DHKT

Một số Nghị định, Thông tư và Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 05/2015

MỘT SỐ NGHỊ ĐỊNH, THÔNG TƯ VÀ CHÍNH SÁCH NỔI BẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 01/2015

A. Nghị định

1. Nghị định 29/2015/NĐ-CP : Hướng dẫn Luật Công chứng 2014

Khi chuyển đổi Phòng công chứng (PCC) phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Văn phòng công chứng mới phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của PCC cũ;

- Bảo đảm chế độ, chính sách theo quy định pháp luật cho công chứng viên, viên chức, người lao động sau khi PCC chấm dứt hoạt động;

- Văn phòng công chứng mới phải ký hợp đồng lao động với công chứng viên, viên chức, người lao động của PCC cũ;

- Tài sản Nhà nước do PCC quản lý đảm bảo được xử lý theo đúng quy định, không bị thất thoát trong khi chuyển đổi.

Ngoài ra, người đang tham gia đào tạo nghề công chứng 6 tháng theo Luật cũ sẽ tiếp tục thực hiện và được công nhận hoàn thành việc tham gia đào tạo nghề công chứng.

Điều kiện mới về Trưởng văn phòng công chứng không áp dụng với người đang là Trưởng văn phòng của Văn phòng công chứng được thành lập trước ngày 01/01/2015.

2. Nghị định 28/2015/NĐ-CP : Hướng dẫn mới về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)

Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Nghị định này:

Người lao động (NLĐ) đã giao kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 đến dưới 12 tháng trước ngày 01/01/2015 và đang thực hiện hợp đồng này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tham gia BHTN cho NLĐ.

Trường hợp NLĐ giao kết nhiều hợp đồng lao động và đang tham gia BHTN theo hợp đồng có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN thì:

NLĐ và NSDLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN của hợp đồng giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHTN theo quy định.

Cũng theo Nghị định, trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết thì NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01/01/2015.

3. Nghị định 26/2015/NĐ-CP : Chế độ cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm

Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm được nghỉ để chờ đủ tuổi để nghỉ hưu sẽ được hưởng các chế độ sau:

- Được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc  theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).

- Căn cứ vào mức lương, các khoản phụ cấp và mức chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) được hưởng, cán bộ và cơ quan sẽ thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Các chế độ khác như chế độ phục vụ, chế độ điện thoại (nếu có) thôi hưởng kể từ tháng liền kề sau tháng có quyết định nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Ngoài ra chế độ đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và cán bộ nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định trong Nghị định này.

4. Nghị định 24/2015/NĐ-CP : Quy định nhân lực của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy

Các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi các loại phương tiện thủy nội địa nêu sau phải đáp ứng yêu cầu về cán bộ kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng. Cụ thể:

- Phương tiện có sức chở đến 12 người: phải có tối thiểu 01 công nhân chuyên ngành đóng tàu thủy.

Nếu đóng loại phương tiện  này bằng gỗ theo kinh nghiệm cổ truyền phải có tối thiểu 01 thợ lành nghề.

- Phương tiện có sức chở từ 13 đến dưới 50 người: mỗi bộ phận phải có tối thiểu 01 cán bộ có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề chuyên ngành đóng tàu thủy và 01 cán bộ có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề chuyên ngành máy tàu thủy.

- Phương tiện có sức chở từ 50 người trở lên: phải có bộ phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm, mỗi bộ phận phải có tối thiểu 01 kỹ sư chuyên ngành đóng tàu thủy và 01 kỹ sư chuyên ngành máy tàu thủy.

Nghị định này thay thế Nghị định 21/2005/NĐ-CP .

B. Thông tư

1. Thông tư 05/2015/TT-BYT : Danh mục thuốc đông y được BHYT chi trả

Quỹ  BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền cho người bệnh có thẻ BHYT tại các cơ sở có thực hiện khám chữa bệnh BHYT nếu thuốc, vị thuốc đó nằm trong danh mục quy định tại Thông tư 05.

Danh mục này gồm: 229 loại thuốc đông y, thuốc từ dược liệu (xếp thành 11 nhóm) và 349 vị thuốc y học cổ truyền (xếp thành 30 nhóm).

Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT vào viện trước 01/05/2015 nhưng còn đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh từ 01/05/2015  thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 12/2010/TT-BYT cho đến khi người bệnh ra viện.

Đối với các thuốc, vị thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo Thông tư 12, quỹ BHYT tiếp tục thanh toán cho đến khi sử dụng hết số thuốc đã trúng thầu theo kết quả đấu thầu cung ứng thuốc và đã được cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng cung ứng với nhà thầu trước ngày 01/05/2015.

Đối với các thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo quy định tại Thông tư 12 nhưng có quy định giới hạn chỉ định tại Thông tư 05, quỹ BHYT thanh toán theo điều kiện quy định tại Thông tư 05 kể từ ngày 01/05/2015.

2. Thông tư 04/2015/TT-BCT : Áp dụng Quy tắc cụ thể mặt hàng mới

Từ ngày 01/05/2015, Quy tắc cụ thể mặt hàng kèm theo Thông tư 20/2014/TT-BCT quy định thực hiện quy tắc xuất xứ trong hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc sẽ bị bãi bỏ.

Thay vào đó sẽ áp dụng Quy tắc cụ thể mặt hàng ban hành kèm theo Thông tư 04.

3. Thông tư 03/2015/TT-BTTTT : Hồ sơ đăng ký sử dụng máy photocopy màu

Trước khi sử dụng máy photocopy màu hay máy in có photocopy màu thì cơ quan, tổ chức phải đăng ký sử dụng với Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT).

Theo đó, hồ sơ đăng ký bao gồm:

- Đơn đăng ký sử dụng máy theo mẫu.

- Bản sao có bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực nếu gửi bằng đường bưu chính, chuyển phát giấy phép nhập khẩu máy; giấy tờ đảm bảo tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức đăng ký sử dụng máy; hợp đồng và hóa đơn mua máy hoặc chứng từ thuê mua máy.

- Đơn đề nghị chuyển nhượng (đối với máy đã đăng ký sử dụng) có xác nhận của Sở TTTT nơi đã đăng ký máy đó.

4. Thông tư 02/2015/TT-BNV :  Mã số ngạch công chức quản lý thị trường

Theo Thông tư 02, các chức danh và mã số ngạch công chức quản lý thị trường, bao gồm:

- Kiểm soát viên chính thị trường - Mã số ngạch: 21.188.

- Kiểm soát viên thị trường - Mã số ngạch: 21.189.

- Kiểm soát viên trung cấp thị trường - Mã số ngạch: 21.190.

5. Thông tư 04/2015/TT-BYT : Thừa nhận tiêu chuẩn quản lý chất lượng cơ sở KCB

Theo đó, thừa nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài về quản lý chất lượng cơ sở khám chữa bệnh (KCB):

(i) Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài về quản lý chất lượng cơ sở KCB đã được Hiệp hội quốc tế về chất lượng y tế công nhận được Bộ Y tế thừa nhận để áp dụng tại Việt Nam.

(i) Tiêu chuẩn trong nước về quản lý chất lượng cơ sở KCB đã được ISQua công nhận cũng được Bộ Y tế thừa nhận.

Đồng thời quy định tiêu chí thừa nhận tiêu chuẩn quản lý chất lượng cơ sở KCB ngoài các tiêu chuẩn được thừa nhận nêu trên:

- Tiêu chí chung

+ Tiêu chuẩn quy định về thời hạn áp dụng, phương thức đánh giá các tiêu chuẩn.

+ Tiêu chuẩn quy định việc chứng nhận chất lượng là hoạt động tự nguyện của các cơ sở KCB.

+ Tiêu chuẩn bảo đảm tính khoa học và hiệu quả để quản lý chất lượng từng lĩnh vực dịch vụ KCB.

+ Tiêu chuẩn bảo đảm đánh giá được tổng thể các đặc tính chất lượng: an toàn, hiệu quả, kịp thời, công bằng, hướng đến người bệnh và nhân viên y tế.

+ Tiêu chuẩn bao gồm các tiêu chí, chỉ số bảo đảm đánh giá đầy đủ 3 thành tố chất lượng: đầu vào, quy trình và kết quả thực hiện.

- Tiêu chí cụ thể được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Thông tư 12/2015/TT-BLĐTBXH : Danh mục thiết bị tối thiểu trình độ TC nghề, CĐ nghề

Theo đó, ban hành danh mục thiết bị tối thiểu trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề cho các nghề:

- Vận hành điện trong nhà máy điện;

- Đo lường điện;

- Vận hành tổ máy phát điện diesel;

- Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 110kv trở xuống;

- Thí nghiệm điện;

- Bảo trì thiết bị cơ điện;

- Kỹ thuật thiết bị sản xuất dược;

- Kỹ thuật thiết bị xét nghiệm y tế;

 

- Vận hành thiết bị hóa dầu;

- Vận hành thiết bị chế biến dầu khí;

- Vận hành thiết bị khai thác dầu khí;

- Khoan khai thác dầu khí;

- Chế biến thực phẩm;

- Công nghệ sản xuất bộ giấy và giấy;

- Sửa chữa thiết bị may.

C. Chính sách

1. Các ngành nghề NLĐ phải có chứng chỉ nghề Quốc gia

Theo Nghị định 31/2015/NĐ-CP , đối với các ngành nghề sau NLĐ sẽ phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia:

- Đào, chống lò.

- Vận hành máy, thiết bị khai thác than trong hầm lò.

- Sửa chữa bảo dưỡng thiết bị y tế sử dụng điện tử, điều khiển bằng điện tử, khí áp lực và quang học.

- Vận hành xe, máy thi công xây lắp đường hầm (trong ngành xây dựng công trình đường sắt, Xây dựng công trình đường bộ, Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác).

- Vệ sinh lau dọn bề ngoài các công trình cao tầng trên 10 tầng.

- Quản lý và phục vụ tại khu vui chơi, giải trí trong tầng hầm có diện tích trên 1000m2.

Nghị định này có hiệu lực từ 15/5/2015.

2. Lệ phí tuyển sinh Đại học năm 2015

Các thí sinh có hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 01/4/2015 sẽ phải nộp mức phí dự thi, dự tuyển mới theo quy định tại Thông tư liên tịch 40/2015/TTLT-BTC-BGDĐT .

Theo đó:

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường trung cấp, cao đẳng và đại học sẽ nộp 35.000 đồng/môn thi (dự thi), 30.000 đồng/hồ sơ (dự tuyển).

Đối với thí sinh đăng ký sơ tuyển vào các trường khối quốc phòng, an ninh, ngoài phí dự thi, dự tuyển, còn phải nộp 50.000 đồng/hồ sơ khi đăng ký sơ tuyển.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể các mức lệ phí đối với thí sinh dự thi, dự tuyển vào các ngành năng khiếu, các trường tuyển sinh riêng …

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 11/5/2015 và thay thế Thông tư liên tịch 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT , 25/2013/TTLT-BTC-BGDĐT .

3. Nguyên tắc thực hiện kết luận thanh tra

Theo Nghị định 33/2015/NĐ-CP , nguyên tắc thực hiện kết luận thanh tra như sau:

- Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện kết luận thanh tra một cách nghiêm chỉnh.

- Các sai phạm được xác định cụ thể, rõ ràng trong kết luận thanh tra phải được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh.

- Kiến nghị, yêu cầu trong kết luận thanh tra phải được xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Kết luận thanh tra phải được cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

- Chưa bắt buộc phải thực hiện những nội dung đang được thanh tra lại, nội dung kết luận thanh tra xin ý kiến chỉ đạo nhưng chưa có ý kiến chỉ đạo xử lý của người có thẩm quyền.

Nghị định 33 có hiệu lực từ ngày 15/5/2015 và bãi bỏ Điều 56, 57 của Nghị định 86/2011/NĐ-CP .

4. Hướng dẫn xác định đơn giá nhân công

Từ ngày 15/05/2015, đơn giá nhân công được xác định theo Thông tư 01/2015/TT-BXD như sau:

GNC = LNCx HCB x 1/t

Trong đó:

- GNC: đơn giá nhân công tính cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng.

- LNC: mức lương đầu vào để xác định đơn giá nhân công cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng.

- HCB: hệ số lương theo cấp bậc của nhân công trực tiếp sản xuất xây dựng công bố tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.

- t: 26 ngày làm việc trong tháng.

5. Bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Y tế

Theo Thông tư 06/2015/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/05/2015, việc gửi tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải thực hiện như sau:

- Vào sổ: tài liệu mật trước khi gửi đi phải vào sổ "Tài liệu mật đi” và  ghi đầy đủ các thông tin: số thứ tự, ngày, tháng, năm, nơi nhận, trích yếu nội dung, độ mật, độ khẩn, người nhận (ký tên, ghi rõ họ tên).

-  Lập phiếu gửi: tài liệu mật gửi đi phải kèm theo phiếu gửi và phải bỏ chung vào bì cùng với tài liệu.

-  Làm bì: tài liệu mật gửi đi phải đựng trong bì giấy dai, khó bóc, khó thấm nước, không nhìn thấu qua được và không được gửi chung trong một phong bì với tài liệu thường.

-  Dấu ký hiệu chỉ mức độ tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật đóng ngoài bì: Không được viết chữ hoặc đóng dấu Mật, Tối mật, Tuyệt mật ở ngoài bì mà thay vào đó là ký hiệu C,B,A; riêng tài liệu Tuyệt mật phải sử dụng hai bì.

6. Điều kiện để người Lào di cư nhập quốc tịch Việt Nam

Người Lào di cư sang các huyện của Việt Nam tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt - Lào thuộc đối tượng được phép cư trú tại Việt Nam muốn nhập quốc tịch Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện:

- Tự nguyện có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;

- Tự nguyện tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam;

- Không vi phạm pháp luật hình sự;

- Có cuộc sống ổn định, có nhà cửa tài sản cố định, có đất canh tác tại nơi đang cư trú;

- Không phải là người đang bị truy nã hoặc đang phải thi hành án theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Có tên gọi Việt Nam (do người xin nhập quốc tịch lựa chọn và ghi rõ trong Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam).

Nội dung trên được quy định tại Thông tư 03/2015/TT-BTP (có hiệu lực từ 16/05/2015).

Thông tư này hết hiệu lực khi Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước chấm dứt hiệu lực.

7. Giám sát tiền lương, thưởng trong tổng công ty Nhà nước

Theo Thông tư 15/2015/TT-BLĐTBXH , giám sát việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch hằng năm của tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ với các nội dung chủ yếu sau:

- Định mức lao động; tuyển dụng, sử dụng lao động.

- Tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, viên chức quản lý và người đại diện vốn nhà nước.

- Xây dựng và thực hiện các quy chế, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ cơ sở.

- Thực hiện các chế độ khác đối với người lao động.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2015.

(Theo thuvienphapluat.vn)