Tác phẩm Pari

23/06/2023

Tác phẩm Pari

Trả lời các nhà báo nước ngoài tháng 1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “...Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...”.


Ham muốn tột bậc đó chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Trên hành trình kéo dài suốt 30 năm, Người đã tìm ra chân lý và vạch ra con đường đấu tranh tự giải phóng cho dân tộc. Cũng trên con đường vạn dặm ấy, tại thủ đô Paris của nước Pháp - đế quốc đang đô hộ Tổ quốc mình, Người bắt đầu học làm báo và dùng những bài báo bằng tiếng Pháp đầu tiên của mình để tố cáo tội ác của chế độ thực dân. Coi việc viết báo, làm báo là một nhiệm vụ quan trọng, một bộ phận hữu cơ trong hoạt động cách mạng thực tiễn, Người không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chính trị, trau dồi ngôn ngữ Pháp, rèn luyện gian khổ, kiên nhẫn về cách viết báo, học tập nghệ thuật diễn đạt tư tưởng và quan điểm của mình.


Những truyện, ký mà Người viết trong thời kỳ hoạt động trên đất  Pháp những năm 20 của thế kỷ XX như : Pari (1922- Nhân đạo), Lời than vãn của bà Trưng trắc (1922- Nhân đạo), Con người biết mùi hun khói (1922- Nhân đạo),Vi hành (1923- Nhân đạo), Đoàn kết giai cấp (1924- Người cùng khổ), Con rùa (1925- Người cùng khổ), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925- Người cùng khổ)…đã thể hiện một cái nhìn thông sáng riêng biệt, phản ánh sáng tạo hiện thực và lịch sử. Sự kín đáo kết hợp tư duy chính trị với phong cách kể chuyện, cách ghi chép tự nhiên rất dí dỏm đánh vào kẻ thù của dân tộc như là một thứ vũ khí lợi hại…


Truyện ngắn đầu tay “Pari” (1922) với sự đối lập cuộc sống các giai tầng nơi thủ đô hoa lệ Người đã lên án các cuộc chiến tranh phi nghĩa, nói rõ sự thống khổ của người dân lương thiện.


Biên niên tiểu sử

Sự kiện: Truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Pari, được đăng liền hai kỳ trên báo L’Humanité.

Thời gian: 31-5-1922

Nguồn trích :

- Báo L’Humanité, ngày 30 và 31-5-1922.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.85-92.

Từ khóa: Truyện ngắn, Nguyễn Ái Quốc, Pari, L’Humanité.



Nội dung sự kiện :

Tháng 5, ngày 30 và ngày 31

Truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Pari, được đăng liền hai kỳ trên báo L’Humanité. Dưới hình thức một bức thư, thông qua việc miêu tả chân thực gương mặt của một vùng Quận 17 Pari gồm ba xóm cư dân tiêu biểu cho “những thứ bậc xã hội” của nước Pháp: Giới thượng lưu, tầng lớp trung gian và những người thợ thuyền, tác giả thiên truyện muốn khái quát “đủ bộ mặt và đủ tâm lý của cả Pari, cả nước Pháp, cả vũ trụ”, “cái sang trọng của bên này và cái đau khổ của phía kia”, sự bất công giữa “một bên là giàu sang và nhàn rỗi, một bên là cần cù và thiếu thốn”.


Bình luận:

Đọc lại các truyện, ký của Nguyễn ái Quốc, chúng ta đều nhận thấy từ tiêu đề đâu tiên đến câu kết, Bác đều dùng một giọng văn châm biếm hết sức nhất quán, nhưng đa dạng, đó là sự nhất quán trong mục đich, trong đối tượng nhưng lại đa dạng về giọng điệu, về bút pháp nghệ thuật. Nó thể hiện một tư duy sắc sảo và sức tưởng tượng phong phú của một nhà báo, nhà văn tài năng. Càng đọc, chúng ta lại càng thấm thía chiều sâu tư tưởng và tình cảm yêu nước nồng nàn của Nguyễn Ái Quốc được giãi bày bằng một văn phong rất nhẹ nhàng kín đáo, rất u-mua nhưng nghiêm túc và đanh thép. Ngòi bút của Người bám sát các hiện tượng, sự kiện, với những chi tiết tỉ mỉ cụ thể, đưa người đọc tiếp xúc với những hình ảnh sinh động của đời sống. Qua các trang viết, người đọc thấy hiện rõ lên trước mắt mình cái khu phố nghèo ở Pari với cái ống lò sưởi “lôi thôi và gầy guộc như  ngón tay mụ phù thủy già”, nghe được “tiếng răng lập cập, tiếng thét xé tai, tiếng nấc, tiếng thân người đổ xuống, tiếng khóc điên rồ” của đám dân thuộc địa ở một góc trời Châu Phi, bị bọn thực dân hun khói trong một hang đá, thông cảm với nỗi lòng lo lắng của “bà vợ một ông xã ở Việt Nam khi được tin quan sứ đòi chồng lên hầu”… Hiện thực cụ thể nhiều nơi nhiều nước nhưng được soi dọi bởi cảm quan của nhà cách mạng bằng một bút pháp nghệ thuật sinh động đã được xâu chuỗi nâng lên một tầm cao khái quát, để từ sự phản ánh những sự kiện, chi tiết ấy mà vẽ nên bức tranh toàn cảnh thế giới, thể hiện được những động lực, những đối tượng to lớn đang chi phối hiện thực, xã hội.


Lòng yêu nước thiết tha và sự khao khát giải phóng nhân dân bị áp bức  dưới ánh sáng của tư tưởng cách mạng mới đã hình thành những “đề tài” quan trọng trong các tác phẩm đầu tiên của Người: “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”( Lời nói đầu - Le Paria số 01 ra ngày 1-4-1922). Đó không chỉ là đề tài các tác phẩm chính luận mà còn là nội dung của những tác phẩm văn học. Văn học ở Người chính là phương tiện làm sáng tỏ các luận đề chính trị nhằm mục đích thực hiện lý tưởng Cách mạng.


Từ những bài báo đầu tiên cho đến tờ báo Le Paria – tờ báo đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập thời kỳ hoạt động ở Pháp, Người đã bắt đầu mang “nhiều duyên nợ” với báo chí. Từ đây, báo chí trở thành một vũ khí sắc bén để Người sử dụng và phát huy hiệu lực to lớn của nó, kết hợp với các hoạt động khác của Người, chống lại mọi kẻ thù của dân tộc và giai cấp, thức tỉnh và động viên quần chúng đứng lên góp sức vào cuộc đấu tranh giải phóng. Kho tàng các sáng tác của Người thật đồ sộ với hàng nghìn bài báo thuộc nhiều thể loại khác nhau. Với đất nước, các tác phẩm báo chí của Người đã trở thành di sản thiêng liêng, minh chứng cho cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi cũng như tài năng của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Với các nhà báo Việt Nam, những bài nói, bài viết cùng những bài học kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách làm báo, bài học về sự tự học hỏi, tự vươn lên trong nghề vẫn được họ khắc ghi và truyền lại cho những người kế tiếp. Nhớ mãi lời dặn của Bác: “Văn hóa - tư tưởng cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận ấy”, các nhà báo ngày nay luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình và đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp văn hóa nói riêng, xây dựng đất nước nói chung.


Sống giữa lòng thủ đô Ánh sáng, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu tầm cao học thuyết Cách mạng vô sản cùng  những quan điểm mỹ học cấp tiến ở các trường phái nghệ thuật mới, dựng nên những chân dung văn học mà cho đến bây giờ vẫn có ý nghĩa khai sáng. Sức nén của tính đa dạng nghệ thuật phản ánh hiện thực, lịch sử một cách sáng tạo góp phần tạo nên một phong cách nhà văn lớn.


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO QUỐC TẾ
- Địa chỉ: Văn phòng Đào tạo Quốc tế, Phòng E203, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng
71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng
- Hotline tư vấn: 0916.820.577 - ZALO: 0916.820.577