HÉ LỘ BÍ QUYẾT CHINH PHỤC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TỪ NHÓM SINH VIÊN KHOA KINH DOANH QUỐC TẾ GIÀNH GIẢI NHẤT CUỘC THI OLYMPIC KINH TẾ LƯỢNG VÀ ỨNG DỤNG TOÀN QUỐC 2025
29/06/2025
Năm học 2024-2025 là một năm đánh dấu những bước tiến nổi bật trong hành trình nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Kinh doanh quốc tế - Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN khi đề tài nghiên cứu của các nhóm sinh viên đều giành được nhiều giải thưởng cao tại những sân chơi học thuật uy tín. Đặc biệt, tại Cuộc thi Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng toàn quốc lần thứ X do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp cùng Học viện Tài chính và Viện Toán học tổ chức, sinh viên của Khoa không chỉ ghi dấu ấn mạnh mẽ với số lượng đề tài tham dự ấn tượng mà còn khẳng định năng lực vượt trội qua hàng loạt thành tích nổi bật.
Với đề tài “Privacy Meets Mobility: Investigating Ride-Hailing Usage in the Liquid Consumption Era Through an Integrated Approach – Evidence from Vietnamese Locals and Korean Users”, nhóm sinh viên Văn Như Quỳnh Anh, Ngô Thị Phương Thùy, Đinh Thúy Hiền (48K01.1), Nguyễn Nguyễn Yến Nhi (48K01.2) dưới sự hướng dẫn của giảng viên - ThS. Lê Mỹ Linh đã xuất sắc vượt qua hơn 340 đề tài để lần đầu tiên đại diện Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN góp mặt tại Vòng Chung khảo diễn ra ở thủ đô Hà Nội và chinh phục giải Nhất Cuộc thi Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng toàn quốc 2025.
Được biết ngoài kia, vẫn còn nhiều bạn sinh viên đang ấp ủ dự định tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng còn do dự vì nhiều băn khoăn hay chưa đủ tự tin để bắt đầu. Vậy thì, đừng bỏ lỡ cơ hội được tiếp thêm động lực thông qua những chia sẻ đầy bổ ích từ nhóm sinh viên đạt giải Nhất trong Cuộc thi Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng toàn quốc 2025 vừa qua để cùng lắng nghe về hành trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, từ đó góp nhặt những “bí quyết” để đạt thành tích ấn tượng tại các sân chơi học thuật nhé!
Đến với câu hỏi đầu tiên, nhóm có thể chia sẻ một vài nét về đề tài nghiên cứu của mình cho các bạn sinh viên được biết thêm thông tin không?
Với nghiên cứu này, nhóm đã tích hợp ba mô hình lý thuyết gồm UTAUT2, ECM và Thuyết Tính toán quyền riêng tư (Privacy Calculus Theory) để phân tích các yếu tố thúc đẩy ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ, cũng như sự đánh đổi (trade-off) liên quan đến quyền riêng tư cá nhân của người dùng. Trong bối cảnh người dùng có thể dễ dàng chuyển sang nhà cung cấp khác chỉ bằng cách tải một ứng dụng mới, việc giữ chân người dùng trở nên vô cùng quan trọng. Nhóm đã tiến hành khảo sát trên hai nhóm đối tượng người dùng khác nhau tại Việt Nam, bao gồm người Việt Nam và người Hàn Quốc, sau đó sử dụng phương pháp định lượng cùng các công cụ phân tích hiện đại để xử lý và kiểm định mô hình nghiên cứu. Những phát hiện làm sáng tỏ cách người dùng đưa ra quyết định trong bối cảnh cạnh tranh cao giữa các ứng dụng gọi xe, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa chiến lược giữ chân khách hàng bằng cách nâng cao trải nghiệm, đồng thời minh bạch hơn trong xử lý dữ liệu người dùng.
Đề tài nghiên cứu của nhóm khá mới mẻ và thú vị. Cảm hứng nào đã thúc đẩy nhóm chọn nghiên cứu đề tài này?
Thành thật mà nói, bước đầu tiên của nhóm không hề dễ dàng. Chúng mình gặp khá nhiều khó khăn trong việc xác định đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, nhóm đã tiếp cận một khái niệm còn khá mới – ‘tiêu thụ lỏng’ (liquid consumption). Xu hướng này đặc biệt rõ nét trong ngành gọi xe công nghệ, nơi việc sở hữu xe không còn là điều bắt buộc để di chuyển. Đây chính là nguồn cảm hứng ban đầu cho bài nghiên cứu.
Một điều khác khiến chúng mình trăn trở là bài toán giữ chân người dùng: “Vì sao người dùng lại chọn gắn bó với một ứng dụng gọi xe cụ thể, trong khi chỉ với một cú chạm, họ đã có thể chuyển sang một nền tảng khác?” Câu hỏi đó thôi thúc chúng mình đi sâu hơn để tìm ra những yếu tố thực sự tác động đến hành vi tiếp tục sử dụng của người dùng thay vì chỉ dừng lại ở ý định chấp nhận ban đầu.
Cuối cùng, qua quá trình rà soát tài liệu, chúng mình nhận thấy vẫn còn những khoảng trống nghiên cứu, chẳng hạn như vai trò của quyền riêng tư hay sự khác biệt trong hành vi giữa người địa phương và khách nước ngoài. Nhóm chúng mình tin rằng việc lấp đầy những khoảng trống này sẽ mang lại giá trị thực tiễn cho doanh nghiệp và trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ngoài sự chăm chỉ, nhóm cảm thấy yếu tố nào đã góp phần giúp nhóm vượt qua thử thách và hoàn thiện đề tài một cách xuất sắc?
Nghiên cứu khoa học thật sự không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có những giai đoạn tụi mình rơi vào bế tắc, hoang mang vì không biết liệu hướng đi có đúng không, tài liệu thì khó tìm, dữ liệu lại không như kỳ vọng. Nhưng điều giúp nhóm vượt qua những khó khăn đó không chỉ là sự chăm chỉ, mà còn là tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ lẫn nhau của mỗi thành viên nhóm. Bên cạnh đó, sự đồng hành, góp ý kịp thời từ GVHD - cô Lê Mỹ Linh cũng giúp nhóm điều chỉnh hướng đi và giữ được sự nhất quán trong quá trình nghiên cứu. Nhờ vậy mà dù có áp lực, nhóm vẫn luôn giữ được tinh thần tích cực và hoàn thành đề tài một cách chỉn chu nhất.
Theo nhóm, đâu là yếu tố quyết định giúp các bạn vượt qua hàng trăm đề tài để vươn tới ngôi vị cao nhất?
Nhóm nghĩ rằng để đạt được kết quả như hôm nay là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Thứ nhất, đề tài cần mang tính mới gắn liền với tính ứng dụng thực tế cao, phù hợp với một trong những tiêu chí quan trọng của cuộc thi. Nhóm đã lựa chọn một chủ đề sát với nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay, đó là bài toán giữ chân người dùng trong thị trường gọi xe công nghệ đầy cạnh tranh. Chính điều đó đã giúp nghiên cứu không chỉ mang giá trị học thuật mà còn có khả năng triển khai trong thực tiễn. Thứ hai, là sự đầu tư nghiêm túc vào phương pháp nghiên cứu, bao gồm thu thập dữ liệu và phân tích định lượng. Nhóm trực tiếp thiết kế khảo sát, thu thập dữ liệu đủ lớn từ hai nhóm đối tượng khác nhau, đồng thời áp dụng các công cụ phân tích hiện đại để xử lý dữ liệu một cách khoa học. Nhờ đó, kết quả nghiên cứu có độ tin cậy và tính thuyết phục cao. Cuối cùng, là khả năng thuyết trình trôi chảy và thái độ ứng xử, học hỏi trong phần phản biện. Nhóm luôn thể hiện sự tự tin, mạch lạc khi trình bày, đồng thời giữ thái độ cầu thị và sẵn sàng tiếp thu góp ý từ Ban giám khảo. Sự chuẩn bị kỹ càng và tinh thần cầu tiến có lẽ đã giúp nhóm tạo được ấn tượng tích cực trong mắt hội đồng.
Giải Nhất tại Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng là một thành tích rất đáng tự hào. Cảm xúc của nhóm khi nhận giải thưởng cao nhất này có gì đặc biệt, và điều này có ảnh hưởng gì đến dự định cá nhân của mỗi thành viên trong nhóm không?
Khi được xướng tên cho giải Nhất một cuộc thi cấp quốc gia, cả nhóm chúng mình đều vô cùng xúc động và tự hào. Giải thưởng không chỉ là sự công nhận cho quá trình làm việc nghiêm túc, bền bỉ suốt nhiều tháng mà còn là minh chứng rằng đề tài có ý nghĩa thực tiễn và giá trị học thuật. Thành tích này đã tiếp thêm động lực rất lớn cho mỗi thành viên, giúp chúng mình tự tin hơn với con đường nghiên cứu khoa học đang theo đuổi. Quá trình làm đề tài và tham gia cuộc thi giúp chúng mình học được cách làm việc nhóm hiệu quả, biết cách nghiên cứu khoa học bài bản, từ việc thu thập dữ liệu, xử lý số liệu đến viết báo cáo. Đây là trải nghiệm rất ý nghĩa và sẽ là nền tảng tốt để chúng mình tiếp tục tham gia các hoạt động nghiên cứu trong thời gian tới.
Môi trường học tập tại Khoa Kinh doanh quốc tế và trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN đã hỗ trợ nhóm như thế nào trong việc thực hiện nghiên cứu và phát triển kỹ năng học thuật?
Trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm mình cảm nhận rất rõ sự hỗ trợ từ Khoa Kinh doanh quốc tế và trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN. Các thầy cô trong Khoa không chỉ có chuyên môn cao mà còn rất nhiệt tình hướng dẫn trong quá trình nhóm làm nghiên cứu. Nhờ đó mà chúng mình hiểu rõ hơn cách đặt vấn đề, phân tích tài liệu và triển khai đề tài một cách khoa học hơn. Ngoài ra, các buổi workshop hay seminar do khoa và trường tổ chức cũng rất bổ ích, cung cấp cho chúng mình những cái nhìn tổng quan khi bắt tay vào đề tài của chính mình. Bên cạnh đó, môi trường học tập ở khoa cũng khá cạnh tranh. Khi thấy bạn bè xung quanh ai cũng cố gắng, đầu tư nghiêm túc cho cuộc thi, chúng mình cũng có thêm động lực để nỗ lực hơn, không muốn bị bỏ lại phía sau.
Cuối cùng, nhóm có những lời nhắn gửi nào cho các bạn sinh viên đang chuẩn bị cho các cuộc thi nghiên cứu khoa học hoặc các sân chơi học thuật tương tự?
Chúng mình muốn nhắn nhủ đến các bạn là đừng ngại bắt đầu, đừng đợi giỏi rồi mới làm. Ngay từ những ngày đầu, chúng mình chưa có nhiều kinh nghiệm hay có đủ kiến thức để có thể thực hiện nghiên cứu một cách bài bản, chuyên sâu. Nghiên cứu khoa học không chỉ là một cuộc thi, đó là hành trình để học hỏi, khám phá và rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, cũng như tinh thần “thép”. Hãy chọn một đề tài mà bạn thực sự hứng thú, bởi chính nó sẽ là động lực lớn nhất để bạn vượt qua những khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, đừng ngần ngại tìm đến thầy cô, bạn bè hoặc những người đi trước để học hỏi nhé, vì đôi khi chỉ cần một lời góp ý đúng lúc cũng giúp bạn thấy rõ điều mình đang thiếu và làm tốt hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn những chia sẻ hết sức hữu ích đến từ các bạn sinh viên đã xuất sắc giành giải Nhất tại Cuộc thi Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng toàn quốc 2025. Những trải nghiệm thực tế đầy giá trị cùng lời khuyên chân thành từ các bạn chắc chắn sẽ trở thành nguồn cảm hứng quý báu, tiếp thêm lửa đam mê nghiên cứu cho các thế hệ sinh viên tiếp theo. Hy vọng trong thời gian tới, nhà IB sẽ tiếp tục được chứng kiến nhiều đề tài sáng tạo, độc đáo hơn nữa, góp phần lan tỏa niềm tự hào mang tên “sinh viên Khoa Kinh doanh quốc tế”!