DHKT

Hệ thống phổ biến

Văn bản

Biểu mẫu

Tin tức pháp luậtHỏi - ĐápLiên hệ

Tuân thủ luật giao thông và nâng cao hiệu quả bảo vệ bản thân trong sinh viên

09/11/2018

Tuân thủ luật giao thông và nâng cao hiệu quả bảo vệ bản thân trong sinh viên

1/ Dẫn nhập

Hiện nay, việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông trong người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng tai nạn giao thông vẫn nghiêm trọng; tình hình tham gia giao thông ngày càng trở nên phức tạp. Từ ngày 16/12/2017 đến 15/6/2018, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có hàng trăm gia đình Việt Nam gánh chịu sự mất mát khủng khiếp.

Năm học 2018-2019, nước ta có khoảng 1,49 triệu sinh viên. Theo điều tra của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, gần 80% số người bị xử lí khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 đến 35; gần 95% sinh viên điều khiển xe sai kĩ thuật. Một thực tế hiện nay là vẫn còn tình trạng sinh viên tham gia giao thông sử dụng xe máy phân khối lớn khi chưa có giấy phép lái xe; ra đường đi hàng ba, hàng tư; ngồi xe mô tô, xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép khi lái xe,…

2/ Việc tuân thủ giao thông trong sinh viên Trường ĐHKT – ĐHĐN hiện nay và các vấn đề mở rộng

Chúng ta đã từng được nghe, được tuyên truyền rất nhiều về việc tuân thủ luật giao thông vì lợi ích của bản thân và cho những người thân. Ý thức và văn hóa tham gia giao thông của sinh viên ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những trường hợp sinh viên của chúng ta theo thói quen cũ hoặc vì gấp gáp vội vàng và nhiều lý do khác đã không tuân thủ luật an toàn giao thông. (slide ảnh thực tế). Một đặc thù về giao thông của trường chúng ta, là vị trí nằm trên tuyến đường có giao thông tương đối phức tạp, lưu lượng di chuyển xe lớn, đặc biệt là các xe container, xe ô tô lớn. Thực tế trong năm 2018 vừa qua, trước cổng trường chúng ta đã xảy ra 02 vụ TNGT nghiêm trọng, may mắn là chúng ta chưa mất đi người bạn nào. Tuy vậy, ở nơi khác, trong quá trình tham gia giao thông, một sinh viên trường chúng ta đã vĩnh viễn dừng tuổi trẻ của mình lại trên chặng đường về nhà. Việc tuân thủ luật khi tham gia giao thông càng nên được chú trọng.

Đầu tiên, là giấy phép lái xe là điều kiện tiên quyết mỗi chúng ta cần trang bị khi tham gia giao thông. Chúng ta tạm thời gác lại những vấn đề xử phạt vi phạm hành chính, quan trọng hơn cả, việc tham gia giao thông khi chưa có giấy phép lái xe là lỗi sai thuộc về người chưa có giấy phép, mặc dù lúc tham gia giao thông họ có thể đã chấp hành đúng quy tắc. Hoặc chúng ta thường chủ quan nghĩ rằng việc sử dụng bia, rượu,… một chút, vẫn còn cho rằng bản thân tỉnh táo có thể tham gia giao thông. Nhưng, bất trắc xảy ra va chạm giao thông, giả sử lúc đó các quy tắc, kĩ thuật lái xe đều đáp ứng, nhưng vì chưa có giấy phép, vì có nồng độ cồn trong người vượt ngưỡng cho phép,…họ rơi vào định khung tăng nặng của Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015: (slide)

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Thêm vào đó, Điều 260 BLHS 2015 nêu trên không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn mở rộng  thành “người tham gia giao thông đường bộ”. Theo đó, trong trường hợp có cơ sở xác định lỗi của người đi bộ đi sai luật gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tiền, phạt tù đến 15 năm.

Một điển hình thực tế, Tháng 7/2017, TAND tỉnh Khánh Hòa vừa bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm phạt bị cáo Nguyễn Văn Vinh (SN 1998, trú thôn Thạnh Mỹ, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Không có giấy phép lái xe vẫn chạy xe).

Một lưu ý nữa, hành vi giao xe cho người biết rõ là không đủ điều kiện tham gia giao thông (không có giấy phép lái xe, đang có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép,…) gây hậu quả nghiêm trọng cũng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 264 BLHS 2015 (Slide)

“Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.”.

Trong khuôn khổ buổi trao đổi ngày hôm nay, nhà trường cung cấp thêm cho các bạn sinh viên vài thông tin đáng lưu ý, từ đó, mong rằng mỗi chúng ta khi tham gia giao thông, chú ý việc tuân thủ ATGT, vì đó là hoạt động thường ngày trong guồng quay của xã hội hiện đại, hầu hết mỗi ngày chúng ta ai ai cũng phải tham giao giao thông, chỉ cần chú ý một chút, ý thức hơn mỗi ngày, đừng chủ quan, chúng ta không chỉ đảm bảo an toàn về sức khỏe cho bản thân mình, mà còn tránh các rủi ro về mặt pháp lý. Đó cũng là cách chúng ta thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, với những người chúng ta yêu quý, với xã hội và nhất là với tương lai vừa mới bắt đầu trải nghiệm, khám phá và cống hiến của các bạn.

Chúc các em luôn có những chuyến đi an toàn và học tập tốt!