VP. Đảng Ủy, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng
(84.511) 3950883
xuanphu@due.edu.vn
Thực hiện Thông báo số 306-TB/BTV, ngày 7/10/2016 của Ban Thường vụ Đảng uỷ...
Vào lúc 13h45' ngày 31/03/2015, tại Hội trường A trường Đại học Kinh tế.
Chuẩn bị Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng Cộng sản ra đời – bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Chúng lập ra chế độ thống trị tàn bạo, thi hành các chính sách cai trị chuyên chế, biến giai cấp tư sản mại bản và địa chủ phong kiến thành tay sai đắc lực. Chúng thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố hết sức dã man, tàn bạo, chia rẽ dân tộc, tôn giáo… mọi phong trào yêu nước bị đàn áp dã man.
Chúng vơ vét tài nguyên và bóc lột sức lao động nhân dân Việt Nam “tới tận xương tủy”, thực hiện chính sách độc quyền, kìm hãm sự phát triển kinh tế độc lập của nước ta, thực hiện chính sách ngu dân… khiến đời sống của dân ta bị bần cùng hóa, nền kinh tế bị què quặt, gây nên những hậu quả nghiêm trọng kéo dài nhiều năm.
Trong tình hình ấy đã xuất hiện nhiều ngọn cờ khởi nghĩa chống lại chế độ áp bức của thực dân Pháp và nhà nước phong kiến vốn cũng làm tay sai cho thực dân Pháp. Liên tiếp từ năm 1858 đến trước năm 1930, hàng trăm phong trào yêu nước nổi lên, trong đó phải kể đến phong trào Cần Vương, phong trào Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy Tân… nhiều nhân sĩ yêu nước đã xuất hiện, trong đó phải kể tới Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học… Thế nhưng tất cả các phong trào đấu tranh ấy đều bị thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo.
Trong tình hình ấy, ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trong nhiều năm trời bôn ba, Người phải lao động cực khổ, nhưng luôn giữ vững ý chí tìm đường giải phóng dân tộc, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân Việt Nam.
Người tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, sau này trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, được biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc.
Người tham gia hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tích cực vận động phong trào cách mạng thuộc địa, nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam qua các báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân. Người viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) làm chấn động dư luận quốc tế, đồng thời tác phẩm cũng là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ, khích lệ tinh thần đấu tranh giải phóng áp bức của các dân tộc thuộc địa.
Tháng 12/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông, sáng lập và trực tiếp huấn luyện Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, sáng lập và viết bài cho báo Thanh niên, xuất bản tác phẩm Đường kách mệnh (1927)… một mặt tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, mặt khác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cốt cán, tiếp tục chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng.
Chủ nghĩa Mác-Lênin và các tài liệu tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc được giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đón nhận như “người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Nó lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, làm dấy lên cao trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi khắp cả nước, trong đó giai cấp công nhân trở thành một lực lượng chính trị độc lập.
Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhiều tầng lớp nhân dân phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có tổ chức đảng chính trị lãnh đạo. Trong giai đoạn này đã có 3 tổ chức thành lập gồm: Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập tại Bắc Kỳ ngày 17/6/1929); An Nam Cộng sản Đảng (thành lập ở Nam Kỳ, Mùa thu năm 1929); Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (thành lập ở Trung Kỳ, ngày 1/1/1930).
Tuy vậy, sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một đảng thống nhất lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Từ ngày 6/1 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của các hội quần chúng… đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo được hội nghị thông qua đã xác định: Cách mạng việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Dấu ấn đậm nét trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc
Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã quy tụ được các giai cấp và các tầng lớp yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp đấu tranh chống thực dân – phong kiến. Trải qua 15 năm gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng ta tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân và lật nhào chế độ phong kiến tay sai thối nát tồn tại trong gần một thế kỷ.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả biển người im lặng phăng phắc lắng nghe từng câu, từng chữ của Bác. Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Hồ Chủ tịch đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới với mục tiêu giành độc lập tự do, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thế nhưng nhà nước non trẻ ngay lập tức phải đối mặt với ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nạn đói hoành hành đã làm cho hơn 2 triệu đồng bào chết đói; hơn 95% người dân mù chữ. Trong lúc ấy, ở miền Bắc có hơn 20 vạn quân Tưởng, miền Nam trên 15 vạn quân Pháp lăm le xâm lược nước ta.
Trước tình hình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Đảng ta kịp thời đề ra những chủ trương và quyết sách đúng đắn, toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảng ta đã động viên được sức mạnh đoàn kết toàn dân, triệu người như một, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm tưởng như không qua được, củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.
Bất chấp nguyện vọng của nhân dân ta và mặc dù chúng ta đã nhân nhượng, nhưng thực dân Pháp vẫn không từ bỏ dã tâm cướp nước ta lần nữa. Lich sử đã đặt dân tộc ta trước một thử thách gay go mới, phải đứng lên bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, với những từ ngữ đanh thép: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mạnh là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trên trận địa Điện Biên Phủ mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng khích lệ tinh thần cho các dân tộc đang chịu áp bức vùng lên giành độc lập, đập tan chế độ chủ nghĩa thực dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Thắng lợi đó làm sáng tỏ một chân lý, trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù là nhỏ yếu, nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính đảng Mác-Lênin để giành độc lập và dân chủ, thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thắng lợi đó cũng chứng tỏ rằng chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn của giai cấp công nhân mà Đảng ta là đại biểu, chỉ có đường lối cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin mới có thể tạo điều kiện cho nhân dân ta đánh bại quân thù và giành tự do, độc lập.
Giành chiến thắng vang dội trước thực dân Pháp, nhưng hai miền đất nước vẫn bị chia cắt bởi đế quốc Mỹ đã lợi dụng thời cơ xâm chiếm miền Nam. Trong hoàn cảnh cam go ấy, Đảng ta xác định là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược:
Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa vững mạnh của cách mạng cả nước.
Hai là, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Trong tình hình ấy, miền Bắc giữ vai trò quyết định, làm hậu phương vững chắc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến kéo dài 21 năm ấy, đế quốc Mỹ đã huy động và sử dụng một lực lượng quân sự và phương tiện chiến tranh khổng lồ hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng nước ta. Nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, từng bước giành thắng lợi oanh liệt bằng cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.
Thắng lợi lịch sử ấy đã kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm trời ròng rã và mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
(Theo Giáo Dục)