DHKT

FINTECH TALK – Phần 2: “GenZ và Triển vọng nghề nghiệp” – CÙNG CHỊ THẢO NGUYỄN – PRODUCT OWNER (SSI)

“Sẽ hiếm có chuyện “sống lâu lên lão làng”, lộ trình thăng tiến sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của cá nhân”


Chị Thảo Nguyễn, hiện tại đang giữ vị trí Product Owner tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, và đã có gần 8 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Chứng khoán nói chung và Công nghệ Tài chính nói riêng. Đặc biệt, chị đã hoàn thành khoá học Thạc sỹ về Fintech tại trường đại học Edinburgh, Vương quốc Anh theo chương trình học bổng Chevening của chính phủ Anh.

 

Thông qua những am hiểu sâu sắc dưới góc nhìn của một người tiên phong và có thâm niên trong nghề, chị Thảo Nguyễn sẽ chia sẻ những thông tin giá trị và những câu chuyện nghề thú vị đến các bạn sinh viên. Những thông tin chia sẻ lần này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn những cơ hội và triển vọng nghề nghiệp trong lĩnh vực Fintech.

Như đã chia sẻ ở phần 1, sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ ngành FinTech, chị Thảo giữ vị trí Product Owner cho hệ thống giao dịch trực tuyến của Công ty chứng khoán SSI.

 

1.     Chị có thể mô tả chi tiết hơn về công việc này để các bạn sinh viên hình dung công việc rõ hơn được không ạ?

Như chị đã giới thiệu, Product Owner (PO) là vị trí chịu trách nhiệm về mặt sản phẩm, đồng hành và định hướng cho các Business Analysts (BA) cùng đội phát triển phần mềm (Development team) để mang đến các giải pháp giao dịch phục vụ kinh doanh và tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư.

Trước tiên, chúng ta cần hiểu BA đóng vai trò là cầu nối để chuyển hoá các yêu cầu về mặt nghiệp vụ/kinh doanh (business) thành các yêu cầu phần mềm để Development team có thể thực hiện lập trình và triển khai các công việc khác liên quan đến kỹ thuật (technical). Các em tưởng tượng là những người làm business và technical là những người có hiểu biết riêng về lĩnh vực của họ và nói hai thứ ngôn ngữ khác nhau. Vị trí BA ra đời nhằm kết nối hai ngôn ngữ ấy để hai bên có thể hiểu và làm việc được với nhau, cùng hướng tới một đích đến chung là tạo ra giá trị cho khách hàng. Vì vậy, BA là vị trí yêu cầu không chỉ kiến thức về mặt nghiệp vụ (như ngành của chị là về chứng khoán)/luồng vận hành các hệ thống IT trong tổ chức, mà còn yêu cầu rất nhiều kỹ năng liên quan đến điều phối các đầu việc nghiệp vụ cần phát triển trên hệ thống, quản lý các bên liên quan (stakeholders), kỹ năng lãnh đạo – dẫn dắt (leadership), kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán…

Người giữ vị trí PO đóng vai trò định hướng xuyên suốt cho đội ngũ BA và Development về linh hồn và tầm nhìn của sản phẩm, xây dựng kế hoạch triển khai, điều phối các bên liên quan để đạt được kế hoạch và là người đưa ra các quyết định cuối cùng liên quan đến việc đưa sản phẩm tới tay khách hàng.

Do đầu ra công việc của PO/BA sẽ được sử dụng làm đầu vào cho việc phát triển hệ thống, vai trò của PO/BA cực kỳ quan trọng trong một dự án phần mềm ở bất kỳ lĩnh vực nào. Chị đánh giá vị trí PO/BA là các vị trí rất thú vị, mang tính toàn diện về cả kiến thức lẫn kỹ năng và luôn đòi hỏi nỗ lực nâng tầm bản thân không ngừng. Sẽ rất đáng để thử nhé các em. 

Thông qua khoá học Fintech ở Vương quốc Anh, chị cũng đã được tiếp cận với các công nghệ “trending” trong lĩnh vực này như Machine Learning hay Blockchain, sẵn sàng để ứng dụng những công nghệ này cho sự đột phá của các hệ thống giao dịch chứng khoán trong tương lai. Chị tin tưởng rằng những kiến thức này sẽ là hành trang và mở ra rất nhiều cơ hội trong bối cảnh AI đang phát triển không ngừng và len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, không riêng gì tài chính hay đầu tư.

2.     Trong ngành FinTech, lộ trình thăng tiến thông thường sẽ phát triển như thế nào ạ?

Fintech trên thực tế rất rộng, bao trùm rất nhiều nhánh tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp và mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, có thể chia làm 2 nhóm:

Nhóm 1 là các doanh nghiệp phát triển phần mềm (ví dụ như ở Việt Nam có FPT Software, CMC, NashTech…, trên thế giới có Google hay Microsoft).

Nhóm 2 bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ của riêng họ và cần sự ứng dụng về mặt công nghệ để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ đó. Nhóm 2 này có thể là bất kỳ doanh nghiệp nào, từ nhỏ và vừa đến các tập đoàn tài chính lớn. Họ xây dựng đội ngũ phát triển hệ thống của riêng mình, và kết hợp sử dụng sản phẩm cung cấp bởi Nhóm 1. Với xu hướng data-driven business (đưa ra các quyết định kinh doanh dựa trên phân tích dữ liệu) hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp tài chính nào cũng đều có nhu cầu tận dụng nguồn dữ liệu khổng lồ của ngành. Không chỉ có ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, các tập đoàn đầu tư và quản lý danh mục hay các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) cũng đã tham gia cuộc chơi.

Lộ trình thăng tiến trong ngành Fintech vì thế cũng phụ thuộc vào mô hình tổ chức của từng doanh nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, theo hiểu biết của chị thì lĩnh vực công nghệ đòi hỏi sự cập nhật liên tục, sẽ hiếm có chuyện “sống lâu lên lão làng”, mà lộ trình thăng tiến sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của cá nhân. Về các vị trí trong ngành và career path của từng vị trí, chị sẽ đi theo quy trình phát triển phần mềm cho dễ hình dung nhé.

Mảng phần mềm truyền thống

1.     Tạo ra đầu vào của yêu cầu phần mềm: Business Analysts (Junior/Senior). Sau đó sẽ được nâng lên Product Owner, là người chịu trách nhiệm cho sản phẩm. Tiếp theo còn có Product Manager, người này sẽ có thể quản lý và có tầm nhìn bao quát về một hệ sinh thái sản phẩm lớn hơn.

2.     Đội ngũ phát triển: Thường sẽ bao gồm 2 vị trí là Developer (lập trình viên – Junior/Senior). Các cấp bậc cho vị trí này phụ thuộc vào các tổ chức mà có thể có Team Leader hay Manager. Về mặt chuyên môn, vị trí này hướng đến Solution Architect, là người đóng vai trò định hướng về mặt hệ thống kỹ thuật trên phạm vi rộng.

3.     Tester/Quality Assurance – kiểm thử và quản lý chất lượng phần mềm: bao gồm cả việc định hướng và xây dựng quy trình phát triển phần mềm cho cả doanh nghiệp. Các cấp bậc của vị trí này cũng tương tự như Developer, sẽ thường có Team Leader hay Manager.

4.     Một số vị trí khác:

  • DevOps: Đưa phần mềm qua các khâu xử lý (deployment) lên các hệ thống với nhau (ví dụ, cơ sở dữ liệu hay server).
  • Vận hành hệ thống: Để một phần mềm có thể chạy được và đến tay khách hàng, còn có sự tham gia của rất nhiều các bên liên quan. Trong quá trình phát triển phần mềm và sau khi phần mềm được ra mắt, đội ngũ này sẽ đảm bảo các yếu tố về hiệu năng của hệ thống cũng như hỗ trợ người dùng. Các vị trí này cũng sẽ có những cấp bậc tương tự như Developer hay Tester.
  • Project Manager hay Scrum Master (với các dự án chạy theo mô hình linh hoạt Agile-Scrum). Đây là các vị trí thiên về quản trị dự án và hỗ trợ vận hành dự án theo quy trình cũng như theo tinh thần của các phương pháp phát triển phần mềm. Các bạn nào ưa thích các công việc liên quan đến lãnh đạo, dẫn dắt, quản trị, điều phối nguồn lực có thể tìm hiểu vị trí này nhé.
  • Sales và chăm sóc khách hàng: Các vị trí này thường thấy ở các doanh nghiệp phát triển phần mềm ở Nhóm 1. Đội này cũng cần có hiểu biết về lĩnh vực phần mềm và ngành (business) mà họ phục vụ để có thể bán được sản phẩm.

Mảng Tư vấn (Consultancy)

  • Các em có thể tìm hiểu về dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực triển khai hệ thống của nhóm Big4 ngành Tư vấn – Kiểm toán (Deloitte, Ernst &Young, PwC, KPMG). Nếu tìm đọc các báo cáo về ngành Fintech toàn cầu thì sẽ bắt gặp rất nhiều báo cáo của nhóm Big4 này. Họ có thể đóng vai trò tư vấn ở nhiều mặt trong triển khai phần mềm nói chung và ứng dụng công nghệ vào các công ty tài chính nói riêng. Chẳng hạn như tư vấn trong giai đoạn đấu thầu (giả sử công ty A cần mua phần mềm, có rất nhiều công ty cung cấp phần mềm tham gia chào thầu. Khi đó các đơn vị tư vấn sẽ tư vấn cho công ty A về sự phù hợp của các đối tác phần mềm này, về chi phí, mô hình hoạt động hay định hướng sản phẩm, đội ngũ…). Họ cũng có thể tư vấn trong cách triển khai dự án phần mềm, các công nghệ áp dụng, nhánh Fintech nào phù hợp với doanh nghiệp chẳng hạn.
  • Vị trí tư vấn (consultant)/ Huấn luyện (Coach): Các vị trí này sẽ thường thấy ở các dự án chạy theo mô hình linh hoạt Agile-Scrum, nhằm đảm bảo các dự án phần mềm có thể chạy đúng theo mô hình và đảm bảo tính hiệu quả. Tuy nhiên ở Việt Nam việc ứng dụng Agile vẫn còn nhiều hạn chế trong thực tiễn, nên những người có hiểu biết và kinh nghiệm về Agile cũng đang rất hot nha.

Mảng Khoa học dữ liệu: Nhìn chung, nếu như các đối tượng mà nhóm ở trên giải quyết là các bài toán về mặt sản phẩm hay các nghiệp vụ trong vận hành doanh nghiệp, thì với nhóm dữ liệu, hệ thống sẽ thực hiện khai thác cơ sở dữ liệu để tìm ra các “insight” hỗ trợ cho các quyết định về kinh doanh hay vận hành doanh nghiệp, hay xây dựng các thuật toán để có thể đưa ra các phân tích và dự đoán tự động. Các công nghệ áp dụng vì thế mà cũng khác nhau. Tuy nhiên, hai nhóm này nhìn chung có giao thoa với nhau để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Chẳng hạn, một thuật toán khai thác dữ liệu để dự đoán kết quả của các chiến thuật giao dịch chứng khoán đến cuối cùng cũng sẽ được tích hợp vào một hệ thống phần mềm, thông qua giao diện người dùng để khách hàng tiếp cận và sử dụng. Tất nhiên, các vị trí trong ngành khoa học dữ liệu cũng phụ thuộc vào định nghĩa của từng tổ chức. Có một số vị trí khá phổ biến trong ngành này như Data Analyst, Data Engineer hay Data Scientist.

1.     Data Analyst: thường sẽ làm việc với các công cụ phân tích dữ liệu để tìm ra các insights, thường là thông qua các dạng báo cáo hình ảnh, đồ thị trực quan (visualisation), làm đầu vào cho các cấp lãnh đạo có thể đưa ra các quyết định về mặt kinh doanh hay chiến lược. Ví dụ, Data Analyst sẽ phân tích dữ liệu về môi giới chứng khoán của 10 năm gần nhất và vẽ những biểu đồ thể hiện những khía cạnh cho thấy phòng giao dịch nào có hoạt động môi giới chứng khoán hiệu quả nhất. Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá tính “hiệu quả” trong trường hợp này, vì thế Data Analyst cũng là một nghề yêu cầu sự am hiểu về ngành cũng như các công cụ, phương pháp phân tích dữ liệu và cách trình bày để có thể tìm ra “câu chuyện” mà dữ liệu đang kể.

2.     Data Engineer: Thiên về xử lý dữ liệu làm đầu vào cho các mô hình hay thuật toán phức tạp hơn. Những người này sẽ cần kiến thức và kỹ năng sâu về lập trình, chịu trách nhiệm thu thập các nguồn dữ liệu, làm sạch dữ liệu và tổ chức các nguồn dữ liệu đó để có thể xây dựng một cơ sở dữ liệu đáp ứng được yêu cầu về mặt thuật toán hay các yêu cầu xử lý của hệ thống. Vị trí này không chỉ có ở các mảng chuyên về khoa học dữ liệu, một doanh nghiệp thông thường với cơ sở dữ liệu lớn thì cũng sẽ có thể có vị trí này. Các em hãy tưởng tượng rằng các nghiệp vụ trong doanh nghiệp hay các tính năng của một sản phẩm phần mềm giống như các bộ phận trên cơ thể người, mỗi bộ phận có một chức năng và cách hoạt động riêng, nhưng xuyên suốt là máu đi khắp nơi trong cơ thể. Dữ liệu cũng vậy, luồng xử lý của một hệ thống trước tiên là câu chuyện dữ liệu sẽ chảy đi như thế nào qua các hệ thống trong cùng một hệ sinh thái.

3.     Data Scientist: Đây là vị trí hot nhất hiện nay. Người này sẽ cần am hiểu về dữ liệu, toán học, xác suất thống kê và các thuật toán xử lý dữ liệu như Machine Learning hay AI chẳng hạn. Data Scientist thường làm việc với các tập dữ liệu khổng lồ, để xây dựng các thuật toán nhằm kiểm thử các giả định, đưa ra các dự đoán và các phân tích tự động cho tương lai dựa trên tập dữ liệu có sẵn đó. Ví dụ, họ sẽ thiết kế khoảng 10 chiến lược giao dịch chứng khoán, chạy thử với dữ liệu lịch sử 10 năm và xây dựng một mô hình dựa vào hàng trăm yếu tố liên quan (parameters) để dự đoán xem liệu chiến lược nào sẽ thành công trong bối cảnh thị trường năm 2023. Hay nói cách khác, Data Scientist sẽ xây dựng các công cụ có thể kể câu chuyện của tương lai thông qua những dữ liệu của quá khứ mà công cụ đó được tiếp xúc (training). Công việc này đòi hỏi một tập kỹ năng phức tạp, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực mà họ tham gia, để có thể thiết kế được các thuật toán tổng thể phù hợp với lĩnh vực đó.

4.     Về lộ trình thăng tiến thì các vị trí trên cũng sẽ có các cấp Junior/Senior/Leader/Manager/Director tương tự như mảng phần mềm truyền thống nhé.

Xin cảm ơn những chia sẻ vô cùng bổ ích của chị Thảo Nguyễn, Tachi chúc chị sẽ có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và nhiệt huyết để cống hiến cho sự phát triển của ngành Công nghệ Tài chính tại Việt Nam. Qua đó, Tachi hi vọng rằng các bạn sĩ tử đã có câu trả lời cho những trăn trở về việc lựa chọn ngành nghề của mình. Hẹn gặp lại các bạn tại Khoa Tài chính, chuyên ngành Công nghệ Tài chính (49K33) nhé!