Trung tâm CNTT & TT
Chính sách truyền thông thiết lập các mục tiêu cho tất cả các hoạt động truyền thông tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN bao gồm: cách Trường truyền thông và các trách nhiệm, vai trò của nhà trường liên quan đến các hoạt động truyền thông.
Giới thiệu
Chính sách này thiết lập các mục tiêu cho tất cả hoạt động truyền thông tại Trường Đại học Kinh tế, cách thức nhà trường truyền thông, trách nhiệm và vai trò liên quan đến các hoạt động truyền thông. Chính sách này hướng đến tất cả nhân viên tại Trường và áp dụng cho cả truyền thông nội bộ và bên ngoài.
Bên cạnh đó, chính sách này đưa ra các mẫu hướng dẫn truyền thông trong toàn trường ở các bối cảnh khác nhau Chính sách truyền thông này được soạn thảo dựa trên chiến lược chung của nhà trường trong giai đoạn…
Chiến lược và giá trị cốt lõi
Chiến lược của trường Đại học Kinh tế là nền tảng cho tất cả các hoạt động chức năng tại trường. Chính sách truyền thông được xem như một công cụ trong công việc thông tin và truyền thông trong toàn trường hướng đến việc đạt được chiến lược chung của nhà trường.
Là một trường đại học định hướng nghiên cứu, chúng tôi tạo dựng môi trường học thuật tiên tiến nhằm thúc đẩy khám phá, ứng dụng, chuyển giao tri thức khoa học kinh tế và quản lý; đảm bảo nền tảng thành công và năng lực học tập suốt đời cho người học; nuôi dưỡng và phát triển tài năng; giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội phục vụ sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng. Nhà trường tin tưởng rằng giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong “kiến tạo xã hội tương lai”. Chúng tôi theo đuổi tư tưởng giáo dục khai phóng, với tính nhân bản, tinh thần khoa học và sự chủ động học tập suốt đời của mỗi cá nhân, vì mục tiêu xây dựng một xã hội thịnh vượng và tiến bộ. Khát vọng của chúng tôi là trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của cộng đồng ASEAN và tri thức nhân loại.
Mục tiêu cho các hoạt động truyền thông
Mục tiêu chung của các hoạt động truyền thông là giúp Trường đạt được các mục tiêu hoạt động của mình.
Các hoạt động truyền thông tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN sẽ góp phần nâng cao nhận thức về các hoạt động của nhà Trường và hỗ trợ thúc đẩy các mối quan hệ bền vững và lâu dài giữa nhà Trường với cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế.
Truyền thông nội bộ sẽ góp phần tạo ra môi trường làm việc cởi mở và thân thiện, khuyến khích các giải pháp mới và đối thoại tích cực giữa các bộ phận khác nhau của nhà trường. Điều này sẽ tăng cường khả năng của nhà trường trong việc thực hiện nghiên cứu và giáo dục chất lượng cao.
Truyền thông bên ngoài sẽ góp phần nâng cao và mở rộng nhận thức cũng như hỗ trợ cho Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN. Yêu cầu ‘ba công khai’ phải được tuân thủ trong công tác truyền thông của Trường.
Định hướng truyền thông trong 5 năm đến mang tên ‘hữu xạ tự nhiên hơn’ hướng đến 3 đối tượng cụ thể: nội bộ, các bên hữu quan và cộng đồng. Trọng tâm của việc truyền thông hướng đến những khía cạnh sau:
• Năng lực chuyên môn
• Sự tận tâm với sinh viên
• Tiếng nói của sinh viên
• Đổi mới không ngừng
• Kết nối, gắn kết với phụ huynh, cựu sinh viên và doanh nghiệp
• Thu hút sự quan tâm của báo đài
• Tư vấn chính sách
• Các hoạt động vì cộng đồng
• Trách nhiệm xã hội
• Phòng, ngừa và đối phó với khủng hoảng
Truyền thông và niềm tin
Thông tin liên lạc từ Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN là nguồn tin đáng tin cậy đối với người nhận. Điều này rất quan trọng với nhà trường trên tư cách là một cơ quan chính phủ, một thành viên xã hội với các nhiệm vụ cốt lõi là nghiên cứu và giáo dục.
Truyền thông nội bộ và bên ngoài của Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN phải tập trung vào các nhu cầu và điều kiện của người nhận và phải:
• Đúng và chính xác
• Công khai và dễ tiếp cận
• Đáng tin cậy
• Trau dồi, đơn giản và dễ hiểu
Khuôn khổ pháp lý
Một số quy định ngoài Luật Giáo dục Đại học có ảnh hưởng đến công tác truyền thông của trường, đặc biệt là các quy định của Chính phủ, Luật Báo chí và Luật Công nghệ thông tin, trong đó có các điều khoản liên quan đến quyền tự do của ngôn luận, tự do thông tin và tự do báo chí, cùng các quyền khác.
Pháp lệnh Giáo dục Đại học quy định rằng các cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo rằng những người có ý định bắt đầu một chương trình giáo dục có quyền truy cập thông tin cần thiết về chương trình đó.
Theo Luật Thủ tục Hành chính (2017: 900), một cơ quan chính phủ phải đảm bảo rằng việc liên hệ với các cá nhân là hiệu quả và đơn giản. Ngoài ra, còn có các điều khoản về truyền thông và giải thích của các quyết định. Tuy nhiên, những điều khoản này không cần được áp dụng trong các vấn đề liên quan đến việc nhập học hoặc xếp loại trong một khóa học hoặc chương trình (Chương 1, Mục 4 a, Pháp lệnh Giáo dục Đại học).
Tự do phổ biến thông tin
Tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên tại Trường đều được bảo vệ bởi các điều khoản được hiến pháp bảo vệ về quyền tự do ngôn luận và quyền truyền đạt và xuất bản thông tin trên các phương tiện truyền thông (quyền tự do phổ biến thông tin). Các quyền tự do và quyền này được quy định theo quy định của Pháp luật nhà nước Việt Nam, Luật Báo chí và Luật Công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, trong các quyền này vẫn có những điều khoản liên quan đến các thông tin mật và các thông tin không công khai ra bên ngoài. Hơn nữa, Ban giám hiệu và đồng nghiệp có thể điều tra xem ai đã đưa thông tin không được phép tiết lộ cho giới truyền thông.
Đại diện phát ngôn của nhà Trường
Đối với việc phát ngôn cho Trường, thay mặt Trường hoặc đại diện cho Trường trên các phương tiện truyền thông, những điều sau đây được áp dụng:
Quyền phát ngôn thay mặt cho Trường được quy định bởi trách nhiệm chức năng của nhân viên trong nhà trường. Các vấn đề liên quan đến nghiên cứu được thực hiện tại trường đại học thì phải được chuyển đến nhà nghiên cứu có chuyên môn về chủ đề đó. Đối với các vấn đề khác, trừ khi có thỏa thuận khác, hệ thống phân cấp sau đây áp dụng cho việc truyền thông với giới truyền thông:
• Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng là người phát ngôn về các vấn đề của toàn trường
• Các Phó hiệu trưởng là người phát ngôn của từng lĩnh vực
• Trưởng phòng/Phó trưởng phòng, Giám đốc/Phó giám đốc các trung tâm/đơn vị trực thuộc là người phát ngôn về các vấn đề chung liên quan đến hỗ trợ hoạt động. Trưởng bộ phận là người phát ngôn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của họ.
• Trưởng khoa, Trưởng bộ môn hoặc tương đương là người phát ngôn về các vấn đề liên quan đến khoa, bộ môn.
• Trưởng Bộ phận Truyền thông đóng vai trò là người phát ngôn về các vấn đề do Trường xác định:
Trách nhiệm và vai trò trong các hoạt động truyền thông
Trách nhiệm về truyền thông được xác định với các bộ phận trách nhiệm khác trong trường như sau:
• Người quản lý
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chung và người phụ trách tương ứng chịu trách nhiệm trong lĩnh vực hoạt động của họ để đảm bảo truyền thông bên ngoài và nội bộ hiệu quả phù hợp với các văn bản quản lý của Trường - chiến lược, chính sách, kế hoạch và quy tắc.
• Nhân viên
Tất cả nhân viên cần có thái độ truyền thông chuyên nghiệp và theo hướng cải thiện để góp phần tạo nên không khí làm việc tốt và tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà trường với cộng đồng địa phương. Các nhân viên cũng có trách nhiệm thu thập thông tin cần thiết để hiểu thêm hoạt động và thực hiện công việc của mình. Ngoài ra, nhân viên có nghĩa vụ trả lời kịp thời các câu hỏi liên quan đến hoạt động và xử lý các câu hỏi liên quan đến thông tin được công khai.
• Cán bộ truyền thông
Cán bộ truyền thông ở tất cả các cấp của nhà trường hỗ trợ chiến lược và hoạt động cho các nhà quản lý và nhân viên khác về các vấn đề truyền thông. Vai trò của nhân viên truyền thông là giúp đảm bảo rằng thông tin liên lạc, cả nội bộ và bên ngoài có hiệu quả và được phối hợp đồng thời để đảm bảo rằng các văn bản quản lý và các chính sách tổng thể của trường được tuân thủ.
• Bộ phận Truyền thông
Bộ phận Truyền thông là đơn vị chức năng đặc thù với nhiệm vụ hỗ trợ truyền thông trong toàn trường và truyền thông các hoạt động cốt lõi. Nhiệm vụ này bao gồm việc quản lý khủng hoảng truyền thông dựa trên định hướng chung về giải quyết về khủng hoảng của Trường. Phần này do người phục trách Truyền thông điều hành.
Giới thiệu về trường
Dưới đây là giới thiệu tóm tắt về Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN. Các giới thiệu tóm tắt này dựa trên chiến lược của trường và được sử dụng trong các kênh truyền thông và nhu cầu truyền thông đa dạng.
Trường Đại học Kinh tế là thành viên của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), một trong ba trường đại học vùng của Việt Nam - là một trong 07 trường đại học lớn nhất Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học tốt nhất châu Á. Được thành lập vào năm 1975, sứ mệnh của nhà trường là tạo ra một môi trường học thuật tiên tiến và nhân văn nhằm thúc đẩy khám phá, ứng dụng và chuyển giao tri thức khoa học kinh tế, kinh doanh và quản lý. Nhà trường luôn cố gắng đảm bảo xây dựng nền tảng thành công và năng lực học tập suốt đời cho người học. Ngoài ra, DUE luôn nỗ lực hết mình để nuôi dưỡng và phát triển tài năng, giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội và phục vụ sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng.
Chiến lược của Trường Đại học Kinh tế đến năm 2020-2025 là củng cố danh tiếng là một trường đại học nghiên cứu nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và chuyển giao công nghệ trong quản lý kinh tế và kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhân sự
Góp phần vào sự thành công trong chiến lược của Trường Đại học Kinh tế phải kể đến đội ngũ nhân sự của nhà trường. DUE có khoảng 400 cán bộ, giảng viên làm việc tại 8 phòng ban chức năng, 12 khoa học thuật, 5 trung tâm nghiên cứu và ESP trên tất cả các lĩnh vực Kinh doanh, Quản lý và Kinh tế. Khoảng 80% giảng viên của nhà trường có bằng sau đại học đến từ các trường đại học xếp hạng cao ở Mỹ, Anh, Úc, Châu Âu và Nhật Bản. Chất lượng đội ngũ nhân sự của nhà trường là một yếu tố quan trọng của nền giáo dục nghệ thuật khai phóng.
Khóa học
Các khóa đào tạo ở cấp đại học và sau đại học của nhà trường bao gồm: 04 chương trình tiến sĩ, 06 chương trình thạc sĩ và 28 chương trình đào tạo đại học. Các chương trình đào tạo của nhà trường luôn phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động. Ngoài ra, để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có năng lực và thế mạnh để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, DUE còn đào tạo các chương trình cử nhân quốc tế được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Hơn 46 năm qua, DUE đã cung cấp cho đất nước hơn 50.000 cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó nhiều người hiện đang giữ các vị trí quan trọng trong các tổ chức công lập và các doanh nghiệp lớn trên khắp Việt Nam.
Đảm bảo chất lượng
Trải qua 46 năm phát triển không ngừng, DUE tự hào được các tổ chức uy tín công nhận về chất lượng chương trình đào tạo. 5 chương trình: Kế toán, Kiểm toán, Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế và Marketing được Mạng lưới các trường đại học hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á công nhận đạt chuẩn AUN-QA. Hơn nữa, các chương trình đào tạo của DUE được CPA Australia và ACCA Global, là hai trong số các tổ chức nghề nghiệp kế toán lớn nhất thế giới công nhận.
Quốc tế hóa
Quốc tế hóa là cốt lõi tạo nên giá trị của DUE. Nhà trường đã cung cấp cho sinh viên những tri thức khoa học toàn cầu về ngành học. Các chương trình giảng dạy của nhà trường đã được quốc tế hóa dựa trên tính độc đáo của các chương trình giảng dạy được chọn từ 200 trường đại học hàng đầu trên thế giới.
Những năm qua, DUE đã xây dựng một mạng lưới toàn cầu với hơn 50 cơ sở dành cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trao đổi, học tập cũng như tham dự các hội nghị/hội thảo học thuật quốc tế. Ngoài ra còn có 12 chương trình liên kết quốc tế ở bậc đại học và thạc sĩ với các học viện ở Mỹ, Anh, Úc và New Zealand.
Nghiên cứu khoa học
Trường Đại học Kinh tế tự hào về chất lượng nghiên cứu, là ngôi trường đứng đầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên và đứng thứ ba Việt Nam về công bố quốc tế. Các giảng viên của nhà trường hợp tác chặt chẽ với chính phủ, các nhà lãnh đạo ngành và các nhóm cộng đồng để tư vấn giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội. DUE thuộc top 3 Việt Nam được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu ở cấp quốc gia và cấp Bộ.
Công tác sinh viên
Trường Đại học Kinh tế luôn chú trọng việc tạo dựng một môi trường học tập thân thiện, sinh viên tích cực. Sinh viên được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng mềm và trở nên năng động, tự tin hơn. Các lễ hội, cắm trại, biểu diễn ca nhạc, trò chơi thể thao hay tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện được diễn ra quanh năm. Ngoài ra, nhà trường còn có nhiều câu lạc bộ do sinh viên điều hành.
Tóm lại, hệ sinh thái giáo dục của nhà trường đã được xây dựng và mở rộng qua nhiều thập kỷ. Thành tích trong quá khứ của nhà trường là nền tảng cho sự thành công tiếp nối trong tương lai, hướng đến trở thành một cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế.