DHKT

Chuyên ngành Thống kê Kinh tế - Xã hội

1. Giới thiệu

Trong hệ thống phân công lao động xã hội, Thống kê có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ cho quản lý vĩ mô và vi mô. Cử nhân Thống kê có năng lực chuyên môn cao, có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề chuyên môn trong thực tiễn, có khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

2. Mục tiêu đào tạo

Chương trình Thống kê Kinh tế - Xã hội được thiết kế nhằm mang lại cho sinh viên những cơ hội việc làm trong lĩnh vực thống kê hoặc các lĩnh vực liên quan.

Chương trình trang bị cho sinh viên một cách có hệ thống kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, kinh tế - xã hội, kinh doanh và quản lý, tài chính, toán ứng dụng, công nghệ thông tin, đặc biệt kiến thức nền tảng về thống kê lý thuyết và chuyên sâu về thống kê ứng dụng nhằm thực hiện đầy đủ qui trình nghiên cứu thống kê trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Chương trình chú trọng rèn luyện cho sinh viên kỹ năng cơ bản cũng như kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển bản thân và nghề nghiệp thống kê trong môi trường hội nhập.

Chương trình góp phần nâng cao phẩm chất chính trị; đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ pháp luật và hành vi phù hợp, tinh thần học tập suốt đời cho sinh viên.

3. Kiến thức

Chương trình trang bị cho sinh viên những kiến thức sau:

- Kiến thức cơ bản:

+ Kiến thức về lý luận chính trị;

+ Kiến thức về kinh tế - xã hội, kinh doanh và quản lý, tài chính;

+ Kiến thức về toán ứng dụng trong phân tích kinh tế và kinh doanh.

- Kiến thức nghề nghiệp:

+ Kiến thức về phương pháp luận thống kê;

+ Kiến thức về thống kê mô tả: Các đặc trưng mô tả độ hội tụ, độ phân tán dữ liệu, hình dạng phân phối,...

+ Kiến thức về thống kê suy diễn: Ước lượng và kiểm định thống kê, dự đoán thống kê, phân tích hồi qui,...

+ Kiến thức về điều tra thống kê cung cấp dữ liệu đảm bảo chất lượng phục vụ phân tích;

+ Hệ thống chỉ tiêu đo lường nguồn lực, kết quả và hiệu quả sản xuất của nền kinh tế.

+ Kiến thức về phương pháp phân tích nguồn lực, kết quả và hiệu quả sản xuất của nền kinh tế.

+ Kiến thức về công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý nhằm quản trị dữ liệu đảm bảo chính xác, kịp thời, đầy đủ, kinh tế, an toàn và bảo mật.

4. Kỹ năng

Sau khi hoàn thành chương trình này, sinh viên thành thạo những kỹ năng sau:

- Kỹ năng cơ bản

+ Kỹ năng truyền thông: Có khả năng thuyết trình và truyền đạt thông tin;

+ Kỹ năng làm việc nhóm: Có khả năng phác thảo, định hướng, xây dựng mối quan hệ như gắn kết, tạo động cơ, đồng cảm, chia sẻ trong công việc;

+ Kỹ năng quản lý và lãnh đạo: Có khả năng điều hành, phân công, đánh giá, phát triển và duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp và đối tác;

+ Kỹ năng tự chủ: Có khả năng quản lý bản thân và quản lý công việc;

+ Kỹ năng về ngoại ngữ: Có khả năng giao tiếp, làm việc với trình độ tiếng Anh tương đương bậc 3/6 – Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

- Kỹ năng nghề nghiệp

+ Kỹ năng điều tra, chuyển đổi dữ liệu: Thu thập, tích hợp dữ liệu, đánh giá chất lượng dữ liệu, làm sạch dữ liệu, trích xuất dữ liệu;

+ Kỹ năng phân tích: Vận dụng kết hợp các phương pháp thống kê với sự trợ giúp của các phần mềm thống kê chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng phân tích dữ liệu và giải thích chính xác kết quả.

+ Kỹ năng công nghệ thông tin: Sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ thông tin, các phần mềm thống kê chuyên nghiệp để quản trị và phân tích dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng thông tin;

+ Tư duy chiến lược và giải quyết vấn đề: Có khả năng nhận thức và phát hiện nhu cầu thông tin quản lý của các cấp mang tính chiến lược và từ đó đề xuất cách thức giải quyết thích hợp.

+ Kỹ năng nghiên cứu: Xác định và khai thác các nguồn dữ liệu khác nhau nhằm đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển những câu hỏi nghiên cứu, lựa chọn những phương pháp tiếp cận thực hành tốt nhất.

5. Thái độ

- Chính trực;

- Tôn trọng cá nhân;

- Tự tin

- Hợp tác;

- Tích cực đổi mới trong công việc, sẵn sàng trải nghiệm và học tập suốt đời;

- Tuân thủ quy định pháp luật và hành vi phù hợp;

- Quyết định dựa trên nền tảng đạo lý.

6. Cơ hội nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp người học có thể làm việc với tư cách chuyên trách hoặc tư vấn về các nghiệp vụ chuyên môn thống kê như điều tra thu thập thông tin, xử lý phân tích dữ liệu kinh tế xã hội trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan thống kê nhà nước, các tổ chức và các doanh nhiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Ngoài ra cử nhân chuyên ngành Thống kê - Xã hội có thể làm công tác nghiên cứu, giảng dạy thống kê kinh tế xã hội ở các viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo.