VP. Đảng Ủy, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng
(84.511) 3950883
xuanphu@due.edu.vn
Thực hiện Thông báo số 306-TB/BTV, ngày 7/10/2016 của Ban Thường vụ Đảng uỷ...
Vào lúc 13h45' ngày 31/03/2015, tại Hội trường A trường Đại học Kinh tế.
Chuẩn bị Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Xây dựng Đảng bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới
Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Cụ thể hóa và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể. Tăng cường công tác kiểm tra tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên thi hành Điều lệ Đảng, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chương trình và đề án công tác của Đảng uỷ.
Thực hiện phong cách nói đi đôi với làm; chỉ đạo quyết liệt, cụ thể đối với các chi bộ, các đơn vị trong Trường, nắm chắc thực tiễn, tiếp thu cái mới; quyết đoán, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung củatoàn Đảng bộ Nhà trường.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Củng cố các tổ chức chính quyền, đoàn thể vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Thường xuyên quan tâm làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ Đảng, quản lý cán bộ.
Đảng bộ cần có giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng đảng viên; giáo dục, rèn luyện, quản lý tốt đội ngũ đảng viên. Phát triển đảng viên theo đúng tiêu chuẩn quy định, coi trọng chất lượng; quan tâm những đơn vị còn ít đảng viên.
Phấn đấuhàng năm kết nạp ít nhất 25 đảng viên mới,100% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, trên 95% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, số lượng chi bộ trong sạch vững mạnh ở mức cao nhất theo quy định.
2. Lãnh đạo xây dựng chính quyền và các tổ chức đoàn thể vững mạnh
2.1. Về xây dựng chính quyền
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức Trường theo Điều lệ Trường đại học, Quy chế Đại học vùng; kiện toàn, củng cố, hoàn thiện các khoa, phòng, trung tâm trong Trường vững mạnh, đủ năng lực quản lý và điều hành mọi hoạt động của Trường theo Luật giáo dục đại học và theo quy chế đại học Vùng, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội.
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý đi đôi với việc thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các khoa, phòng, trung tâm. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị cũng như phát huy tính chủ động sáng tạo của mọi thành viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xây dựng quy chế về công tác tổ chức và hoạt động của Trường và các khoa, phòng, trung tâm nhằm đảm bảo và tăng cường khả năng tham mưu, phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong Trường. Chỉ đạo các cấp chính quyền duy trì nề nếp, thực hiện tốt mọi quy chế, quy định và nội quy của cấp trêncũng như của Trường.
Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý trên cơ sở tiếp tụcứng dụng mạnh mẽ CNTT trong tất cả các hoạt động đào tạo, hành chính, nhân sự, tài chính,… Thực hiện cơ chế một cửa trong tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng của CBVC và SV.
Quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của CBVC và SV. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi và kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện quy chế đào tạo, thi cử, tốt nghiệp, chương trình giảng dạy, phân công giảng dạy,…
Thực hiện các chính sách khen thưởng, kỷ luật CBVC trên cơ sở xây dựng các tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch.
Thường xuyên triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong Nhà trường.
2.2 Xây dựng các tổ chức đoàn thể
Quan tâm chỉ đạo hoạt động các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội SV, Hội cựu chiến binh), hướng hoạt động của các tổ chức này vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
Lãnh đạo Công đoàn kiện toàn và củng cố về mặt tổ chức, phối hợp với chính quyền tham gia quản lý chuyên môn, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cán bộ viên chức, động viên CBVC tham gia hưởng ứng các hoạt động do Công đoàn và Nhà trường tổ chức.
Lãnh đạo Đoàn thanh niên và Hội SV thực hiện các hoạt động phong phú, thiết thực góp phần giáo dục tư tưởng, chính trị cho đoàn viên, SV; khuyến khích sinh viên học tốt, rèn luyện đạo đức, tác phong, phòng chống các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh các phong trào văn hóa, thể thao; đổi mới nội dung sinh hoạt các Chi đoàn nhằm tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh và tăng cường các kỹ năng mềm cho SV.
Quan tâm hỗ trợ hoạt động của Hội cựu chiến binh để Hội ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBVC và SV và đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển Nhà trường.
3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chính trị tư tưởng
Đảng bộ lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng theo nguyên tắc Đảng chỉ đạo, chính quyền tổ chức thực hiện và các tổ chức đoàn thể quần chúng phối hợp thực hiện. Công tác chính trị tư tưởng hướng tới xây dựng văn hoá cộng đồng, văn hoá chất lượng; hợp tác chặt chẽ và toàn diện với các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHĐN; xây dựng ý thức tự hào và trách nhiệm, tinh thần đoàn kết nhất trí của cán bộ, SV đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng ủy Nhà trường bám sát hơn nữa tình hình và nhu cầu thực tiễn để đề ra những giải pháp, biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng thích hợp. Đổi mới hình thức, nội dung chương trình, phương pháp phổ biến, học tập Nghị quyết theo hướng đa dạng, sinh động, phù hợp với từng đối tượng, tránh hình thức. Lồng ghép nội dung giáo dục chính trị tư tưởng và cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vào nội dung giảng dạy các môn học và các hoạt động văn hoá, xã hội, đoàn thể. Thường xuyên quan tâm phát hiện, xử lý kịp thời vấn đề tư tưởng cho đội ngũ CBVC và SV trong tình hình mới. Duy trì và cải tiến công tác tổ chức các cuộc đối thoại định kì giữa lãnh đạo nhà trường, các đơn vị trực thuộc với CBVC và SV.
Phấn đấu bảo đảm toàn thể CBVC và sinh viên thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của ĐHĐN và Nhà trường. Không có CBVC vi phạm pháp luật, không có CBGD vi phạm đạo đức nhà giáo.
4. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường
4.1.Phát triển Nhà trường theo định hướng nghiên cứu
a. Điều chỉnh hợp lý theo lộ trình về cơ cấu đào tạo theo trình độ (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) phù hợp với bộ tiêu chí phân loại trường đại học
Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, Trường sẽ giữ ổn định quy mô đào tạo chung và tăng dần tỷ lệ đào tạo sau đại học, tập trung phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, CLC, đổi mới mô hình đào tạo để tăng tính liên thông giữa các bậc đại học, cao học và tiến sĩ. Xây dựng lại các chương trình đào tạo, đặc biệt là chương trình học của đối tượng học bằng 2, vừa làm vừa học cho phù hợp với từng loại đối tượng.
Lập đề án mở thêm ngành mới cho bậc tiến sĩ và thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phấn đấu đến năm 2020 đạt chỉ tiêu 70% các ngành đào tạo bậc đại học có đào tạo sau đại học; tỷ lệ SVsau đại học phải chiếm tối thiểu 15% tổng số SV của Trường;bình quân mỗi năm có ít nhất 10 NCS bảo vệ luận án tiến sĩ.
b. Đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội
Thực hiện rà soát và điều chỉnh các chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học, trong đó xác định rõ mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra theo hướng đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội về nguồn nhân lực, phát triển năng lực học tập suốt đời cho người học. Chương trình đào tạo phải đảm bảo chuẩn hóa và hiện đại hóa, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tính liên thông giữa các ngành, các hệ đào tạo, liên thông với chương trình đào tạo của các trường trong và ngoài nước.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng chú trọng phát triển các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm thông qua các hoạt động ngoại khóa, tăng cường khối kiến thức thực hành đi đôi với đa dạng hóa các phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học.
c. Tập trung phát triển hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ
Nhà trường ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển hoạt động NCKH, gắn kết hoạt động nghiên cứu với đào tạo và xem đây là động lực để nâng cao chất lượng đào tạo.
Có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh hoạt động các nhóm nghiên cứu-giảng dạy (TRT) làm hạt nhân phát triển NCKH, phấn đấu 100% các khoa có nhóm nghiên cứu giảng dạy trong đó có ít nhất 50% các nhóm triển khai hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.
Nhà trường dành đủ kinh phí cho hoạt động NCKH, hỗ trợ đăng ký và thực hiện các đề tài NCKH các cấp, đặc biệt là đề tài cấp Nhà nước; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng theo nhu cầu của địa phương.
Tăng cường phối hợp với các đối tác, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước tổ chức các hội thảo mang tầm quốc tế, quốc gia, phát triển Tạp chí Khoa học Kinh tế của Trường trở thành tạp chí uy tín trong cả nước, phấn đấu được xếp trong danh mục tạp chí tính điểm của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước với mức điểm từ 0,75-1 điểm.
Chú trọng đề xuất các dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế thông qua các chương trình Nghị định thư, các chương trình của cộng đồng châu Âu. Ngoài ra, cần khai thác hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia để thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu.
Khuyến khích giảng viên tham gia NCKH và đặt chỉ tiêu ít nhất 90% giảng viên có tham gia NCKH với các cấp độ và hình thức khác nhau, trong đó 50% giảng viên có tham gia đề tài NCKH các cấp hoặc có thực hiện công bố công trình khoa học hàng năm. Nhà trường đưa yêu cầu bắt buộc mỗi tiến sĩ phải có ít nhất 01 bài báo khoa học mới đủ tiêu chuẩn xét lao động tiên tiến cũng như có chính sách khen thưởng đối với các giảng viên công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế. Phấn đấu mỗi năm có ít nhất 10 bàibáo, tham luận được đăng trên các tạp chí hoặc hội thảo quốc tế, trong đó có từ 01 đến 03 bài được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, SCI, ABDC, Scopus..
Kết hợp chặt chẽ việc NCKH với đào tạo sau đại học, huy động tiềm năng nghiên cứu của các NCS và học viên cao học, chuyển công tác đào tạo sau đại học gắn kết hơn nữa với các Khoa/Bộ môn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác NCKH sinh viên, phấn đấu hàng năm đều có SV đạt giải trong các cuộc thi sinh viên NCKH toàn quốc.
d. Phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ
Nhà trường chủ trương ổn định số lượng cán bộ giảng viên hiện có và tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ. Có chính sách bố trí giảng viên một cách linh hoạt và phù hợp nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực hiện có. Chỉ tuyển mới các CBGD có bằng sau đại học sau khi đã cân đối nguồn lực CBGD từ các khoa nhưng vẫn chưa đảm bảo nhu cầu và xem năng lực ngoại ngữ là tiêu chí quan trọng khi tuyển dụng, ưu tiên gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài.
Xây dựng và thực hiện đề án phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, giao chỉ tiêu cử cán bộ đi học nghiên cứu sinh, đăng ký làm PGS/GS cho từng khoa, tăng cường hơn nữa vai trò cũng như quyền tự chủ của các khoa, các bộ môn trong công tác tuyển dụng cán bộ.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ làm lực lượng kế thừa cho công tác quản lý ở các vị trí chủ chốt. Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý và phục vụ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Có kế hoạch phát triển đội ngũ, đổi mới công tác tuyển dụng, có chính sách thu hút những người có trình độ tiến sĩ đáp ứng được việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Trường.
Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp giảng dạy hiện đại và phương pháp đánh giá kết quả học tập của SV cho giảng viên, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho các chuyên viên.
Thực hiện có nề nếp và hiệu quả yêu cầu đánh giá cán bộ, giảng viên, chủ động bố trí sắp xếp lại các cán bộ, giảng viên chưa đủ tiêu chuẩn theo vị trí nghề nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2018, 100% giảng viên có trình độ sau đại học,trong đó tỉ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ đạt trên 30%, có học hàm PGS/GS ít nhất 10%.
e. Phát triển các nguồn lực phục vụ nghiên cứu và học tập
Phát triển Thư viện thành trung tâm thông tin tư liệu theo mô hình Thư viện điện tử và thư viện kỹ thuật số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin để Thư viện là nơi học tập, nghiên cứu cho đông đảo cán bộ giảng viên và SV.
Đầu tư trang bị giáo trình của các trường uy tín trên thế giới đi đôi với việc khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác viết giáo trình và sách tham khảo phục vụ đào tạo đại học, sau đại học.Phấn đấu 100% các học phần giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học có tài liệu điện tử đưa lên hệ thống E-learning của Trường và mỗi năm có 7-10 giáo trình do giảng viên của Trường biên soạn.
4.2. Phát triển hoạt động khảo thí và đảm bảo chất lượng
a. Phát triển hoạt động khảo thí
Tiếp tục đổi mới công tác khảo thí, trong đó chú trọng hoàn thiện các quy trình tổ chức đánh giá kết quả học tập, xây dựng ngân hàng đề thicó chất lượng và ứng dụng CNTT trong công tác tổ chức kiểm tra đánh giá. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các học phần có ngân hàng đề thi, trong đó ít nhất 30% các học phần có đề thi trắc nghiệm.
b. Thực hiện thường xuyên công tác đảm bảo chất lượng
Tăng cường các hoạt động đảm bảo chất lượng, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng trong Nhà trường. Cụ thể,thành lập Hội đồng Đảm bảo chất lượng của Trường, xây dựng quy hoạch tổng thể và chiến lược đảm bảo chất lượng giai đoạn 2015-2020, xây dựng Sổ tay đảm bảo chất lượng, hệ thống công cụ, quy trình, hướng dẫn thực hiện triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng cho toàn trường đến từng khoa/phòng/bộ môn.
Thực hiện định kỳ việc đánh giá nội bộ để tự điều chỉnh thông qua các hoạt động lấy ý kiến phản hồi của người học, cựu SV, người sử dụng lao động về hoạt động giảng dạy, chương trình đào tạo, giảng viên; định kỳ thực hiện đánh giá kết quả quản lý lãnh đạo đối với Ban giám hiệu, lãnh đạo các khoa/phòng. Phấn đấu 100% giảng viên được lấy ý kiến từ người học, 100% cán bộ quản lý được lấy ý kiến từ CBVC Nhà trường.
Điều chỉnh các tuyên bố về viễn cảnh, sứ mạng, mục tiêu và các giá trị cốt lõi của Nhà trường. Tập trung mọi nỗ lực để thực hiện các cam kết của Trường với xã hội, trong đó quan trọng nhất là thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, thiết kế chương trình và tổ chức thực hiện quá trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩnAUN.
c. Tham gia kiểm định chất lượng cấp quốc gia và quốc tế
Tham gia hoạt động kiểm định chất lượng Trường đại học của Bộ giáo dục và Đào tạo và đảm bảo đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định.
Tất cả các chương trình đào tạo đều xây dựng theo chuẩn AUN. Phấn đấu ít nhất 2 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN vào năm 2017 và hết nhiệm kỳ có ít nhất 50% chương trình được đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4.3. Thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng
a. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế
Tập trung xây dựng và cập nhật thông tin thường xuyên cho trang web bằng tiếng Anh để quảng bá hình ảnh và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Tích cực xây dựng các đề án hợp tác song phương với các trường đại học, các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giớinhằm hỗ trợ cải tiến và kiểm định chương trình đào tạo, tạo cơ hội cho giảng viên, SV có điều kiện tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến và các cơ hội học tập với nước ngoài thông qua các chương trình liên kết.
Chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các cán bộ giảng viên đã và đang được đào tạo tại nước ngoài. Tăng cường hoạt động trao đổi giảng viên với các trường đại học liên kết cũng như thực hiện các dự án, nhóm nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học của Trường với các chuyên gia, giáo sư và nhà khoa học từ các nước tiên tiến, các đơn vị liên kết nước ngoài.
b. Tăng cường năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ CBVC và SV
Ban hành tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với giảng viên, cán bộ quản lý và cán bộ lãnh đạo, có chương trình bồi dưỡng, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các tiêu chuẩn đặt ra.
Tăng cường tìm kiếm các dự án, các nguồn tài trợ nhằm tạo cơ hội cho cán bộ giảng viên được đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, tham dự hội nghị và trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài.
Có chính sách hỗ trợ thúc đẩy việc giảng dạy bằng tiếng Anh trong các chương trình đào tạo, đặc biệt là chương trình tiên tiến, CLC.
c. Đẩy mạnh các chương trình đào tạo quốc tế.
Đa dạng hóa các chương trình hợp tác quốc tế, liên kết với các trường đại học trên thế giới để phát triển loại hình đào tạo 2+2, 3+1, chuyển tiếp SV, nhất là SV chương trình CLC sang học các năm cuối ở nước ngoài, phát triển thêm một số chương trình liên kết đào tạo quốc tế, đặc biệt là chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở bậc sau đại học.
Chú trọng thiết kế chương trình đào tạo dựa trên cơ sở các chương trình quốc tế đã được kiểm định, khuyến khích việc sử dụng giáo trình nước ngoài làm giáo trình hoặc tài liệu tham khảo.
Tăng cường tìm kiếm các dự án đầu tư cơ sở vất chất và đào tạo nguồn nhân lực từ các đối tác, các tổ chức nước ngoài. Đặc biệt chú trọng phát triển hợp tác sâu rộng với một số trường đại học đã có mối quan hệ truyền thống như Yokohama (Nhật Bản), Aston (Anh),... tích cực mời thỉnh giảng đối với các giáo sư, giảng viên danh tiếng ở các trường liên kết nước ngoài.
d. Phát triển các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.
Tăng cường quan hệ hợp tác với các trường đối tác nước ngoài để thực hiện chuyển tiếp sinh viên ra nước ngoài học tập, trao đổi văn hóa và tiếp nhận sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập nghề nghiệp tại Trường. Phấn đấu mỗi năm có ít nhất 10 sinh viên được học chuyển tiếp tại các trường đại học trên thế giới theo chương trình 3+1 hoặc 2+2.
4.4. Triển khai mô hình quản trị đại học tiên tiến và tự chủ về tài chính
a. Xây dựng mô hình quản trị đại học tiên tiến
Nghiên cứu xây dựng mô hình quản trị trường đại học theo hướng tự chủ, hiện đại, hiệu quả. Dành kinh phí thích đáng cho việc mời chuyên gia, nhà quản lý và cử cán bộ học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình quản trị trường đại học.
Từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý của Trường theo định hướng quản lý tổng thể trên nền tảng ứng dụng CNTT ở trình độ cao, thực hiện hệ thống quản lý TQM nhằm đảm bảo chất lượng toàn diện. Cụ thể, Nhà trường thực hiện đầu tư kinh phí thích đáng cho việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và triển khai ứng dụng CNTT trong toàn bộ quá trình hoạt động và quản lý,tập trung phát triển hệ thống E-learning và đào tạo trực tuyến, hướng đến xây dựng mô hình công nghệ dạy học trực tuyến và trường học điện tử của Trường một cách thống nhất, đồng bộ.Tăng cường bồi dưỡng năng lực và kỹ năng quản lý, tăng cường và khuyến khích tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người lãnh đạo, phát huy tính chủ động sáng tạo của tất cả CBVC.
b. Thực hiện tự chủ về tài chính
Tập trung trí tuệ tập thể để xây dựng đề án về tự chủ tài chính, tiến đến có thể thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính và không sử dụng ngân sách Nhà nước trước năm 2020. Trong đó, một trong những chủ trương lớn là Nhà trường sẽ từng bước mở rộng loại hình đào tạo CLC, phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ các chương trình đào tạo sẽ theo hướng đào tạo CLC.
Xây dựng kế hoạch hoạt động của Trường luôn đi đôi việc huy động các nguồn thu, khai thác nội lực để tăng nguồn thu từ học phí, NCKH và các hoạt động dịch vụ.
4.5. Phát triển cơ sở vật chất
a. Thực hiện xây dựng quy hoạch tổng thể, có chiến lược đầu tư cơ sở vật chất dài hạn
Xác định việc tập trung xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng cho mục tiêu chiến lược phát triển Trường theo định hướng nghiên cứu là ưu tiên hàng đầu; xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, bám sát các yêu cầu và tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cơ sở vật chất của trường đại học để từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia và quốc tế.
b. Hoàn thiện các phòng học đạt tiêu chuẩn
Xây dựng bộ tiêu chuẩn về chất lượng phòng học, phòng hội thảo, phòng họp,… để làm cơ sở cho việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đạt tiêu chuẩn.
Tiến hành rà soát và đánh giá thực trạng toàn bộ các phòng học hiện tại, có kế hoạch cải tạo phòng học, trang bị thiết bị trong các phòng học đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đầu tư phát triển thư viện, các phòng máy tính, các phòng chuyên đề phục vụ dạy học theo hướng hiện đại.
c. Hoàn thành công trình nhà đa năng và Ký túc xá sinh viên Lào
Huy động và tranh thủ mọi nguồn vốn từ nguồn thu học phí, kinh phí từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHĐN, các nguồn dự án, vốn tài trợ, vốn vay,… để triển khai hoàn thành công trình Nhà đa năng bao gồm khối hành chính, văn phòng các khoa, hội trường, phòng chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, khu làm việc dành cho các GS, PGS, tiến sĩ và khu Ký túc xá cho SV Lào. Phấn đấu hai công trình trọng điểm này hoàn thành trong năm 2017.
5. Các nhiệm vụ trọng tâm khác
5.1. Giáo dục đạo đức, lối sống và chăm lo đời sống tinh thần cho sinh viên
Đoàn Thanh niên, Hội SV nghiên cứu các hình thức tổ chức sinh hoạt Đoàn, Hội có hiệu quả trong hình thức tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ; hướng hoạt động Đoàn về các Liên chi Đoàn, tăng cường sự lãnh đạo của Chi bộ các Khoa đối với hoạt động mọi mặt của các Liên chi Đoàn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, hoài bão cho SV, ngăn chặn bạo lực học đường, tệ nạn xã hội; tổ chức các buổi diễn thuyết, trao đổi kinh nghiệm học tập giữa SV Trường Đại học Kinh tế và SV các nước;Đoàn Thanh niên phối hợp với Phòng công tác SV tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm thu hút đông đảo SV vào các sinh hoạt tinh thần lành mạnh.
5.2. Chăm lo đời sống cán bộ công chức
Lãnh đạo tổ chức Công đoàn quan tâm chăm lo đời sống cho CBVC, đảm bảo thu nhập cho CBVC ngày càng tăng.
Tổ chức Công đoàn cùng với chính quyền các cấp phát triển các hoạt động dịch vụ hợp pháp để có thêm nguồn thu nhập bổ sung cho phúc lợi, tạo điều kiện giúp cán bộ trẻ mới ở lại Trường ổn định cuộc sống, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đi học sau đại học ở nước ngoài.
5.3. Công tác tài chính
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương công khai, minh bạch trong quảnlý tài chính. Hằng năm Nhà trường công bố thu chi rõ ràng theo qui định “Ba công khai” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quan tâm và chú trọng huy động các nguồn thu để thực hiện lộ trình tăng thu nhập cho cán bộ viên chức, đảm bảo thu nhập ổn định và duy trì ở mặt bằng chung cao để cán bộ viên chức yên tâm công tác, thực hiện phân phối thu nhập công bằng, có chính sách ưu đãi đối với những CBVC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thành tích và đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường.
Phấn đấu nguồn thu tăng 10% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao đời sống của CBVC.
Rà soát lại các định mức chi trong Quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng ngày càng công bằng, hợp lý, khuyến khích các đơn vị, cá nhân trong toàn Trường nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung.
Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một giai đoạn mới phát triển Nhà trường toàn diện, bền vững theo định hướng đại học nghiên cứu và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ phía trước rất nặng nề, nhiều khó khăn, thử thách, Đại hội tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, trí tuệ, với đội ngũ CBVC và đảng viên giàu năng lực, tâm huyết, có trách nhiệm và tinh thần đổi mới, Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
Đại hội kêu gọi toàn thể CBVC và SV toàn Trường dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ đồng tâm, nhất trí, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu nhiệm vụ trong tâm của giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết của Đại hội với tinh thần xây dựng và phát triển Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh của cả nước, được xếp hạng trong các trường đại học khu vực Đông Nam Á, thực hiện được sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực quản lý kinh tế chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.