DHKT

  • Tọa đàm “Kinh nghiệm công bố quốc tế và phát triển nhóm nghiên cứu khoa học”: Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu

    Sáng ngày 29/12, Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN rất vinh dự được đăng cai tổ chức tọa đàm lần đầu tiên với sự tham gia của các thầy giáo, cô giáo đến từ 11 trường thuộc khối thi đua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Kinh nghiệm công bố quốc tế và phát triển nhóm nghiên cứu khoa học”. 

    Phát biểu tại buổi khai mạc, TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN - Khối trưởng Khối thi đua các trường đại học tại TP. Đà Nẵng cho biết: Tọa đàm này được tổ chức với mục đích chia sẻ những kinh nghiệm, thông tin hữu ích từ các quý thầy giáo, cô giáo, nhất là quý thầy cô đã thành công trong việc công bố quốc tế uy tín, đã chủ nhiệm các đề tài cấp quốc gia và tham gia phát triển thành công nhóm nghiên cứu khoa học. Đây cũng là cơ hội để các lãnh đạo, quý thầy cô phụ trách mảng công tác nghiên cứu khoa học của các trường trong Khối trao đổi, chia sẻ các chính sách, cách làm hay trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học phù hợp với đặc thù và quy định hiện nay.

    TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh phát biểu khai mạc

    Tọa đàm đã diễn ra thành công với ba bài tham luận của các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong công bố quốc tế uy tín với nhiều kết quả nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế. Trong đó, bài tham luận do PGS.TS. Đặng Tùng Lâm, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN trình bày tập trung vào một chủ đề quan trọng và đầy thách thức - “Kinh nghiệm công bố quốc tế uy tín và viết đề xuất tài trợ nghiên cứu” . PGS.TS. Đặng Tùng Lâm là nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong công bố quốc tế uy tín với nhiều kết quả nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí Top 1% của thế giới và là thành viên của Hội đồng khoa học ngành Kinh tế học của Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ quốc gia (Nafosted). Tại tham luận này, PGS.TS. Đặng Tùng Lâm cũng chia sẻ thêm về những bài học từ những khó khăn mà mình đã trải qua cũng như những ý tưởng hay, cách viết bản thảo bài báo… Ngoài ra, diễn giả cũng trình bày về việc viết đề xuất tài trợ nghiên cứu là một kỹ năng không thể phủ nhận trong hành trình nghiên cứu. Đề xuất tài trợ không chỉ là cơ hội để tìm kiếm nguồn lực cần thiết mà còn là dịp để trình bày ý tưởng nghiên cứu một cách thuyết phục, làm tăng khả năng thành công của dự án và mở ra những cánh cửa mới.


    PGS.TS. Đặng Tùng Lâm chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế uy tín và viết đề xuất tài trợ nghiên cứu

    Với 3 nhiệm vụ chính là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng thì đây là một trong những chủ đề được các cơ sở giáo dục đại học và các quý thầy giáo, cô giáo quan tâm. Đặc biệt, với sự thay đổi mạnh mẽ trong thế giới nghiên cứu với những yêu cầu ngày càng cao hơn và khắt khe hơn trong chuẩn công bố khoa học, không chỉ vừa phải cung cấp những tri thức mới, những khám phá mới, mà còn đòi hỏi tính liêm chính cao hơn và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển cộng đồng. Những yêu cầu này đòi hỏi để có những công bố được chấp nhận, nhất là trong các tạp chí, nhà xuất bản có uy tín, được chấp nhận giao các đề tài nghiên cứu khoa học, quý thầy giáo, cô giáo không chỉ liên tục cập nhật, nghiên cứu kiến thức chuyên môn mà cũng cần có những kỹ năng, nghệ thuật và thông tin cần thiết trong việc gửi các công trình nghiên cứu để được công bố và chấp nhận. Đối với cơ sở giáo dục, lãnh đạo các trường phải có những chính sách quyết tâm trong việc hỗ trợ giảng viên công bố quốc tế, xây dựng các nhóm nghiên cứu, tiến tới phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh gồm những cá nhân xuất sắc, đầu đàn, làm hạt nhân cho cả nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng; từ đó nâng cao xếp hạng và học hiệu của mỗi cơ sở giáo dục.


    Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

    Nội dung chi tiết xin vui lòng xem thêm tại đây.

    Nguồn: Trung tâm CNTT&TT