DHKT

FINTECH TALK – Phần 1: “Fintech có phải là cơ hội của GenZ?” – CÙNG CHỊ THẢO NGUYỄN – PRODUCT OWNER (SSI)

Kiến thức và trải nghiệm từ những ngành học kết hợp như Fintech thực sự là một bước tiến mới trong giáo dục để có thể đưa nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị kiến thức toàn diện ở cả hai mảng nghiệp vụ/business và công nghệ ra thị trường. Đây chính là yếu tố then chốt để thành công”



 “Fintech có phải là cơ hội của GenZ?” 
Với 66,000 kết quả trong vòng 0,43 giây, liệu Google đã giúp bạn có câu trả lời thỏa đáng? 

Nếu thực sự bạn vẫn đang loay hoay với những băn khoăn của chính mình, hãy để Tachi giúp bạn “nối máy” cùng chị Thảo Nguyễn – chuyên gia trong lĩnh vực Fintech hiện nay để cùng giải đáp thắc mắc nhé!

Chị Thảo Nguyễn, hiện tại đang giữ vị trí Product Owner tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, và đã có gần 8 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Chứng khoán nói chung và Công nghệ Tài chính nói riêng. Đặc biệt, chị đã hoàn thành khoá học Thạc sỹ về Fintech tại trường đại học Edinburgh, Vương quốc Anh theo chương trình học bổng Chevening của chính phủ Anh.

Thông qua những am hiểu sâu sắc dưới góc nhìn của một người tiên phong và có thâm niên trong nghề, chị Thảo Nguyễn sẽ chia sẻ những thông tin giá trị và những câu chuyện nghề thú vị đến các bạn sinh viên. Những thông tin này sẽ giúp các bạn hiểu rõ tầm nhìn và xu hướng của công nghệ tài chính trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, những lợi thế của GenZ với Fintech, những cơ hội nghề nghiệp rộng mở, những kiến thức – kỹ năng cần thiết cần chuẩn bị ngay từ năm 1 để thành công trong ngành Fintech.

“Fintech Talk” lần này là cơ hội để các bạn sĩ tử xóa tan dấu chấm hỏi lớn về Fintech cũng như mở ra cánh cửa tuyệt vời để các bạn khám phá những tiềm năng mà Fintech mang lại thông qua những kiến thức và kỹ năng được trang bị dưới mái trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.

Hãy cùng Tachi tìm hiểu xem những điều thú vị đó là gì nhé!

1. Chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và kinh nghiệm làm việc của mình được không ạ?

Chào các bạn sĩ tử 2K5 và các bạn sinh viên trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng,

Chị là Thảo, hiện tại chị là Product Owner – Công ty cổ phần chứng khoán SSI, và đã có gần 8 năm kinh nghiệm trong ngành Chứng khoán nói chung và Công nghệ Tài chính (Fintech) nói riêng. 
Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Công nghệ Tài chính tại Đại học Edinburgh, UK theo chương trình học bổng Chính phủ Anh, chị quay về VN và giữ vị trí Product Owner (PO) cho hệ thống giao dịch trực tuyến của Công ty chứng khoán SSI, chịu trách nhiệm về mặt sản phẩm, đồng hành và định hướng cho các Business Analysts (BA) cùng đội phát triển phần mềm (Development team) để mang đến các giải pháp giao dịch phục vụ kinh doanh và tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư. 


2. Chị có thể giúp các bạn sĩ tử hiểu về Fintech một cách đơn giản và theo chị, đâu là xu hướng của Fintech được không ạ?

Fintech (Financial Technology) hiểu một cách đơn giản là sự ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính. Sự ra đời của máy ATM, sau đó là các hệ thống giao dịch liên ngân hàng hay giao dịch chứng khoán là những cột mốc quan trọng trong thời kỳ hình thành ngành Fintech. Cùng với thời gian, khi công nghệ phát triển lên các tầm cao mới và cho phép con người khai thác triệt để các nguồn dữ liệu khổng lồ, các lĩnh vực mới như Blockchain, Big Data hay AI ra đời và được ứng dụng vào tài chính, đã mang đến một kỷ nguyên mới cho ngành Fintech. 

Cách đây 3 năm, có thể thấy 2020-2021 là giai đoạn bùng nổ của chứng khoán toàn cầu và đặc biệt là ở Việt Nam. Trong bối cảnh Covid lan rộng, cuộc đua giữa các công ty chứng khoán/ngân hàng/tài chính trở thành cuộc đua về công nghệ để tiếp cận nhà đầu tư và đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ. 
Đến 2022, các công ty công nghệ trên thế giới có liên quan đến việc phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tạo nên một cơn sốt chấn động thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ sau khi công cụ ChatGPT ra mắt. Trong tương lai không xa, không một ngành nào có thể đứng ngoài cuộc chơi với công nghệ. Chị tin tưởng rằng công nghệ chính là cánh tay nối dài để đưa chứng khoán hay các giải pháp tài chính đến gần hơn với mọi người. Vì thế, tiềm năng cho các ngành kết hợp như Fintech là rất lớn.

3. Với thị trường FinTech Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai gần, chị đánh giá cơ hội việc làm dành cho SV ngành FinTech mới ra trường như thế nào ạ? Các bạn có thể apply vào các vị trí công việc gì ạ?

Fintech chắc chắn là một ngành rất hứa hẹn rồi. Tiềm năng phát triển của công nghệ ngày một lớn, đồng nghĩa với việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính cũng là một mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác hết. Thế hệ những người đi tiên phong trên thế giới và Việt Nam đã cần nhiều năm để có thể nắm bắt các cơ hội xuất phát từ thực tiễn, hay nói cách khác là phải “mò mẫm” thử và sai. Thế hệ các em sinh viên hiện nay đã có cơ hội được đào tạo ngay từ khi trên ghế nhà trường, được tiếp xúc với nguồn thông tin chính thống và được truyền đạt kinh nghiệm từ các thầy cô và những người đi trước. Điều này sẽ giúp các em rút ngắn được khoảng thời gian loay hoay trong việc tìm hướng đi cho mình trong ngành Fintech, và biến nó thành lợi thế khi ra trường. 

Như những gì chị đã chia sẻ ở trên, Fintech là một chân trời rộng lớn, có rất nhiều vị trí để các em có thể thử sức và thoả mãn đam mê, sở thích hay thế mạnh của mình. Hơn nữa, tất cả các vai trò trong ngành đều cần có những hiểu biết nhất định về cả hai phía nghiệp vụ/business và công nghệ thì mới có thể thành công. Kiến thức và những trải nghiệm của các em từ những ngành học kết hợp như Fintech thực sự là một bước tiến mới trong giáo dục để có thể đưa nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị kiến thức toàn diện ra thị trường. 

Fintech trên thực tế rất rộng, bao trùm rất nhiều nhánh tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp và mô hình kinh doanh. Bên cạnh các cơ hội nghề nghiệp ở các công ty Fintech, theo chị, có thể chia làm 2 nhóm:

Nhóm 1 là các doanh nghiệp phát triển phần mềm (ví dụ như ở Việt Nam có FPT Software, CMC, NashTech…, trên thế giới có Google hay Microsoft). 
Nhóm 2 bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ của riêng họ và cần sự ứng dụng về mặt công nghệ để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đó. Nhóm này có thể là bất kỳ doanh nghiệp nào, từ nhỏ, vừa đến các tập đoàn tài chính lớn. Họ xây dựng đội ngũ phát triển hệ thống của riêng mình, và kết hợp sử dụng sản phẩm cung cấp bởi Nhóm 1. Với xu hướng data-driven business (đưa ra các quyết định kinh doanh dựa trên phân tích dữ liệu) hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp tài chính nào cũng đều có nhu cầu tận dụng nguồn dữ liệu khổng lồ của ngành. Không chỉ có ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, các tập đoàn đầu tư và quản lý danh mục hay các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) cũng đã tham gia cuộc chơi.
Về các vị trí trong ngành các em có thể tham khảo như: 
- Chuyên viên phân tích kinh doanh (Business Analyst)
- Chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst)
- Định hướng và chịu trách nhiệm cho sản phẩm Fintech (Product Owner)
- Kiểm thử và quản lý chất lượng phần mềm (Tester/Quality Assurance)
- Tư vấn lộ trình triển khai dự án phần mềm, các công nghệ áp dụng, nhánh Fintech phù hợp cho các doanh nghiệp (Consultant)
Vì thời lượng không cho phép nên chị sẽ để dành những chia sẻ chi tiết về các công việc này trên thực tế và lộ trình thăng tiến cùng các em trong Fintech Talk tiếp theo nhé!

4. Với kinh nghiệm làm việc dày dặn của mình, chị nghĩ các bạn SV cần chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng gì để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng ạ?

Theo chị thì để thành công với Fintech, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em nên tìm hiểu thật kỹ các nhóm kiến thức sau:
Thứ nhất, ngành tài chính bao gồm những mảng nào? Các nghiệp vụ chính của các mảng đó là gì? Ví dụ, chứng khoán sẽ có các nghiệp vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán, ngân hàng sẽ có các nghiệp vụ huy động, cho vay, đầu tư. Các em có thể tìm hiểu thông qua các văn bản luật, sử dụng các hệ thống trực tuyến của các công ty này để tìm hiểu các sản phẩm/dịch vụ mà họ cung cấp, hay tận dụng các buổi thực tế do nhà trường kết nối với doanh nghiệp chẳng hạn. Đây sẽ là bước sàng lọc để các em có thể dần xây dựng hướng đi của mình trong tương lai có tập trung vào mảng nào không, hay là sẽ chinh chiến đủ các mặt trận.
Thứ hai, quy trình phát triển phần mềm, xây dựng hệ thống tại các doanh nghiệp thông thường là gì? Các vị trí trong mảng này sẽ bao gồm những gì, các em cảm thấy hứng thú với vai trò nào. Ví dụ có các bạn yêu thích lập trình, thích giải quyết vấn đề bằng lập trình thì sẽ theo hướng Developer. Các bạn yêu thích làm giải pháp và giao tiếp với nhiều người thì có thể tìm hiểu vị trí PO/BA. Hay các bạn thích các vị trí liên quan đến quản lý nguồn lực, điều phối dự án thì PM nhé.
Thứ ba, các công nghệ được sử dụng trong lập trình truyền thống và trong khoa học dữ liệu. Nếu bạn nào yêu thích toán thì có thể tìm hiểu các vị trí liên quan đến khoa học dữ liệu nhé. Sẽ khá đau đầu, vì liên quan đến toán rồi số liệu mà ^^, tuy nhiên cũng rất thú vị nhé. Các em sẽ thấy toán học và số liệu không hề khô khan mà rất kỳ diệu luôn.
Các nhóm kiến thức trên sẽ góp phần định hướng nghề nghiệp phù hợp với sở thích và nguyên vọng của từng bạn sinh viên trước khi ra trường. Về kỹ năng, các bạn nên tập trung vào kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, phân tích và đàm phán nhé. Đây là các kỹ năng cực kỳ quan trọng không riêng gì với Fintech mà với bất kỳ ngành nghề nào. Đặc biệt trong môi trường thế giới phẳng như hiện nay, các doanh nghiệp cởi mở với việc làm từ xa mà không cần đến văn phòng, thì kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm càng trở nên quan trọng.
Một điều quan trọng cuối cùng nữa, là hãy học tiếng Anh tốt nhé. Tiếng Anh không phải chỉ để thi lấy chứng chỉ hay để giao tiếp được khi đi làm đâu. Các nguồn tài liệu tham khảo về Finance, Technology hay Fintech hầu hết là nguồn gốc bằng tiếng Anh. Vì thế, khả năng tự học của các em sẽ được mở rộng ra rất nhiều, sẽ bứt phá được rất nhiều giới hạn đấy. Tự học cũng là một kỹ năng quan trọng cần phải rèn luyện chăm chỉ. Ví dụ như khi đi học thạc sỹ, trong giáo trình sẽ có xx% nào đó (xx to đấy) là dành cho việc tự học. Các thầy cô sẽ chỉ đi theo hướng dẫn mình thôi, nên vẫn là ở bản thân mình tự nỗ lực nhé.
Hãy luôn dũng cảm đương đầu với thử thách, mạnh dạn thử và sai các em nhé. Chị tin rằng các em sẽ thành công.

5. Có bạn sinh viên lo lắng rằng, liệu cơ hội việc làm của các bạn trong ngành này ở Đà Nẵng có bị hạn chế hơn so với sinh viên ở Hà Nội hay Hồ Chí Minh trong vòng 3-4 năm tới không ạ?

Theo chị thì cũng có thể bị hạn chế một chút, do dân số ở Hà Nội và TP HCM đông dẫn đến lượng việc làm tại 2 TP này đương nhiên sẽ lớn hơn. Tuy nhiên Đà Nẵng là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, và chính quyền thành phố cũng như các trường đại học luôn nỗ lực trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn thiết lập hoạt động kinh doanh ở đây. Các công ty tài chính hay phần mềm lớn như chị biết hầu hết cũng đều có cơ sở tại Đà Nẵng. Đặc biệt, việc quyết tâm xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực”, với Trung tâm Fintech là một trong ba cấu phần chính trong mô hình, sẽ giúp tạo ra hàng nghìn cơ hội, vị trí việc làm liên quan đến Fintech trong tương lai sắp đến. 
Bên cạnh đó, mảng du lịch của Đà Nẵng cũng mang đến lượng khách hàng tiềm năng cho các ứng dụng Fintech (hãy nghĩ đến case study thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến đến mức nào ở Trung Quốc, thì những khách du lịch hay các nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển sang Việt Nam chắc hẳn sẽ hứng thú nếu họ cũng được trải nghiệm các dịch vụ tương tự tại Việt Nam). Nên chị nghĩ trong tương lai Đà Nẵng cũng sẽ là một điểm đến thú vị cho ngành Fintech. 
Ngoải ra, xu hướng làm việc “hybrid” kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng ngày càng chiếm ưu thế kể từ sau hệ quả của đại dịch Covid. Giới hạn về mặt địa lý cũng sẽ sớm không còn là trở ngại nữa. Rất nhiều bạn bè của chị đang làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài trong khi họ ngồi tại Việt Nam. Vậy nên, các em hãy cứ chuẩn bị cho mình kiến thức và kỹ năng để có thể nắm bắt cơ hội bất cứ lúc nào nhé.

6. Chị có thể gửi gắm đôi lời đến các bạn sinh viên còn đang lăn tăn có nên chọn theo học ngành Công nghệ Tài chính (FinTech) tại trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng được không ạ?

Còn gì thú vị hơn bằng việc là những người đầu tiên được đào tạo một cách chính thống về một trong những ngành hot nhất thế giới? Chị tin tưởng rằng Fintech là một câu chuyện dài hơi, sân chơi còn rất rộng và luôn chào đón các bạn trẻ với nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo và đặc biệt là có trong tay những kiến thức và kỹ năng được truyền đạt từ những chuyên gia đầu ngành. Chúc các em sẽ có một hành trình đầy ý nghĩa với ngành Công nghệ Tài chính (FinTech) tại trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhé.

Xin cảm ơn những chia sẻ vô cùng bổ ích của chị Thảo Nguyễn, Tachi chúc chị sẽ có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và nhiệt huyết để cống hiến cho sự phát triển của ngành Công nghệ Tài chính tại Việt Nam. Qua đó, Tachi hi vọng rằng các bạn sĩ tử đã có câu trả lời cho những trăn trở về việc lựa chọn ngành nghề của mình. Hẹn gặp lại các bạn tại Khoa Tài chính, chuyên ngành Công nghệ Tài chính (49K33) nhé!