DHKT

SERIES "TRẠM SÁCH CỦA IB-ERS" - Số 01

10/03/2023

Rene Descartes đã từng chia sẻ: “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua.” Và ông đã đúng. Sách là con đường sống để khám phá thế giới, bởi lẽ những gì tinh hoa nhất của trí tuệ loài người đều nằm tất thảy ở những trang sách. 

Đọc một cuốn sách, bên cạnh học hỏi những kiến thức, những bài học đã đi vào lịch sử, còn là đọc về một số phận, biết thêm một cuộc đời. Dòng chảy của suy nghĩ, cảm xúc của mỗi người đằng sau những trang sách có thể giống hoặc khác nhau. Vậy tại sao ta lại không thử giãi bày những tâm tư, chia sẻ những cảm xúc đẹp để biết đâu ta lại tìm được những người đồng cảm với chính bản thân mình.

Hiểu được những tâm tư và mong muốn ấy, Khoa KDQT xin được ra mắt series “Trạm sách của IB-ers” Không chỉ gói gọn trong phạm vi sách chuyên ngành, series còn bao gồm những thể loại sách đa dạng khác. Với mục tiêu lan toả văn hoá đọc và đúc kết những tinh hoa của sách, đây chắc hẳn sẽ là nơi những cuốn sách hay, có ích được giới thiệu đến cho cả các bạn sinh viên Khoa KDQT và sinh viên ngành khác nói chung. 

Đến với số đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuốn sách “Sự giàu và nghèo của các dân tộc”.

- Tại sao Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai đế quốc giàu có bậc nhất châu u vào thế kỷ 16 đã không trở thành nơi khởi nguồn Cách mạng công nghiệp và ngày càng tụt hậu so với các quốc gia châu u khác?

- Tại sao Cách mạng công nghiệp lại nổ ra ở Anh, và vì sao Anh ngày nay lại thua sút những kẻ đã từng phải bám đuổi mình?

- Tại sao một số quốc gia lại giàu, còn châu Phi lại nghèo, thậm chí lại còn nghèo đi tuyệt đối?

Từ một loài Homo Sapien rời khỏi châu Phi 60.000 năm trước, con người đã chinh phục các miền đất xa xôi nhất, chế tạo ra công cụ, tạo nên ngôn ngữ, kiến tạo các xã hội văn minh, gây chiến, rồi thành lập nên các quốc gia. Trong số khoảng 200 quốc gia tồn tại ngày nay, có những quốc gia rất giàu có, nơi mà chính phủ bắt đầu triển khai việc cắt giảm giờ làm, dành nguồn lực dư thừa để phóng tầm mắt ra bên ngoài vũ trụ bao la. Ngược lại, có những quốc gia vẫn còn nghèo đói cùng cực, nơi mà chính phủ bất lực trong việc đảm bảo cho người dân khỏi chết đói. Câu chuyện về sự giàu và nghèo của các quốc gia luôn là một đề tài hấp dẫn, nhưng không dễ trả lời. Rất nhiều nhà kinh tế học đã tìm cách lý giải điều này. Lý thuyết khí hậu cho rằng chính khí hậu đã quyết định sự khác biệt trong trình độ phát triển của các quốc gia. Những người theo học thuyết này cho rằng khí hậu ôn đới là phù hợp với việc vận động thể chất, nên sẽ tạo điều kiện để con người làm việc và tạo ra của cải. Trong khi đó, khí hậu nóng ẩm của miền nhiệt đới mang lại cảm giác rất khó chịu khi lao động, và do vậy người ở các quốc gia nhiệt đới sẽ tìm cách giảm vận động thể chất, trốn tránh làm việc, từ đó dẫn đến tình trạng kém phát triển. Ở một chiều hướng khác, nhà xã hội học có ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới đương đại, Jared Diamond, lại cho rằng chính địa lý là điều đã quyết định khiến các nền văn minh lớn hình thành và phát triển ở châu Á. Trải dài theo trục Đông Tây, lục địa Á u phù hợp phát triển hơn so với trục Bắc Nam của châu Phi và châu Mỹ. Tuy vậy, các học thuyết kể trên đã chưa đi sâu vào trường hợp các quốc gia cụ thể, cũng như chưa giải thích sự tụt lùi của những quốc gia đã từng thống trị trước đây.

Do đó, dù đã có nhiều cuốn sách viết về đề tài kinh tế học phát triển được in ở Việt Nam, cuốn Sự giàu và nghèo của các dân tộc vẫn có một sức hấp dẫn riêng. Cuốn sách như một cuộc du hành qua các miền đất, một thước phim quay nhanh lịch sử loài người. Trước hết, tác giả đi vào sự bất bình đẳng đầu tiên, đó là sự bất bình đẳng của tự nhiên. Có những nơi quá nóng, và cũng có những nơi quá lạnh. Có những nơi thừa mứa mưa như miền nhiệt đới, nhưng đi kèm với đó là những hiện tượng thiên nhiên thất thường và hung bạo. Vì vậy, với khí hậu không quá nóng và không quá lạnh, châu u là một nơi có khí hậu hoàn hảo cho sự phát triển.

Tiếp đó, cuốn sách lần lượt đi qua các xã hội cụ thể trong chiều dài lịch sử, như xã hội người Ả Rập, Hà Lan, Anh, và sau đó là Mỹ, cũng như sự trỗi dậy của Nhật Bản và Đức sau Thế chiến thứ Hai. Cách tiếp cận đối với sự phát triển một cách đa chiều, phân tích các căn nguyên của sự phát triển như thể chế chính trị cho đến phẩm chất dân tộc, từ tính khoan dung tôn giáo cho đến sự tự mãn của những kẻ thống trị khiến cuốn sách trở nên lôi cuốn và thuyết phục. Ví dụ như với trường hợp của nước Anh, dù cùng có điểm xuất phát ban đầu như Trung Quốc với kiến thức khoa học, kỹ thuật, nguồn khoáng sản, nhưng đất nước châu u vượt trội nhờ phát triển xã hội "mở" - khuyến khích giao thương, chấp nhận rủi ro để đầu tư, và chuộng sự đổi mới. Vì thế, nước Anh trở thành "cái nôi" của Cách mạng công nghiệp, để lại ảnh hưởng sâu sắc với các quốc gia theo sau. Ở chiều ngược lại, tác giả cũng đã phân tích nguyên nhân vì sao các thế lực trong quá khứ như Đế chế Ả Rập, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đế quốc Ottoman đã thất bại sau khi đã thành công rực rỡ, hay như châu Phi lại nghèo đói triền miên một cách tuyệt vọng đến thế. 

Sự thăng trầm của các quốc gia vẫn còn tiếp diễn, và vì thế những bài học lịch sử là những soi chiếu cho hiện tại và tương lai. Vẫn tiếp tục có những người đi tìm lời giải cho những đối lập đáng buồn của các xã hội loài người. Trong dòng chảy ấy, Sự giàu và nghèo của các dân tộc đã xác định cho mình một chỗ đứng với thông tin đầy ắp và một góc nhìn vừa bao quát, lại vừa cụ thể. Cuốn sách, vì thế, xứng đáng có một chỗ đứng trong giá sách của các bạn yêu thích tìm hiểu về lịch sử đầy biến động của loài người chúng ta.