nghiệm học tập.

- Công cụ kỹ thuật cho giảng dạy (Technical Tools for Instruction) - Học cách đưa ra các lựa chọn công nghệ thông minh bằng cách đánh giá và chọn các công cụ và nền tảng phù hợp để hỗ trợ học tập kết hợp, đảm bảo rằng công nghệ nâng cao thay vì cản trở quá trình học tập.

TS. Nguyễn Thị Thiều Quang giới thiệu hệ thống đào tạo của Nhà trường


TS. Nguyễn Sơn Tùng trình bày tại Hội thảo

Tham dự hội thảo, đội ngũ giảng viên có thâm niên giảng dạy dưới 5 năm sẽ nắm được hệ thống đào tạo của nhà trường, bao gồm các quy định, quy chế đào tạo và các hình thức đánh giá học tập; Đội ngũ giảng viên là thành viên ban chủ nhiệm khoa và trưởng bộ môn sẽ nắm vững và áp dụng hiệu quả các mô-đun đào tạo theo chương trình USAID - PHER, bao gồm tám chủ đề chính về đào tạo kết hợp.



Giảng viên trao đổi với diễn giả

Trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin (CNTT) đã tạo điều kiện thuận lợi và có ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động giáo dục đào tạo, dẫn đến sự hình thành và phát triển của phương thức đào tạo kết hợp (Blended Learning). Phương thức này không chỉ đa dạng hóa môi trường học tập, linh hoạt về không gian và thời gian, mà còn giảm chi phí đào tạo, mang lại giá trị to lớn cho xã hội. Hiện nay, mô hình giảng dạy kết hợp đã dần chiếm ưu thế và được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở giáo dục đại học ở nhiều quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho giáo dục đại học, đòi hỏi các trường đại học ở Việt Nam phải nhận thức rõ ràng và sẵn sàng thay đổi phương thức đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước bối cảnh này, hội thảo khoa học về “Đổi mới Phương pháp Giảng dạy theo Mô hình Đào tạo Kết hợp” được tổ chức nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Hội thảo hướng đến việc hỗ trợ giảng viên trong việc phát triển chuyên môn và nâng cao hiệu quả giảng dạy cho các khóa học kết hợp (Blended Learning). 



Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 09/8, là diễn đàn nâng cao năng lực chuyên môn và tạo động lực và cơ hội cho các giảng viên và nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tiếp cận và áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế đào tạo trực tuyến hiện nay.







Trung tâm CNTT&TT