DHKT

Vị trí việc làm ngành Thương Mại Điện Tử

Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh tại các doanh nghiệp kinh doanh nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Chính điều này đã rộng mở cơ hội việc làm đa dạng của ngành thương mại điện tử. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thương mại điện tử, bạn có nhiều cơ hội làm việc tại các vị trí như sau:

1. Chuyên viên kinh doanh kênh thương mại điện tử: là người lên kế hoạch triển khai kinh doanh online cho doanh nghiệp trên các kênh thương mại điện tử như sàn thương mại điện tử hoặc các nền tảng thương mại điện tử. Kế hoạch triển khai kinh doanh liên quan đến nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, chiến lược quảng cáo, quy trình tư vấn khách hàng, xử lý đơn hàng, chăm sóc khách hàng,...

2. Chuyên viên tư vấn giải pháp thương mại điện tử: là người khảo sát và phân tích thực trạng của doanh nghiệp để tư vấn giải pháp về triển khai hệ thống công nghệ thương mại điện tử cho doanh nghiệp.

3. Chuyên viên marketing online: là người lên kế hoạch và tham gia triển khai các hoạt động marketing trực tuyến cho doanh nghiệp. Từ đó xây dựng hệ thống chỉ số đo lường nhằm đánh giá hiệu quả công việc triển khai marketing trực tuyến cho doanh nghiệp.

4. Chuyên Viên Digital Media: là người lên kế hoạch thực thi và triển khai chiến dịch chạy quảng cáo cho doanh nghiệp. Đồng thời, có thể phân tích đánh giá hiệu quả các chiến dịch quảng cáo để đề xuất chiến lược tối ưu cho các chương trình chạy quảng cáo của doanh nghiệp.

5. Chuyên viên lập trình phát triển website thương mại điện tử: là người lên ý tưởng thiết kế và xây dựng Website TMĐT nhằm triển khai hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên nền tảng số.

6. Chuyên viên phân tích dữ liệu trong thương mại điện tử: là người lên ý tưởng khảo sát, tổ chức thu thập, quản lý, lưu trữ và khai thác dữ liệu nhằm hỗ trợ cho hoạt động bán hàng, marketing và chăm sóc khách hàng.

7. Chuyên viên hậu cần thương mại điện tử: là người lên kế hoạch triển khai hậu cần thương mại điện tử cho doanh nghiệp dựa vào nền tảng thương mại điện tử. Các hoạt động hậu cần liên quan đến thực hiện đơn hàng, quản trị kho hàng, quản trị hàng tồn kho, tối ưu hóa điều phối kho hàng, dự trữ hàng hóa, vận tải,…

8. Chuyên viên quản trị quan hệ khách hàng: là người thu thập, tổng hợp và quản lý thông tin khách hàng. Đồng thời, triển khai quản trị quan hệ khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử nhằm duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng.